Ngày giỗ ba

Cập nhật: 28-03-2013 | 00:00:00

(BDO) Nhà có 4 anh chị em, má mất sớm từ khi cô Út còn nhỏ. Thương cô Út sớm mồ côi mẹ nên các anh chị yêu thương, lo lắng không để cô Út thiếu thốn thứ gì. Rồi thời gian thắm thoát qua mau, các anh chị ai cũng nên vợ nên chồng. Đến lượt cô Út vừa yên bề gia thất thì cũng là lúc ba nhắm mắt xuôi tay theo má. Trước lúc lâm chung, ba kêu các con lại dặn: “Tội nghiệp con Út thiệt thòi từ nhỏ đã thiếu tình thương của má, nay nó vừa lấy chồng lại không còn ba, tuy nó là con gái nhưng vợ chồng nó nghèo nên ba di chúc để căn nhà hương hỏa lại cho nó, các con hãy thay ba má chăm sóc vun đắp hạnh phúc cho em, được vậy ba mới thanh thản đi theo má tụi con”. Trước linh cửu ba, các anh chị đều rưng rưng nước mắt, ai cũng hứa thực hiện đúng theo lời ba căn dặn.

  Ảnh minh họaHôm nay là ngày giỗ của ba. Không biết các anh chị có về đủ mặt hay không. Cô Út vừa quét dọn bàn thờ ba má vừa nhớ lại các kỳ giỗ trước. Từ khi ba mất, năm nào cô út cũng 2 lần cúng giỗ ba má, các anh chị dù bận bịu công việc cũng tranh thủ về thắp hương cho bá má. Thế nhưng khoảng mấy năm trở lại đây, chưa có lần giỗ ba má nào mà các anh chị tề tựu về nhà đông đủ. Anh chị Hai là người vắng mặt đầu tiên. Năm đó, anh Hai làm ăn thua lỗ, nhân ngày giỗ má sẵn có mặt đông đủ mọi người, anh Hai lên tiếng muốn cô Út cho mượn giấy tờ nhà để anh thế chấp ngân hàng. Cô Út sẵn lòng cho anh Hai mượn nhưng anh Ba với chị Tư thì không đồng ý, anh Ba bảo nhà này là nhà hương hỏa không ai được quyền đem thế chấp hay mua bán với bất cứ hình thức nào. Lời qua tiếng lại một lúc anh giận bỏ về, vài tháng sau đến kỳ đám giỗ ba, anh chị Hai cũng bỏ luôn không thèm về thắp nhang cho ba má.

Cách đây 2 năm, thằng nhỏ con của cô Út không may bị ung thư xương. Vợ chồng cô Út nghèo quá, lương công nhân cả 2 vợ chồng vừa đủ lo cái ăn, cái mặc và việc học hành của 2 đứa con, lấy đâu ra mấy chục triệu đồng chạy chữa bệnh cho con. Thôi thì túng quá đành vay mượn anh chị. Trong gia đình, vợ chồng anh chị Ba là khá giả nhất, anh làm nghề kinh doanh, chị quản lý 3 cửa hàng bán buôn quần áo ngoài thành phố, nhà dư của ăn của để chắc anh chị không nỡ từ chối giúp đỡ em út lúc ngặt nghèo. Nghĩ vậy, cô Út đạp xe tới nhà anh Ba, sau khi nghe cô Út trình bày, anh Ba biểu cô ngồi uống nước “đợi lát nữa chị em về anh hỏi ý kiến xem sao”. Đợi cả buổi khi chị Ba về, nghe anh Ba nói cô Út hỏi vay tiền, chị kêu lên: “muốn mượn tiền cô phải nói trước vài bữa để chị còn chạy, hỏi giục lình vầy chị chạy đâu ra, thôi em về đi để tối nay chị hỏi mượn được ai thì chị nhắn mai em qua lấy nha!”.

Cô Út lủi thủi ra về, lòng rối như tơ vò, suốt đêm không ngủ được. Sáng thức dậy, nghe điện thoại reo, tiếng chị Ba đầu dây bên kia biểu cô Út qua nhận tiền, mừng như người chết đuối vớ được chiếc phao, cô Út vội chạy sang nhà anh chị Ba. Cầm 20 triệu đồng trên tay, cô Út xúc động không nói nên lời, anh Ba thấy vậy biểu cô Út tranh thủ về đưa cháu đi bệnh viện cho sớm kẻo trể. Chị Ba khoát tay bảo từ từ để cô Út uống miếng nước, đợi cô Út trấn tỉnh, chị Ba đưa tờ giấy biểu cô Út viết cho chị mấy chữ vay nợ làm tin.

Thấy cô Út mặt buồn dàu dàu, chồng cô gặng hỏi mãi sau khi biết chuyện, anh giận quá về nhà ba má ruột thưa chuyện rồi xin ba má cho mượn chiếc xe honda đem thế chấp, đưa 20 triệu anh bắt cô Út đem qua trả cho chị Ba. Năm đó, đến ngày giỗ ba má, mọi người chờ hoài chẳng thấy anh chị Ba về.

Cô Út đang nghĩ ngợi mông lung thì vợ chồng anh Hai, vợ chồng anh Ba về tới. Vừa bước vào nhà, anh Hai liền bước đến bàn thờ thắp hương cho ba má, anh nói: “Đời người có lúc thăng lúc trầm, lúc lên lúc xuống nhưng làm gì thì làm đến ngày giỗ cũng phải quay về thắp cây hương để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của ba má, con biết lỗi rồi xin ba má tha lỗi cho con”. Anh Ba cũng thắp hương cho ba má rồi bước đến nắm tay cô Út, anh thỏ thẻ: “ Áp lực công việc đôi khi làm con người ta quên đi tình máu mủ, anh chị đã nhận ra sai lầm của mình, cô Út đừng giận anh chị nữa nhé!”

Chợt ngoài ngỏ có tiếng người cười nói, mọi người cùng nhìn ra và mừng rỡ vì chị Tư theo chồng qua Mỹ định cư mấy năm nay, tưởng đâu năm nay chị cũng không về nào ngờ lần này chị về có cả anh Tư và các cháu đông đủ…

Ngày giỗ cha mẹ là dịp để anh em đoàn tụ, sum họp và cũng là dịp để mọi người bày tỏ tình cảm và xóa đi những va chạm, những giận hờn, trách móc không đáng có vì vất vả trong cuộc mưu sinh. Dù gì đi nữa thì “Anh em như thể tay chân. Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần”, lời khuyên dạy từ ngàn xưa mãi vẫn không bao giờ phai nhạt.

MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên