Ngành ngân hàng: Cùng khách hàng vượt khó

Cập nhật: 21-02-2020 | 08:56:32

Trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) nói riêng, nền kinh tế nói chung đang gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra, nhiều ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam Khu công nghiệp Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Chia sẻ khó khăn

Ngày 18-2, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa việc hỗ trợ khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, của ngành nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra gói cho vay 5.000 tỷ đồng, lãi suất cố định 5,5%/năm trong 4 tháng kể từ ngày giải ngân cho cá nhân sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu và du lịch. BIDV ưu tiên cho vay đối với người sản xuất thanh long, dưa hấu, mít, chuối, người chăn nuôi cá tra, cá ba sa, các mặt hàng cá da trơn, kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, khách hàng của BIDV sẽ được hưởng mức lãi suất hỗ trợ cố định chỉ 5,5%/ năm trong tối đa 4 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Ngoài ra, BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay từ 6,5%/ năm và từ 7,5%/năm cho các khách hàng cá nhân thông thường vay SXKD.

Trong khi đó, một loạt ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)... đã có giải pháp hỗ trợ khách hàng đang vay, như Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho các DN vừa và nhỏ vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm (cố định trong suốt thời hạn vay đối với một số kỳ hạn vay ngắn hạn). Thời gian tới, ngân hàng này sẽ triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm cho các DN lớn.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á đã triển khai chương trình “Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch Corona”. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) miễn phí thường niên dịch vụ eBanking cho cá nhân nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện giao dịch online khi dịch còn diễn biến phức tạp...

Hạn chế nợ xấu

Từ đầu năm đến nay, do tác động tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai, hoạt động SXKD của các ngành đều bị ảnh hưởng, trong đó các ngành du lịch, xuất nhập khẩu, dịch vụ… bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, động thái hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng được đánh giá là kịp thời và thiết thực.

Theo bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất gỗ Sao Nam, các DN rất mong chờ thông báo từ phía ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất, bởi sức tiêu thụ chung trên thị trường trong nước đang sụt giảm mạnh. Về đơn hàng sản xuất, các DN có thể duy trì đến hết quý II- 2020, nhu cầu đặt mới hàng từ các thị trường đang bắt đầu sụt giảm nên DN sản xuất các ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc giảm lãi suất, khoanh - giãn nợ, cho vay mới… là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thống kê sơ bộ từ các ngân hàng thương mại cho thấy hiện có khoảng 50% danh mục hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, trong đó hơn 15% bị ảnh hưởng nặng nề nếu dịch kéo dài. Về phía ngân hàng, hệ lụy từ dịch bệnh này cũng không kém.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá dịch bệnh này sẽ tác động đến ngành ngân hàng ở 3 khía cạnh quan trọng. Đó là cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các DN, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý I và quý II. Kế đến là tiềm ẩn nợ xấu tăng, khi các DN, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động SXKD gặp khó khăn. Thứ ba là nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt tăng do một số khách hàng ngại tiếp xúc. Vì vậy, ngân hàng hỗ trợ DN cũng là tự giúp mình.

Một lãnh đạo Vietcombank cho hay ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát từng khách hàng bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch bệnh và đang gặp khó để ra quyết định hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, để được hỗ trợ giảm lãi vay, DN phải có các chứng từ, tài liệu chứng minh lĩnh vực hoạt động, mức độ thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Do quy mô dư nợ tín dụng được hỗ trợ giảm lãi suất tại Vietcombank lên tới 30.000 tỷ đồng nên ước tính lợi nhuận của ngân hàng năm nay có thể giảm khoảng 300 - 450 tỷ đồng. Trước đó, Vietcombank thông báo sẽ giảm lãi vay tối đa 1,5%/năm với khách hàng thuộc các lĩnh vực bị tác động từ dịch bệnh.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bình Dương, cho biết ngay từ khi phát sinh dịch bệnh này và có ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, ngân hàng đã có phân tích, rà soát, đánh giá dòng tiền đối với khách hàng bị ảnh hưởng để có giải pháp hỗ trợ. Qua đó, ngân hàng kịp thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi suất cho vay mới nhằm giúp khách hàng duy trì và ổn định SXKD. “Hiện nay, gói 4.000 tỷ đồng chỉ là một trong những gói hỗ trợ mà ngân hàng đưa đến các DN có thiệt hại về SXKD. Trong thời gian tới, căn cứ vào tình hình thực tế của DN, ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra các gói tín dụng khác nhằm hộ trợ DN nhiều hơn”, ông Linh nói.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, cho rằng các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm mục tiêu lợi nhuận bằng cách hạ lãi suất cho vay. Bởi trong bối cảnh DN bị thiệt hại do dịch bệnh, nếu ngân hàng thương mại không giảm lãi suất DN có thể suy giảm khả năng trả nợ. Khi đó, khoản vay có nguy cơ trở thành nợ xấu, ngân hàng phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu đó, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, việc đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý góp phần hỗ trợ nền kinh tế phát triển vẫn là mục tiêu hàng đầu của ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên