Người Khmer Tamun - Những điều lý thú!

Cập nhật: 11-11-2010 | 00:00:00

Kỳ 1: Giấc mơ Chol chnam thmay!

Kỳ 2: Những “già làng” thời hiện đại

Về ấp Nước Vàng hỏi ông Ngưu Ngọt, Ngưu Bư ai cũng biết bởi các ông được bà con dân tộc Khmer yêu mến lắm. Cuộc hành trình khám phá những giá trị văn hóa người Khmer Tamun của chúng tôi sẽ không tài nào trọn vẹn, suôn sẻ nếu không có sự giúp đỡ của những cụ “hướng dẫn viên du lịch” này. Họ, những ông già tự nhận mình là con cháu của Bác Hồ mang họ Kim, Ngưu. Họ, những “già làng” của thời hiện đại...

Trong lễ cưới, hỏi của người Khmer luôn có sự chứng giám của “già làng”. Khi hôn nhân của một cặp vợ chồng người Khmer tan vỡ, họ phải “đối mặt” với sự phán xét từ phía “già làng”. Kẻ phụ bạc phải nộp lại sính lễ cho vợ hoặc chồng và chịu mức phạt nặng nhẹ tùy thuộc tiếng nói của “già làng”. Xưa, vị thế của già làng có khi còn quan trọng hơn thế. Họ là lãnh tụ tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số...

Các “già làng” thời hiện đại đều là những tuyên truyền viên, hòa giải viên năng nổ nhất

Người nối tiếp truyền thống...

Chúng tôi gặp “già làng” Ngưu Ngọt khi ông vừa trở về từ bệnh viện. Gương mặt hốc hác của ông trở nên tinh anh, rạng rỡ khi chúng tôi hỏi về những năm tháng đã qua. Ông say sưa kể chuyện ngày còn nhỏ được làm nội gián cho chính quyền cách mạng: “Ngày trước người Khmer Tamun sống rải rác ở làng An Bình, suối Mía, suối Cam Xô... dưới sự cai trị của bọn Ngụy quyền. Trước giải phóng, tôi được ông Năm Phạm, ông Tư Râu và mấy ông cách mạng cử làm cán bộ hai mang khai thác thông tin từ bọn Ngụy với chức phó trưởng ấp. Đồng bào dân tộc Khmer ở đây có chuyện gì là tôi biết hết...”. “Già làng” Ngưu Ngọt còn chia sẻ ông làm cách mạng không chỉ vì yêu nước mà còn vì kế tục truyền thống gia đình. Cha ông, ông Ngưu Dư từng làm việc cho cách mạng rồi bị địch tra tấn đến chết. Sau 1975, ông Ngọt gom toàn bộ súng ống của bọn địch giao lại cho chính quyền cách mạng rồi tiếp tục với cương vị phó trưởng ấp và thành viên của MTTQVN huyện Phú Giáo trong thời kỳ đất nước hòa bình. Nay, gần 70 tuổi, nhưng ông được xem là “già làng” có hiểu biết và uy tín nhất của người Khmer Tamun. Giải thích vì sao người Khmer ở Bình Dương lại có một “hỗn hợp” họ nào là Kim, Ngưu, Sơn, Trị... như vậy, ông Ngọt cho biết: “Ngày chúng tôi bị bọn Ngụy đàn áp, chúng dồn người Khmer vào những làng nhỏ, mỗi làng chúng đặt cho một cái tên để phân biệt. Người ở đâu đến mà đã vào làng đó thì chỉ được lấy họ đó...”.

Tuổi cao, sức yếu nhưng ông Ngọt vẫn rất “mê” công tác xã hội. Hàng chục năm làm cán bộ xã, huyện ông đã đi “mòn dép” đến từng nhà để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Dù đã “nghỉ hưu” nhưng “già làng” Ngưu Ngọt vẫn tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội, mỗi khi nhà ai có chuyện là ông lại có mặt để “hòa giải”. Tiếng nói của ông được bà con dân tộc và đồng bào người Kinh trong ấp rất coi trọng. Bà Ngưu Thị Hạnh, cán bộ phụ nữ ấp Nước Vàng cho biết: “Chúng tôi kính trọng ông Ngưu Ngọt vì ông là người lớn tuổi và hiểu biết nhất xóm. Chuyện xưa chuyện nay gì ông cũng biết. Chúng tôi thường mời ông tham gia các buổi hòa giải trong ấp để hàn gắn tình nghĩa của các bên tranh chấp...”.

“Lao động là vinh quang”

Mang nước da đen đặc trưng của người Khmer, ông Ngưu Bư khiến chúng tôi thiện cảm ngay từ lần đầu gặp gỡ bởi gương mặt phúc hậu và cách trò chuyện mộc mạc, chân chất. Khó ai tưởng tượng rằng nhà của “già làng” lại là cửa hàng tạp hóa kiêm giải khát khang trang đến vậy. Lúc chúng tôi có mặt tại nhà ông, mặt trời đã đứng bóng, bà Ngưu Thị Thu “phu nhân già làng” cho biết ông đang mải mê đi chích heo “ở đâu đó trong xóm”. Và rồi “già làng” trở về không phải khăn rằn, áo bà ba mà trong bộ dạng của một... cán bộ thú y rất lịch sự. Ông bộc bạch “Đang ở ruộng mía chích heo cho người ta. Nghe có khách tới là tôi chạy về liền. Còn heo thì tôi chích cả ngày cả đêm. Người ta gọi lúc 2 giờ sáng tôi cũng đi...”. Chưa dứt lời có người gọi điện mời ông Bư xuống nhà dùng cơm “trả ơn” ông chuyện “khám” heo ban sáng. Ông Bư từ chối vì “hôm nay còn bận nhiều “ca” khác. Mà giờ tôi đang có khách quý”. Vậy là “già làng” dành cho chúng tôi chút thời gian hiếm hoi để kể chuyện “làng xóm”. Gia đình có 7 anh em, “già làng” Ngưu Bư may mắn học đến lớp 3, rồi địa phương cử đi học bổ túc, học Trung cấp Nông Lâm để trở thành cán bộ thú y của xã. Có kiến thức và kinh nghiệm, ngoài việc tham gia công tác cho xã, ông còn làm thêm “ngoài giờ” như chích thuốc cho gia súc, gia cầm của bà con trong và ngoài xã. Không chỉ vậy, ông còn là “cộng tác viên” buôn bán thuốc cho Công ty Thuốc thú y Bio để kiếm thêm thu nhập. Quá bận rộn với công việc, nhiều khi “già làng” Ngưu Bư cũng “đi sớm về khuya” không thua gì những ông “bự”. Dù chạy “show” nhiều nhưng trong xóm có ai cần giúp đỡ, có gia đình nào xào xáo, bạo hành ông Bư cũng nhanh chóng thu xếp để có mặt khuyên bảo. Được địa phương cử đi học hỏi, giao lưu những điển hình sản xuất giỏi trong và ngoài tỉnh, ông lại càng hiểu hơn câu nói của Bác “Lao động là vinh quang”. 10 ha tiêu, điều thất thu ông nhanh chóng chuyển đổi sang trồng cây cao su. Nay cao su đã thu hoạch, kinh tế gia đình ông vì vậy mà càng ổn định và ông có thời gian làm công tác xã hội.

Cha con ông Ngưu Ngọt đã cống hiến trọn trời cho sự nghiệp cách mạng

Gặp chúng tôi, “già làng” Ngưu Bư nhắc lại chuyện ngày xưa lấy được vợ, cha ông là cụ Ngưu Sâm phải “cậy” người đến dạm ý nhà gái. Ngày mời khách, cha con ông phải đi “hầu” rượu từng người, từng nhà. Sính lễ cưới chắc chắn không thể thiếu mâm đồng gồm nồi đồng, mâm đồng. “Đám cưới thời tôi vui lắm, ai có heo mang heo, ai có gà mang gà chứ không đi tiền như bây giờ...”. Cũng như ông Ngưu Ngọt, Kim Nhỏ, ông Bư rất buồn khi nghĩ đến chuyện những giá trị văn hóa của người Khmer Tamun trên đất Bình Dương đang dần mai một. Mang một băn khoăn, day dứt khó hiểu, đến phút chia tay chúng tôi ông còn nhắn nhủ “Nhờ nhà báo viết làm sao để con cháu chúng tôi có chùa đến sinh hoạt, có nơi để học chữ Khmer. Tôi biết ơn lắm...”.

Cùng với ông Ngưu Ngọt, Ngưu Bư, ông Kim Nhỏ hiện làm Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp cũng là 1 trong 3 “già làng” được bà con tin yêu, tín nhiệm. Cả 3 ông đều là những tấm gương điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Lời Bác Hồ dạy “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào...” vẫn mấp máy trên môi khi họ nhìn vào những chiếc bằng khen “Tham gia yêu nước giai đoạn...”, Giấy khen “Làm tốt công tác đồng bào dân tộc”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”,... với một niềm tự hào đặc biệt. Những “già làng” thời hiện đại nói rằng họ sẽ tiếp tục cống hiến cho tới khi nào “sức cùng lực kiệt” mới thôi.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên