Nghiêm cấm mua bán, sử dụng các hoạt chất cấm trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 17-07-2019 | 09:31:00

Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường ra quân tuyên truyền người dân không sử dụng các hoạt chất 2.4D và Paraquat. Đây là 2 hoạt chất độc hại có trong thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái.


Lực lượng liên ngành tăng cường tuần tra để kịp thời phát hiện những trường hợp kinh doanh mặt hàng chứa hoạt chất cấm

Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong các thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất 2.4D đều có một lượng chất Chlorophenol ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Chlorophenol tồn tại tương đối lâu và có thể chuyển hóa thành chất Dioxin là hoạt chất chủ yếu của chất độc màu da cam có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người.

Đối với thuốc Paraquat, những năm gần đây tỷ lệ ngộ độc thuốc trừ cỏ Paraquat rất nghiêm trọng. Theo thống kê trên cả nước, hàng năm có khoảng 1.000 ca ngộ độc Paraquat xảy ra. Paraquat gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim. Khi tiếp xúc trực tiếp với Paraquat qua da, hô hấp hoặc đường tiêu hóa đều có thể bị ngộ độc và tử vong mà không có thuốc giải độc. Ngoài ra, Paraquat được xếp vào nhóm rất độc với thủy sinh, để lại hậu quả lâu dài.

Ông Nguyễn Tấn Toàn, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bà con nông dân về tác hại của các loại thuốc này. Đến thời điểm hiện nay, các cơ sở kinh doanh đều thực hiện tốt các quy định về việc không sản xuất, kinh doanh và sử dụng 2 hoạt chất cấm này”.

Mặc dù trước đó được cấp phép sử dụng tại Việt Nam dưới dạng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp, tuy nhiên do những ảnh hưởng tiêu cực của 2 hoạt chất 2.4D và Paraquat đối với con người và môi trường nên từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa 2 hoạt chất nói trên ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, mua bán và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa 2 hoạt chất 2.4D và Paraquat tại Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của các hoạt chất cấm nói trên, thời gian qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường ra quân tổ chức thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh, mua bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat, xử lý nghiêm và buộc tiêu hủy theo quy định của pháp luật nếu phát hiện còn kinh doanh, mua bán và sử dụng.

“Chúng tôi phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền các tổ chức, cá nhân không tham gia sản xuất, mua bán và sử dụng 2 hoạt chất nói trên nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân và bảo vệ môi trường”, thượng tá Đoàn Văn Phu, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh nói.

Theo ông Trần Văn Hạnh, người dân phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát, từ khi có quy định của Nhà nước về việc không sử dụng, mua bán các loại thuốc có chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat thì cơ sở của ông đã chủ động ngưng nhập hàng. Đến thời điểm hiện nay thì đã không còn bán thuốc nào có chứa các hoạt chất cấm nói trên.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, nhận thức của người dân về việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp cũng được nâng cao góp phần giúp người dân tránh được các nguy cơ nhiễm bệnh. Ghi nhận trên địa bàn tỉnh hiện không còn tình trạng người dân mua bán, sử dụng 2 hoạt chất cấm 2.4D và Paraquat.

 NGỌC HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên