Ngừng cho vay ngoại tệ: Có lộ trình, không gây đột biến

Cập nhật: 05-10-2019 | 08:57:22

Việc chấm dứt cho vay ngoại tệ theo quy định tại Thông tư 42/2018 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành theo lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ được đánh giá là bước đi hợp lý và quan trọng trong việc thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

 

Kiểm đếm ngoại tệ tại Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Doanh nghiệp không bất ngờ

Theo đó, từ ngày 1-10- 2019, các ngân hàng thương mại (NHTM) chính thức chấm dứt việc cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay ngoại tệ trung - dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Trước đó, từ ngày 1-4-2019, các ngân hàng cũng đã từng bước dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước. Thay vào đó, các DN có nhu cầu ngoại tệ ngắn hạn phải chuyển từ vay sang mua ngoại tệ trên thị trường hoặc vay vốn bằng VND.

Do lộ trình dừng cho vay ngoại tệ đã được NHNN phát đi thông điệp từ 7 năm về trước, nên nhiều DN đã có sự chuẩn bị sớm. Mặc dù vậy, biện pháp này ít nhiều vẫn gây áp lực lên các DN, nhất là DN nội.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long, cho biết việc dừng cho vay ngoại tệ có ảnh hưởng nhất định đến DN xuất nhập khẩu có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài. Nhưng theo quy định, DN xuất khẩu không giới hạn vay ngoại tệ. Vì vậy cần áp dụng quy định này một cách hài hòa hơn. Bởi DN nhập khẩu cần vay ngoại tệ để nhập hàng hóa, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu, nếu ngừng không cho vay ngoại tệ thì DN khó tìm nguồn USD để thanh toán tiền hàng.

“NHNN cần áp dụng chính sách phù hợp cho từng DN, xem xét đến đối tượng nào giải quyết cho vay ngoại tệ hoặc không nhằm tránh tình trạng cào bằng đối với tất cả DN có nhu cầu vay ngoại tệ”, ông Thanh nói.

Lãnh đạo một DN trong ngành thép (đề nghị không nêu tên) cho biết, việc NHNN dừng cho vay ngoại tệ sẽ khiến chi phí vốn của DN tăng lên, tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, làm suy giảm sức cạnh tranh của các DN trong nước trên thị trường. Nhất là trong bối cảnh các DN nội vẫn đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra, thị trường; ngoài ra còn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng…

Giải pháp cần thiết

Ghi nhận cho thấy, thời gian qua một số DN lợi dụng chính sách vay ngoại tệ (có lãi suất vay thấp) rồi bán trên thị trường phi chính thức và chuyển đổi qua VND nhằm gửi tiết kiệm lấy lãi suất cao hơn. Do vậy, dù chính sách tín dụng nói trên ít nhiều ảnh hưởng đến DN nhập khẩu có nhu cầu sử dụng ngoại tệ thật nhưng việc ban hành quy định này là cần thiết để hạn chế tình trạng trục lợi chính sách và “đô la hóa” trên thị trường.

Về phía ngân hàng, trao đổi với phóng viên, đại diện một số NHTM cho biết chính sách tín dụng này ít ảnh hưởng đến ngân hàng, do hiện nay việc huy động ngoại tệ kỳ hạn ngắn hạn hay trung dài hạn đều rất hạn chế do lãi suất tiết kiệm đều ở mức 0%/năm. Vì vậy, nếu sử dụng nguồn vốn ngoại tệ ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ khiến ngân hàng không bảo đảm nguồn ngoại tệ để cung ứng cho khách hàng. Ngân hàng không cân đối được đầu vào - đầu ra sẽ gây ảnh hưởng thanh khoản, rủi ro không đáng có.

“Tới thời điểm này, khi các điều kiện như nền kinh tế ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao, ngành ngân hàng có thể cân đối được trạng thái ngoại tệ… thì việc thực hiện chủ trương chấm dứt cho vay ngoại tệ là điều nên làm”, ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcomabank) - Chi nhánh Bình Dương, nói.

Thông tin từ các ngân hàng cho thấy, trước thời điểm chính sách dừng cho vay ngoại tệ có hiệu lực, những DN đang còn dự nợ ngoại tệ trung, dài hạn hầu hết đã được các ngân hàng thông báo về chủ trương này của NHNN để có phương án chủ động cân đối lại nguồn vốn. Đồng thời, để hỗ trợ DN, các ngân hàng cũng chủ động cập nhật các dự báo tỷ giá, tư vấn những giải pháp tài chính thay thế… nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh của DN ít bị ảnh hưởng nhất.

Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, cho biết lộ trình dừng cho vay ngoại tệ đã được NHNN phát đi thông điệp cách đây 7 năm và đã được gia hạn 3 lần nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Vì vậy, chủ trương đã được triển khai thực hiện dần trong một thời gian khá dài nên sẽ không gây nên đột biến nào cho DN. Bằng chứng là thời gian qua, tại Bình Dương, số lượng, doanh số giao dịch tín dụng ngoại tệ của các NHTM đã giảm dần qua từng năm. Đây là điều cho thấy các NHTM, DN đã chuẩn bị tinh thần chuyển dần từ quan hệ tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ từ trước nên không bị động.

Về những khó khăn ban đầu khi thực thi chính sách, ông Cường cho rằng các DN có thể mua các hợp đồng hoán đổi tại các ngân hàng, đồng thời phải điều chỉnh những hoạt động khác như tiết kiệm chi phi quản lý, tồn kho, vận chuyển… để bù đắp vào chi phí vốn có thể bị đội lên từ chính sách tín dụng này. Như vậy, một khi lãi suất vay tiền đồng ổn định, lãi suất vay hợp lý sẽ giúp DN chuyển từ vay ngoại tệ sang vay nội tệ không gặp xáo trộn lớn trong kinh doanh. Từ đó, kết thúc cho vay ngoại tệ và chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ sẽ góp phần tránh tối đa việc đô la hóa trong nền kinh tế một cách hiệu quả.

 Hiện có một số NHTM đang được các định chế tài chính cung cấp hạn mức tài trợ thương mại đủ lớn để hỗ trợ cho khách hàng trong việc thanh toán trả chậm, như L/C (thư tín dụng) trả chậm, L/C Upas (thư tín dụng trả chậm có thể gửi thanh toán ngay)... Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN, tại một số NHTM khách hàng có thể vay bằng VND và khi đến kỳ thanh toán ngân hàng sẽ chuẩn bị sẵn nguồn ngoại tệ để bán giao ngay hoặc kỳ hạn nhằm đáp ứng nhu cầu, tránh những biến động tỷ giá cho khách hàng. Ngân hàng cũng sẽ tư vấn cho khách hàng các giải pháp giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá, thông qua các sản phẩm phái sinh như hợp đồng giao dịch hối đoái kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên