Ngày 25-8-1945: Khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn

Cập nhật: 24-08-2013 | 00:00:00

Chấp hành Mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Kháng chiến toàn quốc và kế hoạch của Xứ ủy Nam Kỳ, ngay từ đêm 24-8-1945, quần chúng cách mạng ở Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh lân cận mang theo giáo mác, tầm vông… bằng mọi phương tiện, rầm rập kéo về nội thành tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng đoàn viên công đoàn và thanh niên tiền phong có mặt ở khắp mọi nơi sẵn sàng chiếm lĩnh những mục tiêu được phân công.

Từ 19 giờ ngày 24-8, lực lượng khởi nghĩa chiếm sở công an, cảnh sát, nhà ga, bưu điện, nhà đèn, các quận, bót… Đến 22 giờ, Tráng đoàn Lê Lai thuộc Thanh niên Tiền phong chiếm được dinh Khâm sai. Cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa rừng người hừng hực khí thế cách mạng. Cuộc tiến chiếm “Soái phủ Nam kỳ" không vấp phải sự kháng cự nào vì hầu hết những viên chức cao cấp đã tham gia Thanh niên Tiền phong. Riêng Sở Mật thám Ca-ti-nat chống cự yếu ớt và bị lực lượng khởi nghĩa đè bẹp.

  Giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25-8-1945.

Sáng sớm hôm sau (25-8), hơn một triệu quần chúng Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận ào ạt kéo vào nội thành với khí thế sục sôi cách mạng. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Độc lập hay là chết!”. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay trên các công sở.

13 giờ ngày 25-8, trong cuộc mít tinh trước dinh Đốc lý Sài Gòn (trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay), Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, Trần Văn Giàu long trọng tuyên bố: “Đồng bào toàn dân. Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam Bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi, Ủy ban Hành chánh lâm thời, nhân danh toàn thể quốc dân Nam Bộ, tuyên bố trước mặt toàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân rằng: Chế độ Cộng hòa Dân chủ thành lập tại Nam Bộ Việt Nam. Chúng tôi tuyên bố không thừa nhận chế độ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân. Không một ngoại bang nào có thể viện lý do gì để bác bỏ được điều quyết định long trọng của đồng bào ta hoài bão lâu nay: Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Thay mặt cho Mặt trận Việt Minh miền Nam, chúng tôi lãnh trách nhiệm nắm giữ chính quyền Nam Bộ, để đến ngày triệu tập xong Quốc hội, sẽ giao lại cho đại biểu toàn quốc”.

Những người tham dự cuộc mít tinh biểu tình hân hoan mừng vui với thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Đó là cuộc tập hợp quần chúng cách mạng lớn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta; thể hiện ý chí và quyết tâm của một dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương – chính Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đến cuộc khởi nghĩa của các tỉnh còn lại ở miền Nam. Đến ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân với mọi tầng lớp ở thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.

Theo PGS, TS Lê Duy Chương/QĐND

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên