Ngành sư phạm: Xa rồi thời hoàng kim

Cập nhật: 21-04-2010 | 00:00:00

Qua ghi nhận sơ bộ số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2010, thí sinh vẫn lựa chọn những ngành có “giá trị thặng dư” cao như kinh tế, tài chính, trong khi ngành sư phạm thì rất đìu hiu. Nỗi lo đầu vào đối với “cỗ máy cái” đào tạo giáo viên đã được cảnh báo lâu nay nhưng có vẻ như năm nay càng trở nên đáng nói hơn.

 

Thí sinh dự thi vào ĐH Sư phạm TP.HCM ra về sau giờ thi môn Văn năm 2009

 

Thi vào sư phạm ngày càng “hẻo”

 

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” là nỗi ám ảnh trong những năm 80 của thế kỷ XX. Cách đây hơn chục năm, đào tạo sư phạm đã từng có thời “hoàng kim” khi chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ra đời.

 

Vài kỳ tuyển sinh gần đây, số lượng thí sinh dự thi sư phạm bắt đầu giảm. Vì thế năm ngoái, khi Bộ GD-ĐT có ý định thu lại học phí của sinh viên sư phạm, dư luận đã quyết liệt phản đối. Ý định này sau đó được Bộ GD-ĐT rút lại, sinh viên chọn học làm thầy vẫn được nhà nước miễn học phí. Thế nhưng, giờ đây, xem ra lý do được miễn học phí không đủ hấp dẫn để hút học sinh vào ngành sư phạm.

 

Còn nhớ mùa tuyển sinh năm 2009, “lò sư phạm” có tiếng nhất cả nước - ĐH Sư phạm Hà Nội, tỷ lệ chọi đã giảm hơn các năm trước. Tại đây, tỷ lệ chọi trung bình chỉ là 1/8,4. Không những giảm về số người đến thi, điểm chuẩn đầu vào của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2009 cũng không hề cao. “Đỉnh” nhất là sư phạm Toán lấy 22 điểm (KV3), sau đó là Văn khối C 23 điểm; còn lại rất nhiều ngành khác lấy thấp, như Hóa, Sinh chỉ lấy 16 điểm; Tin 16,5 điểm. Đó là chưa kể đến việc trường phải lấy thêm khá nhiều sinh viên ở NV2.

 

Đáng buồn hơn, hàng loạt trường sư phạm năm 2009 cũng phải tuyển vớt đến NV3, với điểm vào trường chỉ sít sao điểm sàn mới đủ chỉ tiêu để đào tạo.

 

Năm nay, dù chưa có thống kê chính thức nhưng tại khu vực phía Nam, như SGGP đã phản ánh, số hồ sơ nộp đăng ký thi vào các trường sư phạm rất ít ỏi. Tại phía Bắc, tình hình cũng tương tự. Bà Trần Thị Kim Thanh, cán bộ thu hồ sơ thi ĐH-CĐ của trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội cho hay, lượng thí sinh thi vào sư phạm năm nay giảm hẳn, cả trường với khoảng 1.500 hồ sơ nhưng chỉ có vài em đăng ký vào sư phạm.

 

Bao giờ cho đến ngày xưa

 

Còn nhớ năm 1997, với việc Chính phủ quyết định miễn học phí cho sinh viên sư phạm, cộng với thời điểm đó, lương của giáo viên được nâng lên đã tạo đột biến chất lượng đầu vào cho các trường sư phạm.

 

Điển hình nhất là ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 1997, lần đầu tiên lấy điểm chuẩn vào khoa Toán là 27 điểm. Khoa thấp nhất cũng lấy 23-24 điểm. Các nhà giáo dục đã gọi đó là thời kỳ vàng “3 con 9”. Ngành sư phạm trở thành ngành “hot” sau nhiều năm dài èo uột. Nhưng thật đáng tiếc, thời kỳ vàng đó chỉ kéo dài được 5 - 6 năm.

 

GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội than thở, “đồng lương thấp và quá khó tìm việc làm sau khi ra trường là hai cản trở chính để thí sinh chọn thi ngành sư phạm”. Trong bối cảnh hiện nay, cơ hội để kiếm việc làm dễ dàng với mức thu nhập hấp dẫn là động cơ đầu tiên để thí sinh đặt bút ghi mã ngành vào hồ sơ dự thi. Đó là lý do để giải thích tại sao năm nay những ngành kinh tế tiếp tục là ưu tiên lựa chọn của thí sinh.

 

Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Huế Lê Văn Anh cho biết: “Hiện lượng thí sinh thi vào ĐHSP Huế vẫn chưa giảm mạnh vì chính sách miễn học phí vẫn là điều kiện quan trọng để trường hút thí sinh, vốn chủ yếu là học sinh nông thôn, nhà nghèo, nhưng điều quan trọng nhất là Nhà nước phải đồng thời có cơ chế bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm ra trường, không thả lỏng các em như hiện nay, thì ngành sư phạm mới có nhiều thí sinh đăng ký dự thi”, Hiệu trưởng Lê Văn Anh nói.

 

Cùng chung quan điểm, Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm trung ương Nguyễn Văn Lê cho rằng, xu hướng chung là càng ngày thi sư phạm sẽ càng ít. “Học sinh bây giờ thực tế hơn rất nhiều. Học gì đều được các em xác định rõ với các tiêu chí: phải có việc làm, thu nhập bảo đảm. Thương hiệu của trường cũng rất quan trọng. Các trường đều thực hiện 3 công khai, nếu cơ sở vật chất quá xập xệ, đội ngũ giảng viên kém thì các em cũng sẽ không lựa chọn”, ông Lê cho biết.

 

Dư luận xã hội và nhiều chuyên gia giáo dục đều khẳng định, thí sinh không mặn mà ngành sư phạm vì lý do đầu ra khó khăn, thu nhập không hấp dẫn. Nếu giải tỏa được điều này, ngành sư phạm sẽ dễ dàng trở lại thời hoàng kim. Điều này được khẳng định qua thực tế từ trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.

 

Theo thầy hiệu trưởng nhà trường Trần Trung, nhà trường đào tạo lĩnh vực công nghệ, nếu sinh viên nào có nhu cầu đi dạy sẽ tự bỏ tiền để học chứng chỉ sư phạm trong 6 tháng. Chứng chỉ này cùng với bằng cử nhân công nghệ là điều kiện để trở thành giáo viên trường nghề. “Hàng năm trường có trên 1.000 kỹ sư công nghệ học lấy chứng chỉ sư phạm. Nếu trường nghề nào hoặc doanh nghiệp nào trả lương hấp dẫn các em sẽ lựa chọn để trở thành giáo viên dạy nghề, không thì thôi”, ông Trung cho biết.

 

Bất cứ sinh viên nào cũng mong có thu nhập cao để bù đắp những chi phí mà bản thân và gia đình phải bỏ ra trong quá trình học tập. Đó là điều mà ngành GD-ĐT phải lưu ý khi hoạch định chính sách.

 

(THEO SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X