Ngành gỗ: Cơ hội từ CPTPP

Cập nhật: 31-07-2018 | 08:04:58

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã được 11 quốc gia (trong đó có Việt Nam) ký kết ngày 8-3-2018, được đánh giá sẽ giúp ngành dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… trong nước có thêm thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu. Trên thực tế, ngành gỗ trong nước đang bắt đầu được hưởng lợi từ hiệp định này.

 

 Sản xuất gỗ tại Công ty Lâm Việt. Ảnh: XUÂN VĨ

 Tiềm năng các thị trường mới

Bên cạnh giữ vững thị trường truyền thống như Mỹ, Liên minh châu Âu… các doanh nghiệp (DN) gỗ của Bình Dương cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo các chuyên gia, DN gỗ Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Úc nhờ vào các yếu tố thuận lợi về mặt địa lý, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Ngoài FTA ASEAN - Úc - New Zealand, CPTPP... sẽ mở rộng cánh cửa cho sản phẩm gỗ trong nước vào thị trường giàu tiềm năng này.

Các chuyên gia cho biết, yếu tố quyết định để khách hàng ở Úc chọn mua sản phẩm từ gỗ là chất lượng, thiết kế và giá cả. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Úc đã nhập khẩu hơn 70 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Còn theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), tiềm năng tại thị trường này chưa được DN gỗ trong nước khai thác tốt. Các DN gỗ cần cải thiện thiết kế để phù hợp với thẩm mỹ tiêu dùng của người dân xứ chuột túi.

Bên cạnh đó, thị trường các thành viên còn lại trong CPTPP đang mở toang cánh cửa đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam, trong đó có các thị trường khó tính như Nhật, Canada… Rào cản lớn nhất hiện nay ở thị trường CPTPP chính là mức thuế suất vẫn còn cao, trên dưới 12% (tùy chủng loại sản phẩm gỗ), nhưng theo lộ trình các mức thuế suất xuất khẩu sang thị trường này sẽ giảm về 0%. Ở chiều ngược lại, thuế nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia thành viên cũng sẽ giảm, ngành gỗ của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung sẽ có thêm kênh cung cấp nguyên liệu đa dạng, phong phú.

Ngoài ra, khi CPTPP có hiệu lực việc giảm thuế suất cũng sẽ có tác động tích cực đến việc nhập khẩu máy móc, trang thiết bị để các DN gỗ hiện đại hóa dây chuyền sản xuất.

Thay đổi để khai thác tốt cơ hội

Theo các chuyên gia, tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang bắt đầu có sự thay đổi về chiến lược. Như Thái Lan, Malaysia… thay vì đặt mục tiêu đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu thì họ tập trung vào việc tăng năng suất lao động. Tại các nước này, năng suất - được hiểu là lợi nhuận đạt được trên một đơn vị đầu tư về lao động hoặc vốn là thước đo quan trọng nhất đánh giá sự thành công của bất cứ ngành công nghiệp nào.

Thời gian gần đây, các thành viên của BIFA đang có sự chuyển biến khá tích cực trong việc nâng cao năng suất lao động. Nhiều DN không ngại rót vốn đầu tư vào công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại đến từ các nước Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đã được các DN quan tâm và đầu tư nhiều hơn. Theo ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt, nguồn nhân lực gỗ hiện nay không những bị cạnh tranh trong nội bộ ngành gỗ mà còn đứng trước nguy cơ “mất lao động” từ các ngành điện tử, may mặc... Do vậy, công tác cải tiến, nâng cao công nghệ và giữ nguồn nhân lực đang được các DN hết sức quan tâm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN cũng phải tự học hỏi, chủ động vươn lên. Quan trọng là DN phải tìm hiểu kỹ CPTPP, từ đó phổ cập và tuyên truyền cho tất cả cán bộ, công nhân viên biết, hiểu và thực thi. Đồng thời, DN phải có chiến lược bài bản cho từng đối tượng, từng lĩnh vực cụ thể; phải tiếp cận ngay với những thị trường mới như Chile, Peru, Canada để biết đường lối, chính sách của họ như thế nào, cung cách làm việc ra sao, từ đó có thể hài hòa lợi ích các bên.

Theo BIFA, để tiếp cận tốt thị trường CPTPP, tư duy sản xuất, quản lý, thậm chí khâu marketting của các DN cũng cần có sự thay đổi. Các DN gỗ tại Bình Dương trong thời gian qua đã chủ động tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại chuyên ngành gỗ do các thành viên CPTPP tổ chức. Ngoài ra, việc thay đổi mẫu mã, kích thước sản phẩm linh hoạt, định mức giá cả phù hợp cho riêng từng thị trường đang được các DN gỗ trên địa bàn tỉnh thực hiện thường xuyên nhằm đẩy nhanh xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường khi thời cơ đến.

 XUÂN VĨ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên