Ngành ngân hàng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Cập nhật: 27-02-2020 | 08:02:29

Trong bối cảnh ngành chức năng khuyến cáo người dân hạn chế đến những nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với tiền nhằm phòng ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đồng thời nhiều chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích khách hàng tiếp cận, tham gia dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn, hiện đại.

 Nhân viên ngân hàng tư vấn, hướng dẫn khách hàng tham gia giao dịch trên internet. Ảnh: THANH HỒNG

 Mở rộng giao dịch qua mạng

Bình Dương có lượng khách hàng đến giao dịch hàng ngày khá lớn nên các ngân hàng đều đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế dịch bệnh, như cho phép người dân vào ngân hàng giao dịch được đeo khẩu trang, trang bị khẩu trang cho giao dịch viên tại quầy, cấp phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí cho khách hàng tại các điểm giao dịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, các ngân hàng đưa ra khuyến cáo người dân nên sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch (Open Banking, Internet Banking, Mobile Banking…) nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định về kiểm soát và hạn chế lây lan dịch bệnh.

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) khuyến khích khách hàng nên chuyển sang giao dịch online nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Đại diện TPBank cho biết về mặt công nghệ, khi việc đẩy mạnh ngân hàng tự động, dùng Internet Banking cũng giúp giảm thiểu việc lây lan, hạn chế việc tiếp xúc đông người, hạn chế tiếp xúc vật lý với những nguồn lây nhiễm vi rút. Đó là những cách thức ngân hàng đang ứng dụng.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết thêm một cách thức thanh toán hữu hiệu nữa được áp dụng vào mùa dịch bệnh Covid-19 đó là giao dịch bằng thẻ thanh toán không tiếp xúc. Việc sửdụng hình thức thanh toán này không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, tiện lợi màcòn làbiện pháp bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình trong mùa dịch bệnh.

Theo đó, từ nay đến hết 30- 4, BIDV tặng 100% phí giao dịch trên BIDV SmartBanking, BIDV Online cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ. Phí giao dịch cũng sẽ được BIDV hoàn vào tài khoản đăng ký dịch vụ của khách hàng với tổng số tiền hoàn phí này ước tính lên đến 2,46 tỷ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm này kênh thanh toán điện tử được xem như giải pháp tối ưu để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Nhiều lợi ích

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ- TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016- 2020. Ghi nhận cho thấy, việc giao dịch thanh toán bằng hình thức này tuy đã được hệ thống ngân hàng áp dụng bằng nhiều giải pháp song tốc độ tăng vẫn khá chậm. Nhưng thời gian gần đây, nhất là từ khi có thông tin dịch bệnh Covid-19, số khách hàng giao dịch bằng hình thức này tăng mạnh.

Theo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhu cầu thanh toán chuyển khoản qua hệ thống liên ngân hàng 24/7 ghi nhận cao hơn so với rút tiền mặt. Cụ thể, vào thời điểm trước tết năm 2020, lượt chuyển tiền tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cả về số lượng giao dịch và giá trị. Tốc độ giao dịch qua các kênh thanh toán không dùng tiền mặt qua máy POS, chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7, cổng thanh toán điện tử chiếm đến 90% giá trị giao dịch, phần còn lại là giao dịch qua ATM. Điều này hỗ trợ việc giảm tải cung ứng tiền mặt trong hệ thống ATM.

Chị Trần Thị Mộng Thắm, ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho hay những ngày qua khi dịch bệnh Covid-19 bước vào cao điểm, chị đã giảm đi chợ, siêu thị, chuyển qua mua hàng qua mạng, mua ở cửa hàng có dịch vụ giao tận nhà, thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng. “Chúng tôi hạn chế tiếp xúc tiền mặt, những nơi đông người để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình trong mùa dịch Covid-19”, chị nói.

Tại Bình Dương, theo số liệu thống kê của các ngân hàng thương mại, số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM, giao dịch qua hệ thống điện tử hiện nay tăng gấp 2 lần so với trước. Ông Võ Đình Phong, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, cho biết chủ trương tăng cường các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã được Ngân hàng Nhà nước định hướng từ lâu. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở một số nước hiện nay là dịp để khách hàng chuyển mạnh sang thanh toán không dùng tiền mặt. Việc người dân chuyển sang giao dịch qua phương thức điện tử không những làm thay đổi thói quen tiêu dùng mà còn giúp ngành ngân hàng giảm bớt áp lực kiểm đếm, chi phí quản lý, vận hành tiền mặt, in ấn…

 Theo cảnh báo của các chuyên gia, tại Việt Nam, với thói quen sử dụng tiền mặt lên đến 90% dân số như hiện nay, tiền giấy hay tiền polymer đều có nguy cơ là nguồn của các tác nhân gây bệnh và là rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng, trong đó nổi lên hiện nay là dịch bệnh Covid-19.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên