Ngành gốm sứ lo thiếu nhân lực có tay nghề

Cập nhật: 05-06-2019 | 08:33:20

Bình Dương vừa tổ chức triển lãm “Gốm sứ Bình Dương truyền thống và hiện đại”. Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của các nghệ nhân làm gốm trong và ngoài tỉnh và các doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu gốm sứ.

Nghề gốm sứ được ghi nhận đã có tại vùng đất Bình Dương từ hàng ngàn năm trước, qua việc khai quật hàng loạt di tích khảo cổ như Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc, Dốc Chùa, Phú Chánh… có niên đại cách nay từ 2.000 - 3.500 năm. Đến giữa thế kỷ XIX, gốm sứ Bình Dương với danh xưng gốm Lái Thiêu đã theo những thương thuyền đi khắp lục tỉnh Nam kỳ và sang tận Campuchia. Những trung tâm gốm sứ thời cực thịnh có thể kể đến như Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), Lái Thiêu (TX.Thuận An), Phú Cường, Chánh Nghĩa (TP. Thủ Dầu Một)...

Cũng như những ngành nghề truyền thống khác, trong điều kiện kinh tế thị trường, muốn tồn tại và phát triển buộc một số nghề thủ công truyền thống phải thay đổi. Trong dòng chảy của thị trường, gốm sứ Bình Dương vẫn giữ được cái hồn gốm đã có hàng ngàn năm lịch sử.

Quá khứ thời kỳ cực thịnh của ngành gốm sứ Bình Dương từng gắn với tên tuổi của Công ty Thành Lễ. Công ty này quy tụ hàng trăm cơ sở sản xuất gốm sứ lớn nhỏ, cùng với đó tích cực tìm kiếm thị trường, định hình sản phẩm theo thị hiếu khách hàng... và mạnh dạn xuất khẩu đi các nước. Còn hiện nay, nhắc tới gốm sứ Bình Dương, mọi người biết đến ngay các tên tuổi Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long...

Tuy vậy, nhiều chủ doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn tỉnh đang lo vì đội ngũ thợ gốm lành nghề ngày càng giảm. Bởi hiện nay, Bình Dương phát triển công nghiệp với nhiều ngành nghề nên nghề làm gốm không còn là sự lựa chọn hàng đầu của lực lượng lao động trẻ để lập thân, lập nghiệp. Chính vì thế, giữ được một người thợ có tay nghề, tâm huyết với gốm sứ đối với doanh nghiệp hiện nay còn quý hơn vàng.

Nghệ sĩ ưu tú Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, tâm tình trước đây trường Mỹ thuật Bình Dương có đào tạo nghề làm gốm, nhưng nay đã không còn. Đây là điều đáng tiếc. Hiện nguồn nhân lực nghề gốm chủ yếu do doanh nghiệp tự đào tạo. Nếu nhà trường khôi phục giảng dạy lại bộ môn này sẽ có nhiều thanh niên quay lại học nghề làm gốm. Với giá trị xuất khẩu gốm sứ của tỉnh đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm là sức hút đáng kể đối với người lao động hiện nay. Giải quyết tốt vấn đề này, nghề gốm sứ Bình Dương mới phát triển ổn định trong thời gian tới.

HOÀNG PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên