Người khuyết tật ngày càng được chăm lo tốt hơn

Cập nhật: 18-04-2012 | 00:00:00

Mặc dù còn nhiều thiệt thòi nhưng người khuyết tật (NKT) đã nhận được nhiều chính sách bảo trợ của Nhà nước, cũng như sự chia sẻ của cộng đồng xã hội đã giúp họ từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với ông Ninh Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  (LĐ-TB&XH) về công tác chăm lo cho NKT trên địa bàn. Trao quyết định tặng nhà ở cho NKT

- Xin ông cho biết tình hình NKT ở tỉnh hiện nay?

- Theo Luật NKT thì NKT là những người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Trên thế giới tỷ lệ NKT chiếm khoảng 10% dân số. Ở Việt Nam, có khoảng 5,3 triệu NKT. Còn tại Bình Dương, ngành LĐ-TB&XH kết hợp ngành y tế đang quản lý, giúp đỡ, bảo trợ và phục hồi chức năng tại cộng đồng cho trên 23.500 người. Trong đó, khuyết tật vận động là 5.700 người; nghe, nói 2.150 người; nhìn 1.310 người, riêng người mù có 855 người... Khuyết tật ở trẻ em dưới 16 tuổi là 4.100 em. Những năm gần đây, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, bệnh tật người cao tuổi gia tăng đang góp phần làm tăng tỷ lệ NKT so với dân số tại địa phương.

- Công tác chăm lo cho NKT được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Chính sách an sinh xã hội ngày càng được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Bằng các chính sách cụ thể và được xã hội hóa mạnh mẽ, đặc biệt là Luật NKT có hiệu lực từ ngày 1-1-2011... đã chăm lo tốt hơn cho NKT. Riêng tại Bình Dương, ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo, ban hành các chính sách bảo trợ xã hội dành cho NKT, trẻ mồ côi, người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo...

- Ông có thể nói cụ thể hơn về các chính sách dành cho NKT?

- Từ năm 2006, tất cả người mù được trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng (không phải xét hoàn cảnh kinh tế) với mức 340.000 đồng/người/tháng (hệ số 1), hiện đang đề nghị UBND tỉnh nâng lên hệ số 2 (dạng tàn tật nặng). NKT nặng (ở 6 dạng tật) có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế được ưu tiên 1 trong 9 đối tượng bảo trợ xã hội xét trợ cấp tại cộng đồng. Đến nay, đã có 3.400 NKT được trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng. Tất cả người được trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ BHYT 100%, trợ giúp mai táng phí 5 triệu đồng nếu qua đời; đồng thời được ưu tiên giúp đỡ về nhà ở, vay vốn ưu đãi cho sản xuất - kinh doanh, học hành và đào tạo, giới thiệu việc làm miễn phí. Đặc biệt, thực hiện xã hội hóa công tác chăm lo NKT, những năm qua NKT cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. 

- Để NKT ngày càng ổn định cuộc sống thì nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới là gì, thưa ông?

- Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan triển khai ở 3 cấp điều tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình NKT về số lượng, các dạng tật, đời sống, nhu cầu... để có chính sách, biện pháp giúp đỡ phù hợp. Cụ thể là mở rộng cơ sở dạy nghề, hướng nghiệp cho NKT; đề xuất HĐND, UBND, tỉnh nâng mức trợ cấp thường xuyên

tại cộng đồng cho đối tượng xã hội lên 450.000 - 500.000 đồng/người/tháng (hệ số 1); kêu gọi “trách nhiệm xã hội” của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực góp phần cùng Nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách an sinh xã hội để NKT phát triển kinh tế bền vững.

TIỂU LIÊN (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên