Ngành nông nghiệp của tỉnh: Tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững

Cập nhật: 11-04-2018 | 22:54:16

Thực hiện Kế hoạch 388 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 899/ QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đã đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, với các chính sách hỗ trợ đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất.


 

 Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bình Dương đạt kết quả tốt. Trong ảnh: Cán bộ, hội viên nông dân thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp tham quan, học tập kinh nghiệm tại một mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả kinh tế cao ở TX.Thuận An. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

 

 Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả tốt, thể hiện rõ vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nông nghiệp đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho phần lớn dân cư khu vực nông thôn của tỉnh. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt những kết quả bước đầu, tạo bước đột phá trong sản xuất, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà, qua đó giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn...

 

Tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM

Giải pháp này đã được tỉnh thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Đến hết năm 2017, tỉnh đã công nhận 46/49 xã đạt chuẩn NTM, đạt 93,88% so với kế hoạch giai đoạn 2011-2020; 3 xã còn lại đều đã đạt từ 16 - 18 tiêu chí NTM. Tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định TX.Bến Cát hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% xã đạt chuẩn NTM.

Trong giai đoạn 2014-2017, tỉnh đã tập trung vốn đầu tư phát triển một số vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo quy hoạch; ưu tiên đầu tư các dự án về triển khai thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến. Tỉnh cũng rất quan tâm đến việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể là đã tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ dạy nghề cho 2.376 học viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, trồng và nhân giống nấm, kỹ thuật trồng hoa lan…

 

 

Sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao; tỷ trọng ngành chăn nuôi tiếp tục tăng trong cơ cấu nông nghiệp. Đến cuối năm 2017, trong cơ cấu của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, tỷ trọng trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ lần lượt là 54,2% - 43,4% - 2,4%. Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh tăng bình quân hàng năm 4%. Năm 2017, giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 95 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, trình độ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản; tỷ lệ sử dụng giống mới các loại cây trồng, vật nuôi chính đạt từ 80 - 100%, năng suất tăng từ 5 - 10%; 100% diện tích đất canh tác cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất; 70% trang trại chăn nuôi được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao.

Tăng cường đầu tư vào hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua 4 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh những kết quả đã làm được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, nhu cầu vốn đầu tư cho ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn rất lớn nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn còn khó khăn, thủ tục rườm rà; quy mô sản xuất chưa đủ lớn nên không bảo đảm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ổn định. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chưa phân biệt rõ ràng giữa sản phẩm ứng dụng công nghệ cao bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và sản phẩm thông thường, cho nên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Trong khi đó, một số chương trình, dự án đang trong quá trình xây dựng và bước đầu triển khai thực hiện nên chưa tác động mạnh vào quá trình thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, giá bán và thị trường tiêu thụ một số loại cây có múi được trồng trên địa bàn tỉnh tương đối tốt. Tuy nhiên, mức đầu tư ban đầu tương đối lớn, từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ ha cho chu kỳ 3 năm mới thu hoạch. Khó khăn nữa là, cách làm của một số đơn vị, cá nhân còn mang tính bộc phát, chưa tuân theo định hướng quy hoạch về vùng trồng, diện tích trồng và chưa nắm bắt kịp nhu cầu thị trường cho từng loại cây nên rất dễ xảy ra tình trạng cung vượt cầu, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan giới thiệu thị trường tiêu thụ và quảng bá chất lượng nông sản để ngành sớm định hướng cho nông dân ổn định sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững.

Ở một khía cạnh khác, kinh tế toàn cầu đang có những tác động bất lợi cho nền kinh tế trong nước, giá cả các mặt hàng nông sản bấp bênh, nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng… đã ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng còn thấp so với tiềm năng và nhu cầu thực tế; việc xây dựng một số chương trình, dự án về nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu đồng bộ, không sát thực tế…

Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai Quyết định số 157/ QĐ-UBND ngày 18-1-2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành nông - lâm - ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với các nội dung, tiêu chí xây dựng NTM; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngành nông nghiệp của tỉnh cũng tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp; giữ vững và ổn định thị trường truyền thống, tập trung cải thiện, nâng cao hiệu quả kênh tiêu thụ đã hình thành; tiếp tục xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường nông sản để cung cấp thông tin cho sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong năm nay, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,5% so với năm 2017; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp từng bước tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp...

 Thực hiện Quyết định 04 của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận, xét duyệt và chuyển Quỹ đầu tư phát triển tỉnh thẩm định 29 phương án với tổng số tiền đề nghị vay hơn 189 tỷ đồng. Hiện có 17 phương án đã giải ngân xong, 12 phương án đã thẩm định xong nhưng chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện vay vốn do chủ đầu tư không bảo đảm các thủ tục về hồ sơ vay vốn.

 

 QUỲNH NHIÊN 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=655
Quay lên trên