Nghị định số 148/2020/NĐ-CP: Khung pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Cập nhật: 28-01-2021 | 09:07:57

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 148/2020/ NĐ-CP ngày 18-12-2020 (Nghị định 148) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/ NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Nghị định có hiệu lực từ ngày 8-2-2021 với rất nhiều bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính, cũng như sẽ tháo gỡ được các vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.


Dự án được phân lô tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có thể cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận

Nghị định quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (GCN) là Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Điều này đồng nghĩa với việc bổ sung thêm Chi nhánh Văn phòng đất đai có thể giải quyết các vấn đề này.

Ông Phạm Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho biết: “Một nội dung đáng quan tâm khác trong Nghị định 148 là người dân được lựa chọn thời gian, địa điểm làm sổ đỏ theo nhu cầu, kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân. Cụ thể, nghị định quy định đối với trường hợp Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện do UBND cấp tỉnh quy định”.

Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ thì các Sở TN&MT, Phòng TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa theo quyết định của UBND cấp tỉnh, trừ trường hợp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết tại địa điểm ngoài trụ sở Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. “Nghị định 148 được coi là khung pháp lý để địa phương ban hành quy định cụ thể trong thủ tục liên quan đến sổ đỏ. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân”, ông Ngọc nói.

Nhà xây dựng tạm vẫn sẽ được cấp quyền sở hữu

Theo quy định tại Điều 31 Nghị định 43/2014, một trong những điều kiện để được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là phải có giấy phép xây dựng (GPXD) nhà ở đối với trường hợp phải xin GPXD theo quy định. Nghị định 43 chỉ quy định đối với GPXD chính thức và không nhắc đến GPXD tạm. Vì vậy, các trường hợp xây dựng tạm lâu nay không được công nhận quyền sở hữu nhà ở. Nếu Nhà nước thực hiện quy hoạch thì người dân chỉ được bồi thường về đất, không được bồi thường về vật kiến trúc mà chỉ được hỗ trợ theo quy định.

Tại khoản 4 Điều 35 Nghị định 43 cũng khẳng định tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu trong các trường hợp sau: Nhà ở, công trình được xây dựng sau thời điểm công bố cấm xây dựng; xây dựng lấn, chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng; tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau thời điểm quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà tài sản được tạo lập đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tại Nghị định 148, Chính phủ đã chấp thuận GPXD có thời hạn cũng là một trong những điều kiện để được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Căn cứ theo quy định trên, từ ngày 8-2-2021, hộ gia đình, cá nhân trong nước sở hữu GPXD nhà ở có thời hạn (thường được gọi là nhà tạm) cũng sẽ được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Điều mà trước đây ở Nghị định 43 và quy định pháp luật không cho phép.

Nhiều vướng mắc được tháo gỡ

Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, Nghị định 148 ra đời đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013. Như khoản 17 điều 1 Nghị định số 148 quy định dự án nhà ở dưới hình thức phân lô, bán nền được thực hiện tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị (khoản 2 điều 41). Nghị định này phù hợp với nhu cầu thực tiễn và sức mua của thị trường, từ đó đã giải quyết nhu cầu rất lớn của cá nhân, hộ gia đình là được mua nền để tự xây dựng nhà trong dự án nhà ở tại các khu vực đô thị; đồng thời khắc phục tình trạng dự án phân lô, bán nền tràn lan trong khi chủ đầu tư không xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối với hạ tầng chung của khu vực, không có các công trình dịch vụ...

“Nghị định số 148 không chỉ giúp hàng ngàn dự án thoát khỏi bế tắc pháp lý mà còn ngăn ngừa được thất thoát tài sản nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý giúp cơ quan quản lý chuyên ngành đất đai, quy hoạch có cơ sở thực thi công vụ, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm của hàng ngàn dự án, giúp cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản”, ông Châu cho biết.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên