Nghĩa tình Chiến khu Đ

Cập nhật: 30-07-2019 | 09:18:45

Cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên luôn thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa để tri ân công lao của biết bao cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào đã từng chiến đấu, hy sinh và nằm lại trên mảnh đất Chiến khu Đ anh dũng này.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Bí thư Huyện ủy Bắc Tân Uyên tặng hoa tri ân mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Năm, xã Bình Mỹ

Mãi mãi tri ân

Chiến khu Đ - căn cứ địa quan trọng của miền Đông Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi che giấu, nuôi dưỡng, rèn luyện các lực lượng cách mạng, là bàn đạp tấn công kẻ thù, nỗi kinh hoàng, khiếp sợ của bọn thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai bán nước. Chiến khu Đ chính là niềm tin, niềm tự hào của nhân dân miền Đông Nam bộ trong suốt gần một thế kỷ qua. Chiến khu Đ với những địa danh như: Lạc An, Nhà Nai, Suối Sâu, Bà Đã, Bà Hào, Suối Linh, Suối Nhung, Mã Đà, suối Dênh Dênh, Bù Cháp, Lý Lịch… đã trở nên bất tử, gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân miền Đông Nam bộ. Rất nhiều lần địch tổ chức những trận càn lớn, dài ngày vào căn cứ với hàng chục ngàn quân có xe tăng, pháo binh yểm trợ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ thả chất khai hoang, máy bay B52 ném bom rải thảm, thiêu hủy hàng vạn ha rừng, phá hủy môi trường sinh thái, nhưng đồng bào, chiến sĩ Chiến khu Đ vẫn kiên cường, một lòng trung thành với Đảng, với Bác Hồ, hết lòng bám trụ bảo vệ căn cứ, ủng hộ kháng chiến, bảo vệ, xây dựng Chiến khu Đ trở thành căn  cứ vững chắc ở Đông Nam bộ.

Thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau sẽ mãi mãi tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh; ghi nhớ công sức xương máu của hàng vạn đồng bào đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Từ đóng góp tiền của, lương thực, hàng hóa cho kháng chiến, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng đến động viên con em lên đường gia nhập lực lượng cách mạng, trực tiếp chiến đấu với quân thù, bảo vệ căn cứ. Không có sự đóng góp, hy sinh to lớn của đồng bào trong vùng căn cứ, thì Chiến khu Đ không thể tồn tại và đứng vững để làm tròn được nhiệm vụ cách mạng giao.

Là một trong những địa phương nằm trong địa bàn Chiến khu Đ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên luôn tự hào và phát huy truyền thống Chiến khu Đ năm xưa. Tri ân với những cống hiến, hy sinh của những lớp người đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên hôm nay luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được nhiều thắng lợi to lớn trên mặt trận xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Bí thư Huyện ủy Bắc Tân Uyên, vui mừng cho biết trong thời gian đầu khi mới thành lập, Bắc Tân Uyên là huyện có cơ cấu nền kinh tế mà trong đó nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, là một trong những huyện vùng xa của tỉnh với xuất phát điểm về kinh tế, văn hóa - xã hội thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu đồng bộ; tình hình đội ngũ cán bộ còn thiếu, ở một vài bộ phận còn yếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh; tinh thần đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, huyện Bắc Tân Uyên đã vươn lên khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định và triển khai thực hiện đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Với cơ cấu kinh tế của huyện là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, với tỷ lệ tương ứng 47,59% - 29,51% - 22,9%, so với năm 2014 là 48,05% - 29,31% - 22,64%. GDP bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng so với ngày đầu mới thành lập năm 2014 là 36,2 triệu đồng.

Hiện nay, huyện đã có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trên địa bàn huyện có 4 khu, cụm công nghiệp với diện tích 1.073,07 ha. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến quan trọng. Công tác  bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Công tác quốc phòng - an ninh được quan tâm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Có thể nói, những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực với những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền địa phương chính là sự tri ân rõ nét nhất với những hy sinh, mất mát, cống hiến của bao lớp người đi trước với vùng đất Bắc Tân Uyên hôm nay.

Uống nước nhớ nguồn

Tri ân với những người đã cống hiến, hy sinh cho nền hòa bình, độc lập dân tộc, cho sự phát triển địa phương, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Bắc Tân Uyên luôn quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện. Huyện Bắc Tân Uyên hiện có trên 2.000 đối tượng chính sách, bao gồm mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, cán bộ bị địch bắt tù đày…

Ông Thái Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, bên cạnh việc chi trả các chế độ chính sách theo quy định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện luôn quan tâm, chăm lo tốt đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với người có công như: Tổ chức các đợt thăm hỏi khi có người ốm đau, tặng sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, xây tặng và sửa chữa nhà tình nghĩa, thăm, tặng quà nhân các dịp lễ, tết… Riêng trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hàng năm, các ban ngành, đoàn thể, các địa phương trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên cũng đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho các đối tượng gia đình chính sách, người có công.

Những hoạt động trên đã thể hiện sự quan tâm chân tình, sâu sát của cấp ủy Đảng, các ban ngành, địa phương, đồng thời giúp cho các đối tượng chính sách, người có công có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, chân tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên thời gian qua đã khơi dậy mạnh mẽ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” trên vùng đất Chiến khu Đ anh hùng. Những hoạt động trên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc chăm lo mọi mặt cho các đối tượng chính sách, người có công, đồng thời cũng tạo ra tiền đề quan trọng giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống anh dũng vùng đất Chiến khu Đ cho thế hệ hôm nay và mai sau, nhất là với thế hệ trẻ.

Từ khi thành lập huyện đến cuối tháng 3-2019, huyện Bắc Tân Uyên đã vận động, tập trung nhiều nguồn vốn chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo và đối tượng xã hội với tổng kinh phí lên đến 115,425 tỷ đồng; trao tặng 67 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà chữ thập đỏ; xây dựng và sửa chữa 40 căn nhà tình nghĩa, 20 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên