Tình hình xuất khẩu (XK) gỗ trong năm 2010 tiếp tục đạt kết quả khả quan và vẫn duy trì là ngành hàng đứng đầu trong nhóm các mặt hàng XK chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên theo ý kiến từ các doanh nghiệp (DN), hiện ngành gỗ thật sự đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là giá cả nguyên liệu và lãi suất ngân hàng quá cao.
Xuất khẩu gỗ tiếp tục tăng
Tính đến hết tháng 10-2010, kim ngạch XK gỗ của Bình Dương đã đạt 1.050,2 triệu USD; tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2009 và chiếm đến 16,1% tổng kim ngạch XK của tỉnh. Các DN XK đạt kim ngạch cao như Trường Thành, Hiệp Long, Tiến Triển, Trần Đức, Minh Dương... Theo Sở Công Thương, năm 2010 kim ngạch XK ngành gỗ của tỉnh đạt trên 1,2 tỷ USD là điều chắc chắn. Thị trường XK sản phẩm gỗ của DN Bình Dương có đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó thị trường Nhật, Bắc Mỹ, châu Âu là những thị trường chủ lực. Từ kết quả này, theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), XK gỗ tỉnh nhà đã dần hồi phục so với tình hình cuối năm 2008 và đầu năm 2009.
Ngành gỗ của Bình Dương luôn đứng đầu trong nhóm các mặt hàng XK chủ lực
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền, Bình Dương là địa phương có ngành gỗ mạnh nhất nước về số lượng DN và cả kim ngạch XK. Bên cạnh đó, điểm mạnh của ngành gỗ Bình Dương là phát triển sớm và hiện quy tụ nhiều DN lớn nhất của cả nước với năng lực XK hàng ngàn container mỗi năm. Ý kiến này rất sát với thực tế bởi lẽ, hiện nay Bình Dương đã thu hút hơn 500 DN hoạt động sản xuất, chế biến gỗ (trong đó có đến 200 DN nước ngoài với vốn cả tỷ USD); chiếm khoảng 25% số lượng DN và 40% kim ngạch XK gỗ của cả nước. Sự tham gia của các DN nước ngoài cùng nhiều DN lớn trong nước vốn có nhiều kinh nghiệm tập trung trên địa bàn tỉnh đã đưa ngành gỗ phát triển quá nhanh và luôn đứng đầu trong nhóm các mặt hàng XK chủ lực trong những năm qua.
Nhưng vẫn còn nhiều thách thức
BIFA cho rằng, đạt được kết quả XK trên là nhờ các DN gỗ Bình Dương đã nỗ lực trong việc xúc tiến thương mại mở rộng thị trường mới, đầu tư thiết bị công nghệ và đa dạng mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là có chiến lược hợp lý trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điểm thuận lợi nữa là thời gian gần đây, XK sản phẩm gỗ của tỉnh đã chuyển biến đúng hướng, từ chỗ tập trung vào một số thị trường truyền thống và trung chuyển sang nước thứ ba thì hiện nay sản phẩm gỗ của Bình Dương đã trực tiếp XK sang các nước có nhu cầu tiêu dùng thực tế.
Tuy nhiên thách thức lớn nhất đối với DN gỗ hiện nay là giá cả nguyên liệu đầu vào chiếm 60 - 70% giá thành sản phẩm gỗ, song 80% nguyên liệu gỗ mà các DN Bình Dương đang sử dụng phải nhập khẩu. Năm 2010, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng đột biến đã gây trở ngại cho nhiều DN. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Công ty Gỗ Minh Phương cho biết, nguyên liệu nhập khẩu tăng đến 180% so với năm trước, trong khi đó giá XK tăng không đáng kể. Vì vậy tuy XK có kim ngạch cao và tăng 30 -40% so kế hoạch mà DN đề ra nhưng lợi nhuận của phần lớn DN đều không tăng. Chỉ ra thách thức cho DN, ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết “Trở ngại của DN XK gỗ là lãi suất vay 12 - 14% là quá cao khiến DN khó cạnh tranh với các quốc gia lân cận có lãi suất chỉ dưới 5%. Nguồn cung công nhân có tay nghề còn ít so với nhu cầu và hiện tại chưa có trường đào tạo dạy nghề bài bản khiến nhân sự trong ngành luôn bất ổn. Nhiều DN trong ngành cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng phải đoàn kết đấu tranh giá bán với khách hàng, mà ngược lại còn kéo giá thấp để giành đơn hàng. Ngoài ra các ngành phụ trợ cho gỗ như ngũ kim, dầu màu, sơn và bao bì chưa phát triển đồng bộ với sự phát triển của ngành chế biến gỗ, dẫn tới chưa cạnh tranh được với một số nước”.
Theo BIFA, tháo gỡ khó khăn hiện nay để tăng ưu thế cạnh tranh cho ngành gỗ là việc cần làm, DN mong Chính phủ sớm điều chỉnh mức thuế XK để bình ổn giá nguyên liệu. BIFA cũng chia sẻ, về phía DN phải liên tục đào tạo huấn luyện nhân sự của mình, khi đàm phán giá với khách hàng nên có chiến lược hợp tác thêm với một số DN đồng ngành, không nên chào giá thấp để lấy đơn hàng. Đẩy mạnh hoạt động thiết kế sản phẩm mới để thu hút khách hàng và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Quan tâm mạnh mẽ đến cải tiến sản xuất và chất lượng sản phẩm, phát triển thêm dòng hàng nội thất để có đơn hàng làm quanh năm, thay vì chỉ làm mấy tháng cho dòng hàng ngoại thất. Với những giải pháp này BIFA hy vọng giúp nhiều cho DN gỗ vượt thách thức để gia tăng XK.
TRỌNG MINH