Nhà khoa học Anh Mark Gasson đã gây sốc cho giới khoa học toàn cầu khi trở thành người đầu tiên trên thế giới mang thân thể mình ra thí nghiệm về khả năng virut máy tính có thể xâm nhập vào cơ thể bình thường của một con người.
Giáo sư Gasson của Đại Học Reading đã thực hiện một cuộc vi phẫu thuật để cấy một microchip vào bàn tay mình, biến một phần cơ thể anh trở thành một cỗ máy. Điều này có nghĩa là khi microchip đó “bị dính” virus thì cơ thể anh cũng bị dính theo!
Giáo sư trẻ Gasson của Đại Học Reading.
Đây là trường hợp đầu tiên làm thí nghiệm kiểu này trên thế giới. Gasson của muốn chứng minh “ý tưởng kỳ cục” của nhà bác học Ray Kurzweil là cơ thể con người có thể “sống hợp dung” với các con chip và sau này là các cỗ máy để trở thành bất tử. Năm 2009, Ray Kurzweil - nhà khoa học với nhiều thành tích sáng chế, từng đưa ra một tuyên bố nảy lửa là năm 2029 sẽ xảy ra sự kiện lạ lùng - đó là khi khoa học kỹ thuật tiến bộ tới mức có thể làm cho người ta không chết.
Con chip cấy vào bàn tay của giáo sư Gasson có tên là Radio Frequency Identification (RFID), giúp anh có thể vào cửa tòa nhà đại học nơi anh giảng dạy hoặc sử dụng điện thoại di động dễ dàng, không mất công thao tác nhận diện như người bình thường.
Đây là bước đầu nghiên cứu của giáo sư Gasson khi anh muốn sau này “cấy thêm” nhiều loại chip khác vào cơ thể người để con người cùng sống chung với máy móc. Nhưng “điên” hơn chính là hành động cấy thêm virut để nó xâm nhập con chip điện tử.
Gasson nói: “Khi làm thế, tôi muốn chứng tỏ kỹ thuật đã tiến bộ tới đâu và muốn xem trong tương lai chúng ta có thể làm gì với cơ thể đã “hòa lẫn” nhiều con chip điện tử để nối liền với máy móc tinh xảo”.
Cũng giống mọi con chip dạng RFID khác, vốn được các chủ nhân các cửa hàng hay hãng xưởng sử dụng để kiểm soát vị trí các món hàng của họ, con chip trong cánh tay của Gasson sẽ được máy móc nhận ra và tự động mở cửa hay điện thoại di động tự động bật lên khi anh vừa đưa tay.
Gasson nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra bước tiến hóa kế tiếp của con người, đó là nhân loại đã trở thành một phần của máy móc mà chúng ta không ngớt đẩy độ tinh xảo lên tới mức tối đa. Đã có áp lực từ xã hội là phải cấy ghép các con chip vào cơ thể. Tuy thế, chúng ta cũng ý thức đến những nguy hiểm của lãnh vực này”.
Gasson cho rằng “điều không tránh được” trong tương lai là con người phải sống gần hơn nữa với máy móc, nhất là loại máy móc tự động. Sẽ có hàng loạt ứng dụng kỹ thuật “cấy ghép” như thế, kể cả nhiều ứng dụng trong y khoa để trị bệnh.
Chính Gasson cũng phải nhìn nhận rằng cái nguy hiểm nhất của việc này là hiện tượng “không thể kiểm soát” khi có trục trặc máy móc và con người không sao chỉ huy được vì nó đã nằm trong cơ thể người.
Theo Dân Trí