Nghề trồng nấm: Qua rồi thời hoàng kim!

Cập nhật: 04-11-2011 | 00:00:00

Vài năm trước đây, nghề trồng nấm được xem là nghề đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân tại Bình Dương. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người đã không còn mặn mà với nghề này nữa vì sản xuất ngày càng khó khăn. Nhiều người trồng nấm chỉ có thể sản xuất cầm chừng để chờ giá

Giá đầu vào tăng

Cách đây 2 - 3 năm, nghề trồng nấm phát triển mạnh mẽ thành phong trào trên địa bàn Bình Dương. Cây nấm cũng tỏ ra hết sức thích hợp với các điều kiện của Bình Dương. Lúc này nấm bán được giá cao, làm nghề trồng nấm lại khá dễ dàng, tốn ít công sức lao động nên nhiều người xem nghề này là một nghề có thể giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Phong trào trồng nấm phát triển mạnh mẽ tại các huyện Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo. Nhiều người không có nguồn vốn cũng đi vay mượn để xây nên các trại nấm dù chỉ là sơ sài, thiếu chắc chắn. Các loại nấm được các hộ dân tại Bình Dương trồng chủ yếu gồm nấm mèo, bào ngư, linh chi. Nhiều lớp tập huấn, nhiều cuộc hội thảo, các lớp dạy nghề trồng nấm đã được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân trên địa bàn tỉnh. Trong khoảng thời gian năm 2009, nhiều nông dân kịp thời xây dựng mô hình và đã có nguồn thu nhập cao từ loại cây trồng này.

Hiện nay, một khung  cảnh đìu hiu đang bao phủ tại các trang trại trồng nấm. Các trại nấm lớn thì còn thấy nhân công làm việc, còn một số trại nấm nhỏ mà chúng tôi quen biết trước đây thì đã “treo lò” từ lâu. Hỏi ra mới biết các trại nấm tại đây gặp phải tình trạng nguồn nguyên liệu đầu vào tăng quá cao khiến cho các chủ trại không thể duy trì sản xuất. Nguyên liệu đầu vào của nghề trồng nấm là mùn cưa để đóng bịch và các loại meo nấm. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, giá mùn cưa liên tục tăng cao làm cho nhiều hộ trồng nấm không kịp trở tay. Loại mùn cưa để trồng nấm của các hộ dân thường là mùn cưa cây cao su. Mùn cưa của loại cây này phù hợp nhất vì nó cho cây nấm đạt năng suất cao. Tuy nhiên do thời gian qua, giá mủ cao su luôn ở mức cao nên nguồn mùn cưa khan hiếm do ít người chặt bỏ vườn cây ngay cả các vườn cây đã già cỗi.

Nhiều người trồng nấm cho hay, giá mùn cưa đã tăng từ 110.000 đồng/m3 lên 360.000 đồng/m3. Bên cạnh đó, giá nhân công cũng đã tăng lên cao từ 40 - 50% nên cũng làm tăng thêm chi phí sản xuất cho các trại nấm.

Trông chờ thị trường cuối năm

Không những đầu vào tăng cao mà đầu ra cho cây nấm cũng đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Thời gian qua tại huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng đã hình thành nên các mô hình trồng nấm hiệu quả. Tuy nhiên đầu ra cho loại nông sản này cũng chưa ổn định đã gây khó khăn cho sản xuất của bà con. Nhìn chung đầu ra cho cây nấm vẫn khá hẹp.

Hiện nay, giá bán của cây nấm mèo, bào ngư - loại nấm chủ lực của các trại nấm lại đang có dấu hiệu tụt dốc, giá bán của các loại nấm này chỉ ở mức 50.000 - 55.000 đồng/kg. Cùng thời điểm năm ngoái giá đã đạt từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Đầu vào tăng, đầu ra eo hẹp đã tăng thêm gánh nặng cho các chủ trại nấm. Nhiều chủ trại nấm thì cho rằng sản xuất nấm hiện nay ngày càng khó khăn do môi trường bị ảnh hưởng nhiều (trồng nấm đòi hỏi môi trường không khí sạch), sâu bệnh cũng xuất hiện liên tục hơn nên nhiều người cũng đã tỏ ra chán nản với nghề trồng nấm. Với tình trạng như trên, nhiều hộ trồng nấm chỉ có thể sản xuất cầm chừng để mong chờ đợt giá mới vào thời điểm cuối năm mà theo thông lệ thì vào cuối năm giá nấm thường tăng.

Anh Vũ Công Phong - chủ trại nấm tại xã An Bình (Phú Giáo) than thở, hiện nay hầu hết các trại trồng nấm trong xã cũng đang sản xuất cầm chừng. Với tình hình hiện nay nếu càng tăng cường sản xuất thì càng lún sâu, càng thất bại. Nhiều trại nấm bây giờ sản xuất ít, thu gom dần, tích trữ để tung ra vào dịp cuối năm. Với những người có kế hoạch sản xuất hợp lý thì việc gặp khó khăn này chỉ có thể xem là khó khăn trước mắt và có thể vượt qua. Tuy nhiên với những người vay mượn tiền để xây dựng mô hình nấm hiện nay đang ở tình trạng dở khóc dở cười. Nếu tiếp tục sản xuất thì không có lời. Nhưng nếu ngưng sản xuất thì không biết lấy nguồn thu nhập từ đâu. Nhiều người trồng nấm chua chát nói đùa, nếu cho lựa chọn lại từ đầu thì không chọn cái nghề nấm này. Giờ đây nếu dỡ trại đem bán thì cũng chẳng ai mua vì mua lá dừa, cây tre mục nát, sâu mọt về làm gì.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của các loại nấm không thực sự ổn định nên nhiều chủ trại nấm chưa thật sự an tâm sản xuất. Các loại nấm rơm, nấm bào ngư chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và TP.HCM. Còn nấm mèo có đến trên 60% được bán qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên thị trường này chỉ cần giảm lượng mua là nấm mèo trong nước hạ giá và tồn đọng. Người trồng nấm Bình Dương trong thời gian qua chỉ chú ý đến hiệu quả sản xuất chứ chưa chú ý nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định. Chưa có một đầu mối thu mua đứng ra bao tiêu sản phẩm nấm của người dân. Đầu ra lận đận thì sản xuất của những trang trại nấm còn bấp bênh là điều đã được dự báo trước.

Ông TRẦN VĂN CHỈNH, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình (Phú Giáo):

Các hộ trồng nấm rất cần được hỗ trợ vốn...

Hiện nay, số lượng các trại nấm còn hoạt động trên địa bàn xã chỉ còn 50%. Để cho nghề trồng nấm tiếp tục phát triển, các hộ trồng nấm rất cần nhận được các hỗ trợ về nguồn vốn sản xuất cũng như các hỗ trợ về đầu ra cho ổn định. Nếu đầu ra tương đối ổn định thì nghề trồng nấm cũng sẽ là nghề mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.

ÔNG TẠ VĂN ÁNH, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo:

Vẫn chưa dám khôi phục trại nấm

Năm ngoái, 1 xe tải mùn cưa tôi mua chỉ có 3 triệu đồng mà đến nay đã tăng lên 11 triệu đồng/xe. Tôi chưa dám khôi phục lại trại nấm của mình vì giá mùn cưa quá cao, hơn 20 hộ trồng nấm xung quanh trại của tôi cũng ngừng sản xuất để mong chờ giá mùn cưa xuống thấp rồi mới sản xuất trở lại.

 

Đà Bình

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên