Nghệ thuật quản con

Cập nhật: 06-11-2013 | 00:00:00

Khi chúng tôi còn nhỏ, vì gia đình khó khăn, ba mẹ tôi đành phải gửi ba anh em tôi cho ngoại để lên thành phố mưu sinh.

Bà ngoại ngoài 80 tuổi, chân chậm, mắt mờ, không cách nào quản nổi đám cháu đang tuổi ăn tuổi lớn. Hàng ngày, vừa quẳng cặp sách vào nhà là cả ba anh em chạy ào theo đám bạn thả diều, đá bóng, bắn bi…, tối mịt mới mon men về nhà. Lần nào về cũng có cơm canh ngoại nấu sẵn để ăn. Những khi chúng tôi làm sai chuyện gì, ngoại không đánh mà chỉ “rầy la” nhẹ nhàng. Cách dạy ấy xem ra không trị nổi đám cháu cứng đầu chúng tôi. Anh Hai và chị Ba tôi dần chểnh mảng học hành, chỉ lo đàn đúm bạn bè. Anh Hai thi rớt tốt nghiệp cấp hai. Ba mẹ tôi lo lắng, về đốc thúc anh đi học, nhưng chỉ được ít hôm ba mẹ lên thành phố, anh tôi lại lao vào ăn chơi, phá làng phá xóm. Cuối cùng, ba mẹ tôi bàn nhau, đưa anh lên thành phố cho anh học một cái nghề.

Sợ ngoại quá hiền sẽ để hư hai đứa con còn lại, ba tôi bỏ việc phụ hồ ở thành phố về quê làm ruộng, ở nhà coi sóc việc học hành của hai chị em tôi. Từ ngày ba về, chị em tôi như sống trong một “nhà tù”. Vì ám ảnh anh Hai hư hỏng, ba tôi xiết chặt quan hệ bạn bè của hai chị em. Trong xóm, hễ thấy cô cậu bạn nào đến nhà, là ba tôi chửi váng lên, đuổi về ngay. Khi chị tôi đến tuổi dậy thì, ngoại hình cũng nẩy nở, sợ con gái bị trai làng dụ dỗ, ba tôi không nói ra cho chị hiểu mà luôn chửi rủa, nạt nộ, hăm dọa chị: “Mày mà ở bậy bạ có thai, tao đánh chết, giết chết biết chưa?”. Chị tôi luôn nghĩ ba tôi ghét chị cay đắng nên dần xa lánh và oán trách cha.

 Ngoài giờ học, phụ giúp ba làm ruộng và cơm nước, chúng tôi gần như không được rời khỏi nhà nửa bước. Có lần, chị Ba lén sang nhà bạn ăn sinh nhật, vừa về là bị ba tôi phang ngay cái chổi vào giữa mặt. Những trận đòn tóe máu của ba, càng lúc càng không làm chị tôi sợ nữa mà chỉ khiến chị trở nên chai lì hơn. Chị tìm mọi cách chống đối ba. Hết mắng lại đánh, hai biện pháp rắn của ba xem ra càng lúc càng vô hiệu. Chị tôi trở thành cô con gái bất trị, thường xuyên trốn học, lang bạt đi chơi với bạn bè khắp nơi. Bất lực khi dùng đòn roi con không sợ, ba tôi đành phải gọi mẹ tôi về.

Trước sự khuyên giải hết lòng của mẹ, chị tôi đã khóc và bày tỏ những suy nghĩ của mình. Mẹ tôi hiểu được vì sao con gái mình từ một người không đến nỗi nào, chỉ sau thời gian ở với ba lại trở nên ngỗ ngược. Chị tôi không chấp nhận cách áp đặt vô lý của ba, không chịu nổi những đòn roi hà khắc ấy nên sinh ra oán giận ba. Chị muốn làm ngược lại những điều cha cấm đoán như cách thể hiện sự chống trả với ông. Cũng như anh Hai tôi, chị Ba sau thời gian lêu lổng cùng đám bạn, mất hết kiến thức cơ bản nên chán học. Chị năm lần bảy lượt dọa sẽ nghỉ học. Sợ con gái bước tiếp theo con đường của anh trai, mẹ tôi đành về quê sống hẳn để bảo ban con. Một thời gian dài, mẹ tôi hết nói nặng đến nói nhẹ, tìm đủ lời rót vào tai chị, như mưa dầm thấm đất, cuối cùng, chị tôi cũng quay lại trường.

Ba mẹ tôi quyết định ở nhà làm ruộng, không ngại đi làm thuê làm mướn cho bà con quanh xóm, chỉ để kiếm tiền lo cho hai chị em tôi ăn học. Từ ngày có mẹ về, chị em tôi được mẹ chăm sóc, dạy dỗ mọi điều, kể cả những chuyện “phụ nữ” mà trước đó cả hai đều không biết. Mẹ dạy chúng tôi cách bảo vệ mình không bị xâm hại tình dục bằng cách so sánh, ví von rất tế nhị. Mẹ lấy gương của một số phụ nữ vì nhẹ dạ, đánh mất cái ngàn vàng nên sau này có thai, khổ sở, bất hạnh ra sao? Ở nhà mẹ luôn tâm sự, chuyện trò với chị em tôi như một người bạn lớn. Nhưng, khi chúng tôi làm sai điều gì, mẹ để ba tôi đánh đòn mà không hề can ngăn. Trước sự cứng rắn của ba và sự mềm mại của mẹ, chị em tôi dần đi vào nề nếp hơn.

Giờ khi đã xấp xỉ tuổi 30, chuẩn bị đứng trước cánh cửa hôn nhân và sẵn sàng tâm lý làm mẹ, tôi đã tự đúc kết được cho mình một kinh nghiệm dạy con. Nếu hiền quá, dễ dãi quá, lũ trẻ sẽ lờn mặt, không xem lời nói của đấng sinh thành ra gì, tự làm theo ý mình. Nhưng ở tuổi đó, trẻ chưa biết phải trái nên để trẻ tự quyết mọi chuyện sẽ không “ổn”. Còn nếu nghiêm khắc và lạnh lùng quá, sẽ vô tình đẩy trẻ xa mình hơn. Trẻ sẽ cho rằng cha mẹ ghét bỏ chúng. Đối với trẻ, khi nào cần “mềm” khi nào cần “rắn” phải là một nghệ thuật và được áp dụng đúng lúc, đúng nơi mới hiệu quả. Có như vậy, cuộc chiến và khoảng cách giữa hai thế hệ mới không phát sinh.

Theo PNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên