Nghị lực phi thường của người thợ máy bị liệt

Cập nhật: 27-09-2019 | 08:27:53

 “Chú Thông nay có nhà tường, nhà có gắn máy lạnh nữa đó, bớt khổ hơn trước rồi”, một người bán quán nước dọc kênh Vĩnh Bình hiện rõ niềm vui khi chỉ đường cho chúng tôi đến nhà người thợ máy “có một không hai”. Bà con, lối xóm không chỉ dành tình cảm đặc biệt cho anh, mà còn cầu mong cuộc sống của anh khá hơn từng ngày sau bao nghiệt ngã của cuộc đời.

 Vượt qua nghịch cảnh...

Không có đất cắm dùi, nhiều năm trời anh Nguyễn Văn Thông (SN 1972, ngụ khu phố Phú Hội, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) sống tạm trong căn chòi lá đất dự án bên dòng kênh Vĩnh Bình. Mới đây, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, trợ giúp từ bạn bè, anh Thông xây được căn nhà tạm chừng 20m2 che nắng, che mưa. Góc xưởng cơ khí của anh cũng khá đặc biệt với những dụng cụ, máy móc do tự anh sáng chế để hợp với tư thế của người nằm.

Những lúc rảnh rỗi, anh Thông lướt mạng tìm tòi cách chế tác mặt lưng, ốp điện thoại để gia công cho khách

Những ngày có đơn hàng, anh nằm liên tục hơn 10 giờ trên chiếc giường bố để sửa chữa, gia công. Nhiều năm nằm và làm việc nặng như thế khiến lồng ngực của anh dẹp lại khác thường, nhưng niềm đam mê công việc và nghị lực sống trong anh khó ai bằng. Gương mặt tuy khắc khổ, già nua hơn so với tuổi, nhưng ánh mắt của người thợ máy lành nghề vẫn ngời sáng niềm tin vào cuộc sống.

Không ngần ngại kể về những nghiệt ngã, gian truân cuộc đời sau những ngày tháng đã qua, anh Thông chốt một câu chắc nịch: “Chuyện gì đã qua cho qua. Trời đã không cho mình chết thì phải vươn lên mà sống, sống cho có ích. Dù sao thì tôi cũng còn mẹ, phải sống vì mẹ. Mẹ đã vất vả, một đời hy sinh vì tôi”.

Bà Huỳnh Thị Chung năm nay đã 71 tuổi, nhưng mỗi ngày vẫn bồng bế, chăm sóc anh Thông. Một tay bà chăm lo từ việc tắm rửa đến cơm nước, đẩy con đi chơi, hóng gió. Cực khổ là thế, nhưng bà luôn tự hào về con: “Nó là đứa sáng dạ nhất trong mấy đứa con. Bất kể ai đưa cái gì sửa chữa, chế tác nó đều làm được hết. Bà con ai cũng thích. Tôi nhớ năm thằng Thông học hết lớp 9, lúc đó nhà nghèo nên phải thuê chiếc ghe máy chạy dọc dòng sông quê Đồng Tháp để buôn mía, buôn gạo kiếm sống. Có hôm ghe đang chạy thì tắt máy, tôi rầu thúi ruột vì sợ hàng không bán hết trong ngày. Nó chưa từng học thợ máy ngày nào, vậy mà chỉ vài ba dụng cụ thô sơ, nó tháo cả cái máy ra rồi bảo bị hư quạt nhớt. Sau đó chạy đi mua lắp vào, máy ghe lại nổ ngon trớn. Thấy con có khiếu nghề máy, tôi gửi cho một người thầy học nghề 6 tháng, vậy là nó kiếm được tiền lương phụ giúp gia đình”, bà Chung nhớ lại.

Có nghề sửa chữa máy móc trong tay, năm 1995, anh Thông lên Sài Gòn xin vào một xưởng cơ khí tư nhân ở quận 6. Làm được một năm, anh chuyển sang một công ty chuyên gò hàn. Thu nhập dù không cao, nhưng vẫn đủ tiền nuôi vợ con, gửi về quê phụ giúp ba mẹ. Cần cù và có nhiều sáng tạo trong nghề, anh được cân nhắc lên chức tổ trưởng. Nhưng rồi định mệnh ập xuống, khiến anh tan nhà nát cửa. Với ánh mắt gợi buồn, anh Thông nhớ lại: “Đó là ngày 4-8- 2002, khi đang thi công ở Khu chế xuất Linh Trung 1 (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) với độ cao cách mặt đất hơn 10m, bó thép nặng hàng tấn bị trượt cáp rơi vào lưng khiến tôi văng xuống đất và không hay biết gì nữa. Sau khi tỉnh lại, các bác sĩ cho biết tôi bị gãy hai đốt sống lưng, bị liệt từ phần thắt lưng xuống hai chân”.

Bao dự định ấp ủ sẽ đổi đời trên vùng đất hứa của chàng trai thợ máy miền sông nước xem như chấm hết. Trong đầu anh lúc ấy với bao suy nghĩ ngổn ngang: “Sẽ sống ra sao cho ngày mai. Làm gì để nuôi bản thân, nuôi con khi nằm liệt giường?”. Sợ anh nghĩ quẫn, bạn bè trong công ty, người thân liên tục động viên, an ủi. Nằm viện được 4 tuần thì anh không thấy vợ mình đến thăm. Trong đầu anh lúc ấy chỉ còn là bóng tối: “Dù gia đình không nói, nhưng khi không thấy cô ấy đến thăm là tôi đã biết. Cô ấy đã ra đi! Tôi không trách, chỉ mong cô ấy có cuộc sống tốt. Cô ấy đã lấy chồng khác sau thời gian về quê không lâu”, anh Thông hướng mắt về phía đám lục bình đang nhẹ trôi với giọng bình thản.

... trở thành người có ích

Suốt 4 năm, hết nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình đưa anh đến nhiều trung tâm phục hồi chức năng ở Sài Gòn, với hy vọng có thể khôi phục được một ít sức khỏe. Nhìn cảnh gia đình nghèo lại càng nghèo vì gánh nặng bản thân, anh đã nhiều lần tìm đến cái chết cho xong. “Có lúc buồn tôi nghĩ mình không vượt qua được nghịch cảnh. Đã nhiều lần tôi tìm đến cái chết như uống thuốc quá liều, dùng dây đồng quấn vào tay cho điện giật nhưng vẫn không chết. Thôi, đó cũng là số trời đã định, phải tìm cách mà sống. Hơn nữa, sau mỗi lần như thế tôi đắng lòng khi biết ba mẹ già càng đau lòng hơn vì tôi. Biết người thân ai cũng lo nghĩ cho mình nên tôi đã từ bỏ ý định ấy, quyết vươn lên để sống”, anh Thông nói.

 Dù liệt nửa người, nhưng anh Thông vẫn lái được xe múc đắp đê, đóng cừ tràm kiếm thêm thu nhập

Sau những ngày chạy chữa bất thành, anh Thông chấp nhận đương đầu số phận của mình bên túp lều lá cạnh dòng kênh. “Không có chân thì mình vẫn còn đôi tay, cái đầu”. Vốn dĩ là người mạnh mẽ, chịu khó và có cái nghề, anh lục lọi tìm lại mấy thứ đồ nghề cơ bản để kiếm tiền. Mỗi ngày anh nằm dài trên chiếc giường để chờ xem có ai nhờ sửa gì không, có học sinh nào nhờ rút căm, vít chiếc xe đạp. “Một người bạn nhờ tôi thiết kế một cái máy cắt tôn. Nếu thành công, anh ấy sẽ trả một khoản tiền tương đương 18 tháng lương cơ bản. Tôi làm được, vậy là có chút tiền trang trải, mua thêm đồ nghề và chuyển sang sửa xe máy và các loại máy móc khác. Thời gian qua cũng nhờ mấy đứa cháu nó thương, mình đi đâu thì nó chở nên mới hành nghề được”, anh Thông kể.

Có lúc cái tiệm sửa xe, sửa máy thô sơ của anh cũng chỉ giúp bà con trong vùng khi gặp những khó khăn bất chợt, chỉ kiếm được đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với bà con trong vùng thì anh là một điển hình vượt khó. Ở miệt vườn Vĩnh Phú, khi nhà ai máy móc hư hỏng, xe công nông, xe múc, điện thoại “chập chờn” là anh có mặt. “Tội anh Thông lắm, nghề giỏi lại rất nhiệt tình. Có khi máy móc hư hỏng vào ban đêm mà gọi là anh đến ngay. Làm hì hục hàng giờ vậy đó chứ hỏi tiền là không nói, ai đưa bao nhiêu thì đưa”, ông Nguyễn Văn Lâm, một người dân trong vùng chia sẻ.

Từ những đồng tiền chắt góp, anh Thông mua được chiếc xe công nông cũ đem về chế tạo lại hộp số, thắng điều khiển bằng tay. Vậy là ngoài việc sửa xe, anh kiêm luôn chạy xe công nông chở hàng cho bà con trong vùng khi cần. Có khi thì nhận cả việc lái xe múc đắp bờ đê ở các mảnh vườn cây trái, đóng cứ tràm. Nhắc đến nghề nghiệp, đôi mắt anh lại vụt sáng, gương mặt tươi cười: “Mình thì không học được trường lớp nhiều, nhưng hầu hết máy móc đều có một nguyên lý cơ bản thôi. Khi mình đã nắm được cơ bản, có thể sửa tất cả các loại máy, kể cả máy móc đời mới có động cơ tubo như hiện nay. Còn việc chế lại thắng, số xe bằng tay thì quá dễ, không có gì khó. Mình chỉ sợ không đủ sức khỏe để làm việc. Những năm gần đây sức khỏe cũng yếu dần nên mình không thể đi lại nhiều như trước, chỉ nhận hàng gia công tại nhà. Chiếc công nông cũng giao lại cho đứa cháu, người đã thay đôi chân cho mình trong nhiều năm trời”.

 Cách đây khoảng 6 năm, khi anh Thông vừa tìm thấy niềm vui trong công việc để vươn lên trong cuộc sống vốn bộn bề khó khăn thì một lần nữa anh lại hứng chịu liền hai nỗi đau. Người con gái duy nhất của anh đã chết ở quê nhà Đồng Tháp vì bị bệnh sốt xuất huyết. Sau đó không lâu, ba của anh cũng qua đời sau mấy năm bị tai biến. Nỗi đau cứ hết lần này đến lần khác giày vò lên thân xác gầy gò, khô héo của người thợ máy giỏi nghề. Nhưng anh luôn nghĩ: “Cuộc sống nó đã buộc, mình đành phải chấp nhận. Dù sao, tôi vẫn còn có mẹ!”.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên