Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn: Vững vàng trong khó khăn

Cập nhật: 05-02-2010 | 00:00:00

Công trình đầu mối hồ thủy lợi Phước Hòa, một công trình nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang được khẩn trương thi công

Năm 2009, mặc dù gặp nhiều tác động bất lợi từ suy giảm kinh tế thế giới cũng như tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) vẫn đạt được một số kết quả khả quan, tạo đà thuận lợi cho việc hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới.

Trong năm qua, tổng vốn ngân sách đầu tư cho ngành NN-PTNT khoảng 40.592 triệu đồng. Theo đánh giá, các nguồn vốn được các đơn vị quản lý và sử dụng có hiệu quả, góp phần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của ngành NN-PTNT. Con số tăng 4,61% (ước đạt 2.623 tỷ đồng) so với năm 2008 về giá trị sản xuất của ngành NN-PTNT trong năm 2009, cho thấy kết quả đạt được của ngành này trong năm qua thật đáng khích lệ. Điều này cho thấy nông nghiệp tỉnh nhà đã khắc phục được khó khăn và đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm.

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp có tiếp tục giảm (giảm 2.366 ha so với năm 2008); cơ cấu lao động nông nghiệp giảm 0,9% so với năm 2008, chỉ chiếm 18,2% trong cơ cấu lao động chung của tỉnh nhưng cơ cấu nông nghiệp vẫn phát triển theo hướng tích cực, trong đó diện tích cây hàng năm và cây lâu năm có giá trị kinh tế thấp tiếp tục được chuyển sang trồng cây lâu năm có hiệu quả kinh tế cao (chủ yếu là cây cao su với diện tích tăng thêm là 3.508 ha). Tỷ trọng ngành chăn nuôi tiếp tục tăng trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Tính đến cuối năm 2009, tỷ trọng trồng trọt - chăn nuôi là 68,2% - 27,1% (năm 2008 là 69,9% - 25%); các sản phẩm nông sản chủ lực tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, trong đó cao su đạt 179.998 tấn, tăng 3,09%; thịt gia súc, gia cầm đạt 66.041 tấn, tăng 8,82%...

Trong năm qua công tác thú y, bảo vệ thực vật luôn được bảo đảm và thực hiện tốt. Do lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, mưa trái mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số sâu bệnh phát sinh gây hại trên các loại cây trồng như bệnh nấm hồng, xì mủ thân trên cây cao su; bệnh thán thư, sâu đục chồi trên cây điều; bệnh đốm phấn, vàng lá, nhóm chích hút trên rau màu; bệnh vàng lùn, rầy nâu trên cây lúa... Tuy nhiên, do chủ động phòng trừ và xử lý kịp thời nên mức độ gây hại nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng. Công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm, tiêm phòng trên đàn gia súc được thực hiện chặt chẽ, đúng kế hoạch nên đã không để dịch bệnh xảy ra. Trong năm 2009, tổng đàn gia cầm được tiêm phòng đạt hơn 9.200.000 con, đạt 98% diện tiêm; công tác tiêm phòng các loại bệnh trên gia súc luôn đạt tỷ lệ cao.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư. Trong năm, ngành NN-PTNT đã triển khai 464 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 271 km, tổng vốn đầu tư là 224 tỷ đồng; 100% đường đến trung tâm các xã được nhựa hóa; tỷ lệ hộ sử dụng điện ở nông thôn đạt 98,73%; tỷ lệ số hộ nông thôn sử dụng nước sạch đạt 93%; tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải đạt 56%... Bên cạnh đó, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được quan tâm, toàn ngành đã triển khai thực hiện 485 điểm trình diễn mô hình khuyến nông - khuyến ngư; tổ chức 253 lớp tập huấn với 10.106 lượt nông dân tham dự về sản xuất trái cây, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; kỹ thuật chăn nuôi, trồng nấm; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, rau màu, ăn trái...

Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Rum, cho biết: “Trong năm dù chịu nhiều ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh hoành hành nhưng nhờ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan. Sở NN-PTNT đã tiếp tục triển khai cho các đơn vị trực thuộc kiểm soát dịch bệnh, kiểm tra các công trình thủy lợi, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân... Trong năm 2010, ngành NN-PTNT sẽ quyết tâm thực hiện tốt các nghị quyết về nông nghiệp nông thôn của Tỉnh Đảng bộ lần VIII đã đề ra. Theo đó, ngành NN-PTNT sẽ tiếp tục chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; nâng cao chất lượng lao động nông dân; tiếp tục triển khai các kế hoạch, các biện pháp để kiểm soát, phòng chống có hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, phòng chống bão lụt, cháy rừng; rà soát lại các quy hoạch của ngành nông nghiệp cho phù hợp với tiến trình phát triển của tỉnh; ổn định quy hoạch sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm môi trường sản xuất nông nghiệp và góp phần làm cho nông nghiệp Bình Dương phát triển bền vững”.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên