Ngành gỗ nỗ lực hồi phục, tìm thị trường xuất khẩu

Cập nhật: 02-06-2020 | 07:49:00

Để vực dậy và đẩy mạnh phát triển ngành gỗ xứng tầm với tiềm năng vốn có, cần sự nỗ lực lớn của từng doanh nghiệp (DN) và cú hích mạnh từ cơ chế, chính sách.

Sản xuất tại Công ty Long Hao, huyện Bắc Tân Uyên

Nhiều điểm sáng

Theo các DN thuộc Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA), việc Việt Nam kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh ở ASEAN, EU, Hoa Kỳ phải dừng hoạt động sản xuất cũng giúp DN Việt có thêm đơn hàng. Ngoài ra, cũng cần ghi nhận các DN đã nỗ lực chủ động tìm kiếm đơn hàng trái vụ ở thị trường Australia, EU và Hoa Kỳ. Tại các DN FDI, nỗ lực trong việc cùng nhau tìm kiếm giải pháp giảm thiểu thiệt hại cũng giúp DN gỗ vượt qua những khó khăn trong mùa dịch bệnh. Ông WangSheng- Lung, Giám đốc Công ty Long Hao (KCN KSB - Huyện Bắc Tân Uyên), cho biết nhờ sự chia sẻ rất lớn từ phía khách hàng nên công ty không bị thiệt hại về các chi phí logictisc, vẫn duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động. DN cũng nỗ lực lớn trong việc đàm phán thương lượng giải pháp hỗ trợ lẫn nhau giữa nhà nhập khẩu - nhà xuất khẩu và nhà sản xuất - nhà thương mại trong nước trong các vấn đề lưu kho, bảo quản, thanh toán, nguyên liệu, vật tư...

Xác nhận điều này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết năm 2020 ngành gỗ vẫn có thể tăng trưởng gần 2 con số. Điều này nhờ nỗ lực khống chế dịch bệnh và Việt Nam trở thành quốc gia có sức hút cho nhiều nhà đầu tư chế biến gỗ doanh số nhiều tỷ USD đến đặt nhà máy sản xuất. Ở góc độ khác, nhiều DN Việt Nam đang tích cực chuyển đổi sản xuất sản phẩm cốt lõi hoặc mặt hàng có số lượng lớn để thích nghi với thị trường. Sản lượng xuất khẩu trong cả quý II có thể sụt giảm nhưng đây là điều bình thường, do mùa hè các năm thường giảm 30% đơn hàng.

Hiện tại, một tin đáng phấn khởi cho các ngành sản xuất trong đó có ngành gỗ là dù dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn, song với chủ trương sống chung với dịch ở Mỹ và hầu hết các quốc gia châu Âu sẽ tác động mạnh đến tiêu dùng. Tuy vậy, do sự cắt giảm chi tiêu nên xu hướng chọn lựa của người tiêu dùng và phương thức sản xuất, kinh doanh, phân phối các mặt hàng đồ gỗ của DN sẽ là những mặt hàng tinh gọn. Điều này đòi hỏi DN ngành gỗ phải bắt nhịp được xu thế để thay đổi mẫu mã thiết kế.

Đối với nguồn nguyên liệu, theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, hiện nay Việt Nam trồng nhiều loại gỗ như cao su, bạch đàn, keo, gỗ mỡ… với số lượng lớn, nhưng lại đang thiếu trầm trọng gỗ làm mặt ván. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy sản xuất ván ép không đạt tiêu chuẩn về xuất khẩu. Điều này đặt ra cho các DN ngành gỗ việc đẩy mạnh liên kết giữa các DN trong ngành để cung ứng cái mà ngành gỗ cần chứ không phải bán cái mình có. Đồng thời, đã đến lúc tỉnh cần tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như cơ khí, thiết bị chế biến gỗ, hóa chất, sơn, ván dán, ván nhân tạo và chuỗi chế biến phát triển lâm nghiệp. Có như vậy DN nghiệp mới nắm bắt được những cơ hội phát triển.

DN cần cơ chế

Dù vừa trải qua những tác động từ dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên ngành gỗ vẫn có tiềm năng, lợi thế phát triển rất lớn. Điều quan trọng là DN phải biết “đón đầu xu hướng” để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN để phát triển xứng tầm với tiềm năng. Theo ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt, để ngành gỗ vượt qua khó khăn, tái sản xuất, vươn xa thì cái DN cần là cơ chế.

Đối với chủ trương giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai. Tuy nhiên, các ngân hàng đều đưa ra quy định rất chặt chẽ. Việc cho vay cần nhiều thời gian thẩm định. Chính vì vậy, đến nay rất ít DN ngành gỗ tiếp cận được gói chính sách về tín dụng. Trong khi đó, Nghị định số 41/2020/ NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất lại được đánh giá là chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của DN. Đối với DN ngành gỗ, việc trả tiền thuê đất thường đã được thực hiện từ đầu năm hoặc cho giai đoạn. Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm, xem xét bổ sung chính sách mới để hỗ trợ DN, như: Gia hạn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội, miễn nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian nghỉ việc do dịch bệnh, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm thất nghiệp... Cùng với đó, cần nghiên cứu, ban hành chính sách hoàn thuế VAT ngay sau khi xuất khẩu hàng hóa; bổ sung gói tín dụng cho DN vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động.

Đánh giá vai trò chính yếu của cơ chế trong việc vực dậy và phát triển ngành gỗ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng việc hoàn thiện các chính sách là cấp thiết. Bộ NN&PTNT đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm bớt điều kiện khi vay đối với DN, đặc biệt là quy định phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hay vay và trả nợ đúng hạn. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp cùng các hiệp hội phát triển và mở rộng thị trường; nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển gỗ nguyên liệu nhằm chủ động nguồn trong nước, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường; cùng với đó là đổi mới phương thức giao dịch, bán hàng và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho gỗ Việt. 

Tháng 5-2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của tỉnh ước đạt 285,9 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ ước đạt 1.569,3 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 15,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương. Đây là tín hiệu vui cho ngành gỗ nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên