Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1.8.1930-1.8.2021)

Ngành tuyên giáo: Luôn là mặt trận hàng đầu

Cập nhật: 31-07-2021 | 16:33:09

(BDO) 91 năm qua, ngành tuyên giáo của Đảng đã không ngừng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, xứng đáng với niềm tin của Đảng, luôn coi công tác tuyên giáo là mặt trận hàng đầu. Ngành tuyên giáo là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và của chế độ. 


Thời gian qua ngành tuyên giáo của tỉnh đã tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Camera an ninh - mô hình học tập, làm theo Bác hiệu quả tại TX.Tân Uyên

Truyền thống vẻ vang

Cách đây 91 năm, ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Ðảng Cộng sản Việt Nam phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế Đỏ 1-8”. Tài liệu này khi vừa phát hành đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức bóc lột, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. 

Với ý nghĩa đặc biệt đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm là Ngày truyền thống ngành tuyên giáo.

Tại tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương), tuy ra đời khá muộn (10-5-1949) song trên thực tế hoạt động tuyên truyền, cổ động cách mạng đã được tiến hành xuyên suốt quá trình thành lập các chi bộ Đảng đầu tiên rồi đến vận động thành lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một sau này. 

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trước năm 1930, qua hoạt động tuyên truyền cổ động cách mạng của các đảng viên An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng, hai chi bộ cộng sản Phú Riềng và Đề pô xe lửa Dĩ An đã lần lượt ra đời. Sau khi ra đời, đảng viên của hai chi bộ đã tích cực tuyên truyền vận động cách mạng trong công nhân lao động. Kết quả của hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng là các cuộc đình công của công nhân liên tiếp nổ ra nhằm đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ làm cho giới chủ lúc bấy giờ bất ngờ và lúng túng. 

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, công tác tuyên giáo đã có những phương thức hoạt động vô cùng độc đáo, góp phần động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Thủ Dầu Một cùng với quân, dân cả nước chiến đấu và chiến thắng Pháp và Mỹ. 

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ năm 1975 đến nay, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, công tác tuyên giáo tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; chủ động, tích cực đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần giữ gìn ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua biết bao gian khổ, hy sinh nhưng dù bất cứ hoàn cảnh nào ngành tuyên giáo cũng luôn khẳng định vai trò chủ đạo trong công tác định hướng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Chủ động, linh hoạt, sáng tạo 

Những năm gần đây, hệ thống tuyên giáo các cấp đã có sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, khẳng định vai trò là lực lượng xung kích trong việc triển khai các lĩnh vực chính trị tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo... Công tác tuyên giáo đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Cụ thể, bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xác định phải chủ động, sáng tạo hơn để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cấp ủy và hoạt động tuyên giáo, nhất là việc đổi mới, nâng cao hơn chất lượng học tập, quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Là cơ quan thường trực tham mưu cấp ủy chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bên cạnh việc tham mưu kế hoạch học tập, quán triệt, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu BTV Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cấp ủy địa phương, đơn vị tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm, bức xúc trên địa bàn. 

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 thời gian qua, hệ thống ngành tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo và tổ chức mặt trận thông tin, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 rộng khắp, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, theo phương châm: “Rõ - nghiêm - chắc - hiệu quả”. Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, “tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và quan trọng nhất”; củng cố niềm tin, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, góp phần quan trọng sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, phấn đấu thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bà Trương Thị Bích Hạnh cho biết thêm, để nâng cao tính chủ động, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tham mưu và hoạt động tuyên giáo trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo các cấp cần chủ động nắm bắt tình hình để dự báo, đề xuất giúp cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề mới của thực tiễn đời sống xã hội, nhất là các vấn đề trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng. Hoạt động tuyên giáo phải bám sát thực tiễn, thực hiện phương châm công tác tuyên giáo hướng về cơ sở; tăng cường đối thoại, tranh luận cởi mở mang tính xây dựng; tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra. 

Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp, thông tin giữa cơ quan tuyên giáo với các cơ quan quản lý nhà nước để tránh tình trạng công tác tư tưởng đi sau, đứng ngoài các hoạt động của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, ngành tuyên giáo kịp thời phản bác, đấu tranh có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng, nhất là trên không gian mạng, có giải pháp chủ động với mạng xã hội, kịp thời định hướng thông tin chính thống đến người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, trí tuệ, tâm huyết với công việc.

Qua thực tiễn có thể khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của ngành tuyên giáo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta nói chung và Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương nói riêng trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tỉnh thực hiện sự nghiệp đổi mới và đã đạt được nhiều thắng lợi. 

Phát huy truyền thống vẻ vang 91 năm qua của ngành tuyên giáo, đội ngũ cán bộ tuyên giáo tỉnh Bình Dương sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ, thực hiện tốt phương châm “Viết giỏi, nói hay, tuyên truyền tốt - Đi sát, nghe nhiều, giáo dục sâu”, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành tuyên giáo, đội ngũ người làm công tác tuyên giáo tỉnh nhà luôn tự hào về những đóng góp lớn lao và cả những hy sinh thầm lặng của bao thế hệ cán bộ tuyên giáo cho từng trang sử vàng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương. 

Có thể chưa đầy đủ, nhưng gần 150 cán bộ tuyên huấn tỉnh Thủ Dầu Một đã ngã xuống vì độc lập, vì tự do, thống nhất đất nước. Mặc dù phải trải qua những tháng năm cực kỳ gian khổ và ác liệt, đối đầu với những cuộc khủng bố, vây ráp dai dẳng của kẻ thù, dưới mưa bom, bão đạn, chất độc hóa học, đói rét, bệnh tật do thiếu thuốc điều trị nhưng các cán bộ làm công tác tuyên huấn Thủ Dầu Một luôn nêu cao tinh thần cách mạng, chấp nhận hy sinh, vượt qua tất cả, cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi cuối cùng, góp phần đem lại hòa bình, độc lập, tự do về cho quê hương, đất nước. Họ là tấm gương sáng để lại nhiều bài học quý giá cho thế hệ hôm nay và mai sau kế thừa, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của ngành tuyên huấn mà Đảng và nhân dân giao phó.

Thu Thảo

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên