Ngành ngân hàng tại Bình Dương: Bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả

Cập nhật: 25-07-2014 | 00:00:00
Những tháng đầu năm 2014, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển và sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và của tỉnh trong thực hiện các giải pháp về tiền tệ và ngân hàng nên hoạt động ngành ngân hàng tại Bình Dương tiếp tục tăng trưởng.

 Tín hiệu tích cực

Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương, tính đến cuối tháng 6 tổng vốn huy động toàn ngành đạt 88.265 tỷ đồng, tăng 14,87%; tổng dư nợ cho vay 70.611 tỷ đồng, tăng 18,88%; nợ xấu 1.240 tỷ đồng, chiếm 1,76%/tổng dư nợ, giảm 4,87% so với cùng kỳ năm 2013. Đánh giá tổng quan của NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương cho thấy, thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã thực hiện tốt các quy định về lãi suất huy động, cho vay… theo chỉ đạo của NHNN. Các TCTD đã đẩy mạnh huy động vốn với tốc độ tăng trưởng cao nhằm bảo đảm khả năng thanh khoản và nhu cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế.

   Các TCTD có xu hướng tập trung nguồn lực, củng cố chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng, cũng như cải tiến sản phẩm và nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Khu công nghiệp Sóng Thần. Ảnh: T.HỒNG

Đặc biệt, những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho cao nên khả năng hấp thụ vốn tín dụng hạn chế khiến cho 3 tháng đầu năm dư nợ tín dụng giảm so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, của ngành, việc thực hiện giảm lãi suất cho vay đã được các ngân hàng thực hiện nghiêm túc, nhờ đó từ tháng 4 dư nợ tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương. Trong đó, dư nợ ngoại tệ tăng cao là do lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn VND; NHNN cũng có thông điệp sẽ ổn định tỷ giá nên các doanh nghiệp đủ điều kiện vay ngoại tệ đã gia tăng nhu cầu vay ngoại tệ so với đầu năm… Kết quả này sẽ là tiền đề quan trọng để ngành ngân hàng tại tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% vào cuối năm 2014.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã thực hiện tốt việc tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chương trình trọng điểm của tỉnh…; cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ, miễm giảm lãi vay ngắn hạn bằng VND. Hiện lãi vay trong các lĩnh vực trung bình từ 7 - 12%/ năm (kỳ hạn ngắn và trung dài hạn). Các ngân hàng tại tỉnh cũng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ, tháo gỡ cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng và giảm nợ xấu…

Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Nam Tân Uyên Nguyễn Minh Hùng cho biết việc các ngân hàng trên địa bàn đưa ra nhiều gói tín dụng rất sát thực thực tế đã đáp ứng đúng nhu cầu về tín dụng hiện nay của các DN. “Việc hạ lãi suất của các ngân hàng tựa như luồng gió mát, kích thích nhiều DN đầu tư trên địa bàn thông qua việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhập thiết bị máy móc, mua nguyên vật liệu để tăng gia sản xuất và phát triển mạnh tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên trong thời gian qua”, ông Hùng ví von.

Những kết quả tích cực của ngành ngân hàng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP qua 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt mức 9,5% và bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn…

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Thời gian qua, trong nhóm yếu tố khách quan, yếu tố quản lý điều hành của NHNN như chính sách điều hành tín dụng, lãi suất và tỷ giá, cơ chế quản lý về quy định an toàn hoạt động của NHNN được các TCTD đánh giá có nhiều cải tiến nhất và tác động tích cực đến tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Theo nhận định của Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương Bùi Văn Nu, hiện tiến trình thi hành án đối với việc xử lý nợ xấu còn chậm; đối với cho vay thế chấp bằng bất động sản, máy móc thiết bị… giá trị phát mãi tài sản thu được thực tế thường giảm nhiều so với giá trị định giá dẫn đến không đủ bù đắp cho khoản vay. Do vậy, việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu đang là vấn đề nan giải đối với nhiều ngân hàng hiện nay.

Đại diện Ngân hàng Á Châu (ACB) Chi nhánh tỉnh Bình Dương, cho biết ACB hiện có khoản nợ chỉ 400 triệu đồng nhưng 5 năm qua cũng chưa xử lý được. Nếu ngân hàng đã thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tài chính tín dụng cho DN thì ở chiều ngược lại ngân hàng cũng rất cần sự đồng hành chia sẻ của cơ quan pháp luật trong vấn đề xử lý nợ xấu. Mặt khác, cũng cần có sự triển khai kết nối giữa 3 bên ngân hàng, tòa án và UBND tỉnh để tìm giải pháp tháo đúng chỗ vướng để nợ xấu của hệ thống ngân hàng giảm nhanh hơn.

Hiện nay, mặc dù tỷ trọng hoạt động tín dụng của các TCTD có xu hướng giảm nhưng vẫn còn trên 90% nguồn thu của ngân hàng là hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, Luật Ngân hàng và Luật Các TCTD đã đi vào cuộc sống 4 năm nay, thế nhưng đến nay cơ chế cho vay, cơ chế bảo đảm tiền vay... vẫn còn bỏ ngõ, mỗi ngân hàng cho vay một kiểu. Có ngân hàng cho vay theo dòng vốn, còn ngân hàng khác thì cho vay theo vốn tự có, khiến hoạt động kiểm soát chất lượng tín dụng đang rối rắm. “Hiện nay, trong quy trình thẩm định hồ sơ chúng tôi cũng không biết thẩm định cho vay theo phương pháp nào là đúng chuẩn. Do vậy, NHNN cần sớm ban hành văn bản thực hiện nghiệp vụ này để các ngân hàng đi đúng hướng”, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bình Dương Nguyễn Ngọc Việt kiến nghị.

Như vậy, làm thế nào để củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng là vấn đề luôn đặt lên hàng đầu trong quản trị ngân hàng. Bên cạnh đó, các TCTD cho rằng khả năng mở rộng tín dụng ở mức cao 12 - 14% trong thời gian tới vẫn rất khó khăn do nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hàng tồn kho lớn nên sức hấp thụ vốn không cao dù lãi suất vay đã giảm. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm là không đơn giản, bởi yếu tố căn bản là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Do đó, lưu thông dòng tín dụng thời gian tới cần phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN, giải quyết dứt điểm các chính sách vướng mắc có liên quan đến tài sản bảo đảm…

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên