Người cán bộ gần gũi nhân dân

Cập nhật: 24-11-2020 | 08:24:00

Rời bỏ vùng núi Tây Bắc, năm 1990, ông Đinh Công Sắc (ấp Đồng Trâm, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo) đưa gia đình vào Sông Bé lập nghiệp với hy vọng con cái được học hành đầy đủ, có một tương lai tốt. 30 năm sau, những người con của ông không chỉ tốt nghiệp đại học, trở thành cán bộ, mà bản thân ông còn là nông dân sản xuất giỏi, người tiên phong trong các mô hình chăn nuôi của huyện.

Ông Đinh Công Sắc bên mô hình nuôi cá của gia đình

Người cán bộ có tâm

Bản tính thật thà cộng với sự nhiệt tình, có tâm với công việc, ông Đinh Công Sắc được bà con tín nhiệm, bầu làm Trưởng ban điều hành ấp trong suốt 15 năm qua. Năm 2019, ông được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2014-2019; cùng với nhiều bằng khen, giấy khen cấp huyện qua từng năm.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà tường khang trang bên ao cá, vườn cây lý tưởng của vùng quê thanh bình, ông Sắc cho rằng làm cán bộ ấp cũng giống như việc xây dựng một gia đình, không hề dễ. Để được bà con tín nhiệm, người cán bộ phải nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình, tâm tư nguyện vọng của từng hộ dân… Vì thế, người cán bộ ấp phải dành rất nhiều thời gian cho công việc. Ở ấp Đồng Trâm nhìn chung kinh tế của bà con khá ổn định, vì nhà nào cũng có đất rộng để chăn nuôi, trồng trọt. Cây trồng chủ lực ở đây vẫn là cây cao su. Tuy hiện tại giá mủ cao su không cao như trước, nhưng bà con vẫn có nguồn thu để trang trải sinh hoạt. Trước đây, khi giá mủ đạt đỉnh, mỗi tháng có gia đình thu nhập hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Là cán bộ đứng đầu ấp cũng là nông dân giỏi, ông thường nghiên cứu, học tập cách chăm sóc cây làm sao đạt hiệu quả tốt nhất để truyền đạt cho bà con. Thời gian rảnh ông lên mạng tìm đọc các bài viết về tâm lý, pháp luật, cách dạy con, chăm sóc gia đình… Kiến thức ấy giúp ông làm tốt hàng chục vụ hòa giải thành về tranh chấp đất, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn ở địa phương.

20km các tuyến đường đất đỏ qua ấp Đồng Trâm luôn là nỗi trăn trở của bà con, vì đường trơn khó đi lại, con em đến trường học vất vả. Từ khi được bà con bầu làm trưởng ấp, ông vận động bà con góp công tu sửa lại những đoạn bị hư. Năm nào được bà con đóng góp nhiều tiền thì mua thêm đá về đổ. Cách làm này đã đem lại hiệu quả, mặt đường đẹp hơn, ô tô dễ dàng về đến từng nhà. Trong ấp còn một hộ nghèo, ông đã vận động bà con tặng quà, tiền vào các dịp lễ tết hay mỗi khi họ gặp khó khăn. Các cụ cao tuổi vẫn được ban điều hành ấp tặng quà vào dịp cuối năm từ nguồn quỹ của ấp. Các phong trào thi đua giữ gìn vệ sinh môi trường sống khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, con cái học tập luôn được Ban điều hành ấp Đồng Trâm Triển khai hiệu quả, nhờ đó, tỷ lệ con em trong ấp học đến cấp 3, cao đẳng, đại học ngày càng cao.

Đi tìm “cái chữ” cho con

Nói về xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái ăn học thành tài, ông Sắc cho biết 30 năm trước ông công tác trong ngành công an của tỉnh Hòa Bình, có cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên, nơi ông sống là vùng rừng núi Tây Bắc, cách xa trung tâm huyện thị tới hàng chục km, vì thế rất khó để có con cái của ông ăn học thành đạt. Ông tâm sự: “Nếu mình sợ khó, sợ khổ mà an phận với cuộc sống ở vùng quê thì tương lai của các con sẽ ra sao. Vậy là năm 1990, ông quyết định vào Nam lập nghiệp. Ở Phước Sang lúc đó đất rộng người thưa, chủ yếu là canh tác chứ không phải bỏ tiền mua đất như bây giờ. Nhưng nói thật để bám trụ cũng không phải dễ”.

Bản thân ông ngày nào cũng phải cuốc đất, lật cỏ để trồng trọt những loại cây ngắn ngày, kiếm nguồn thu. Rảnh thời gian một chút thì đi làm thuê làm mướn cho những hộ khá hơn trong vùng để kiếm cái ăn, cái mặc và nuôi con ăn học. Cũng nhờ chịu khó, vợ chồng ông khai thác được nhiều ha đất trồng cao su. Những năm giá mủ cao, gia đình ông thu về từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Cũng nhờ nguồn tiền đó, các con của ông được vào đại học, cao đẳng và trở thành cán bộ.

Hiện tại, ngoài phần đất ông đã chia cho các con khi đến tuổi lập gia đình, ông còn lại hơn 3 ha đất để canh tác, làm kinh tế khi tuổi về già. Bên cạnh phần lớn diện tích đang trồng cao su, ông triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, như: Hươu sao, cá sấu, các loại cá. Những mô hình chăn nuôi này đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, được bà con trong vùng tìm đến tham quan, học hỏi…

QUANG TÁM

 

Chia sẻ bài viết
Tags
nhân dân

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên