Người dân tham gia kìm giá

Cập nhật: 06-05-2011 | 00:00:00

Quyết định tăng lương trong khối cán bộ - công chức Nhà nước đã có hiệu lực được gần 1 tuần. Đây là quyết định quan trọng, thiết thân với đời sống nhiều người nhưng trên thực tế, nó đang diễn ra khá êm ả. Câu trả lời nằm ở chỗ: Do giá cả hàng hóa cứ tăng vèo vèo, việc tăng lương lần này giống như “giọt nước làm tràn ly” để tạo thêm cái cớ cho sự tăng giá thiếu lành mạnh ấy, cho nên tăng lương được xem như bù đắp một phần chi phí chênh lệch do giá cả hàng hóa trên thị trường đã tăng từ trước.

Lâu nay, việc lợi dụng tăng lương cũng như các yếu tố đầu vào khác để “làm giá” diễn ra phổ biến, làm cho thị trường thiếu lành mạnh và gây bức xúc trong giới tiêu dùng nhưng hiện tượng này chưa được ngăn chặn triệt để. Ai cũng nghĩ rằng, đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng, của Nhà nước. Thế nhưng, trên thực tế lại xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong việc kìm giá, xuất phát từ người dân và do chính người dân thực hiện.

Tại Hà Nội, những ngày qua nhiều người đi chợ tỏ ra bất ngờ khi giá cả hàng hóa vẫn giữ nguyên như cũ mà không hề tăng. Hỏi ra mới biết, vì đồng cảm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng nên các tiểu thương đã cùng cam kết không tăng giá, chấp nhận lời ít vì giá vốn tuy có tăng chút ít nhưng chưa đến mức phải điều chỉnh lại giá bán. Mặt khác, nói theo lời của một tiểu thương bán thịt heo ở chợ Ngọc Khánh: Bán rẻ, chấp nhận lời ít cũng là một hình thức cạnh tranh nhằm giữ khách mà người bán nên làm. Còn tại TP.HCM, từ mấy tháng qua dư luận hết sức hoan nghênh trước thông tin nhiều chủ nhà trọ ở quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn... cam kết với chính quyền địa phương không tăng giá phòng trọ, thậm chí còn xuất hiện nhiều điển hình chủ nhà trọ giúp đỡ người ở trọ gặp khó khăn bằng cách cho ghi nợ, giảm tiền phòng, tiền điện nước... Việc làm này đã được Thành ủy TP.HCM sơ kết và chỉ đạo tiến hành nhân rộng, bởi ngoài việc giúp nhau về mặt kinh tế, đó còn là một hình thức thể hiện tình người rất đáng trân trọng.

Trong ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...”. Sự san sẻ, giúp nhau của người dân Hà Nội, TP.HCM hay nhiều nơi khác nữa không chỉ thiết thực trong thời “bão giá” mà còn là động lực để mọi người cùng tự tin vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Những điển hình ấy rất cần được xem xét nhân rộng, bởi chính chúng sẽ “tiếp lửa” cho những kiểu giúp nhau vượt khó dưới nhiều hình thức mới. Mặt khác, nói theo triết lý phương Đông, “vướng ở đâu thì phải tìm chính chỗ đó mà gỡ” - xưa nay việc “làm giá”, tăng giá là do chính người kinh doanh - người dân tạo ra, vì vậy muốn giải quyết hiện tượng này hãy nên bắt đầu từ người dân, cũng chính người dân đã tạo ra hiện tượng ấy.

L.M.T

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên