Ngày An toàn thông tin bàn về các nguy cơ từ thiết bị di động

Cập nhật: 05-11-2014 | 08:29:02

Sự kiện "Ngày An toàn thông tin Việt Nam" sẽ tập trung vào các vấn đề nóng về an ninh thông tin trước bối cảnh ngày càng gia tăng các cuộc tấn công vào doanh nghiệp.

Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 2014 do 4 đơn vị lớn trong lĩnh vực bảo mật phối hợp tổ chức là Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Cục ATTT - Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục CNTT -Bộ Quốc phòng.

Sự kiện năm nay diễn ra đúng thời điểm ngày càng xuất hiện nhiều các cuộc tấn công có chủ đích, nhằm vào khối lượng lớn dữ liệu quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp và cả thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng, gây ảnh hưởng đến uy tín, khả năng tài chính và thậm chí cả vận mệnh của tổ chức, doanh nghiệp. Gần đây nhất là cuộc tấn công dồn dập vào hệ thống của công ty VCCorp khiến hàng loạt website tin tức và mạng xã hội bị tê liệt, mất dữ liệu...

 

Nguy cơ mất an toàn từ thiết bị cầm tay là chủ đề nóng của Ngày ATTT Việt Nam 2014.

Sự kiện sẽ có hai hội thảo chuyên đề là "Bảo đảm ATTT cho các hệ thông tin trọng yếu quốc gia" và "Nguy cơ mất ATTT từ thiết bị cầm tay". Trung bình mỗi giây có 3 đứa trẻ ra đời nhưng có đến 32 điện thoại di động được xuất xưởng, trong đó phần lớn là smartphone. Thống kê của Google cho thấy số người dùng smartphone tại Việt Nam cũng đã đạt gần 18 triệu và đang tăng trưởng rất nhanh. Tại chuyên đề thứ hai, các chuyên gia ATTT của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ bàn về các nguy cơ mất an toàn từ thiết bị di động và giải pháp bảo vệ thông tin khi ngày càng nhiều thiết bị di động kết nối vào hệ thống.

Cùng với sự bùng nổ của ngành CNTT và phổ cập Internet ngày càng rộng rãi, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin đã trở thành yếu tố hết sức quan trọng và cấp thiết. Thời gian qua, người sử dụng đã chứng kiến nhiều vụ tấn công vào các trang web của Chính phủ, các hình thức lừa đảo bằng tin nhắn SMS, e-mail, chat…gây ra hậu quả lớn về mặt chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Ngày 4-11, Hiệp hội An toàn Thông tin VNISA và Microsoft đã ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường công tác bảo mật và an toàn thông tin tại Việt Nam. Biên bản ghi nhớ này thể hiện động thái tích cực và có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế tối đa các nguy cơ và rủi ro mất an toàn thông tin, góp phần đưa CNTT trở thành hạ tầng vững chắc và động lực lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.

 

VNISA và Microsoft ký kết hợp tác chia sẻ thông tin ATTT giữa Việt Nam và thế giới.

Theo thỏa thuận của Biên bản ghi nhớ, VNISA và Microsoft sẽ liên kết chặt chẽ để thường xuyên cập nhật, chia sẻ những thông tin ATTT giữa Việt Nam với thế giới và ngược lại, cụ thể là cập nhật về tình hình ATTT; thông tin về lỗ hổng bảo mật; các hình thức và thủ đoạn tin tặc mới... Đồng thời, Microsoft cũng liên kết với VNISA hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực An toàn CNTT tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực Di động và Điện toán Đám mây.

"Hàng chục tỷ đồng là con số thiệt hại mà tin tặc đã gây ra cho một loạt các website lớn của VCCorp trong 5 ngày từ 13-18-10, hay 745 website đã bị tấn công trong khoảng một tuần từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 2014. Những thực tế đó đang khiến người dùng e ngại sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Các doanh nghiệp đều đang trăn trở với những bài toán làm sao để đảm bảo an toàn thông tin khi đưa các thông tin, ứng dụng, dịch vụ lên mạng Internet, làm sao bảo vệ người dùng khỏi các nguy cơ lừa đảo trực tuyến... Thông qua việc ký kết, Microsoft muốn hỗ trợ VNISA trong tất cả các hoạt động nhằm tăng cường việc bảo mật tối ưu cho an ninh và an toàn thông tin tai Việt Nam", ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ.

"Ngày An toàn thông tin Việt Nam" sẽ diễn ra ngày 19-11 tại TP HCM và ngày 4-12 tại Hà Nội.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên