Người khuyết tật vươn lên ổn định cuộc sống

Cập nhật: 18-04-2013 | 00:00:00

Từ lâu, Bình Dương luôn bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật (NKT), tạo mọi điều kiện bằng vật chất và tinh thần để tiếp thêm sức mạnh cho NKT tự tin vững bước đi lên...

Kết nối những tấm lòng

Bình Dương hiện có hơn 8.000 NKT, trên 2.300 TMC và 1.483 trẻ khuyết tật. Trong nhiều năm qua, từ những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ trao tặng hàng ngàn xe lăn, xe lắc, học bổng, xe đạp và hàng trăm nhà tình thương; các dự án sinh kế cho NKT; dạy nghề , tạo việc làm cho NKT…

Có dịp đi cùng Hội Bảo trợ Người khuyết tật, trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo (NKT-TMC&BNN) tỉnh để trao tặng các dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC; thăm tặng quà, tặng nhà tình thương và các hoạt động khác cho những người kém may mắn trong xã hội, chúng tôi mới biết đây là những món quà tinh thần hết sức có ý nghĩa. Xuất phát từ tấm lòng của những người làm công tác bảo trợ xã hội, họ - những người đã nghỉ hưu như ông Hồ Minh Phương, bà Huỳnh Kim Oanh, Lê Thị Hiệp âm thầm vận động tập thể, cá nhân hảo tâm để giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may bất hạnh. Những bước chân của họ không mệt mỏi, họ đi vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng chỉ vì công việc từ thiện để kết nối những tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Năm 2012, các cấp hội đã vận động ủng hộ bằng tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 7,6 tỷ đồng giúp hơn 55.000 lượt NKT-TMC&BNN. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế NKT 3-12- 2012, thông qua chương trình “Giao lưu tiếng hát NKT với các ca sĩ, nghệ sĩ”, Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN tỉnh còn nhận được sự đóng góp ủng hộ của các nhà hảo tâm gần 2 tỷ đồng. Số tiền đó Tỉnh hội đã tổ chức hỗ trợ Dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT của xã Bình An (TX.Dĩ An); Long Nguyên (Bến Cát); đầu tư cơ sở dạy nghề cho NKT tại huyện Phú Giáo; xây tặng 10 căn nhà tình thương; trao 400 phần quà và các chi phí phục vụ nhân ngày 3-12-2012…  

Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho NKT tại phường Phú Mỹ (TP.TDM)

Với tinh thần “Tương thân tương ái” của cộng đồng và sự ủng hộ của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội có những việc làm tích cực giúp NKT, TMC vươn lên trong cuộc sống, sớm hòa nhập vào cộng đồng. Việc thực hiện các dự án hỗ trợ sinh kế; dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, TMC hiện nay thật sự cần thiết nhằm tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Vượt lên số phận

Với mục tiêu cung cấp những kiến thức cần thiết về chuyên môn và giới thiệu việc làm, giúp NKT có cơ hội ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng, Trung tâm Dạy nghề NTT tỉnh (TT) đã và đang hoàn thành “sứ mệnh” của mình. “Chiếc nôi” này, đã giúp cho nhiều học viên NKT có tay nghề, công việc ổn định.

Trường hợp Nguyễn Văn Ngào là một minh chứng. Năm 2004, Ngào bị tai nạn giao thông, cánh tay phải mãi mãi không cử động được. Đến trung tâm học nghề, Ngào mang theo tính tự ti, nên thường xa lánh mọi người. Sau đó, được thầy cô động viên, bạn bè cùng cảnh ngộ tâm tình, Ngào đã vượt qua mặc cảm. Học xong 3 khóa nghề in lụa, Ngào ở lại TT làm việc. Hiện nay, Ngào đã trở thành thợ in chuyên nghiệp, với thu nhập gần 2 triệu đồng/ tháng. Ngào tâm sự: “Nếu như không được học nghề, không được gặp giao lưu với các bạn trong TT, chắc cả đời tôi sống trong tự ti. Bây giờ đã có nghề nghiệp ổn định, tôi hy vọng sẽ làm được nhiều tiền để lo cho bản thân và gia đình”.

Cũng xuất thân từ TT, với đôi chân tật từ nhỏ do bị sốt bại liệt nhưng Phan Minh Trí không hề mặc cảm. Sau khi cùng gia đình từ Cần Thơ lên Bình Dương mưu sinh, Trí được gia đình đưa đến TT học nghề điện tử (năm 2007). Sau 2 năm học nghề, Trí đã nắm vững kiến thức và làm công cho một số tiệm sửa chữa điện tử trong TP.Thủ Dầu Một. Đầu năm 2010, với số vốn ít ỏi, Trí tách ra mở tiệm sửa chữa điện gia dụng Minh Trí (Khu dân cư Hiệp Thành 1, P.Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một). Giờ đây, trung bình mỗi tháng Trí thu nhập khoảng 3 - 4 triệu đồng, tùy thuộc vào sản phẩm. Hiện nay, Trí đã lập gia đình và đang nỗ lực hết mình để chăm lo cho gia đình riêng.

Đối với NKT khiếm khuyết một phần cơ thể lao động, kiếm sống đã khó, những người mù còn khó hơn gấp bội. Họ sử dụng đôi tay, chân, thính giác thay thế cho “cửa sổ tâm hồn”. Tuy nhiên, không vì thế mà người mù nản chí, tự ti, họ luôn nỗ lực để khẳng định mình “tối mắt, sáng tâm hồn”. Anh Trần Văn Thân (người mù sản xuất giỏi huyện Dầu Tiếng) bị mù từ năm 15 tuổi. Không khuất phục trước nghịch cảnh, anh đã cùng anh chị em trong gia đình làm kinh tế bằng cách khai hoang đất trồng điều. Trồng điều thất bại, anh chuyển sang trồng cao su. Hiện nay, anh đã tạo nên một cơ ngơi khang trang, với căn nhà xây kiên cố và 1,5 ha cao su mỗi năm cho thu hoạch gần 300 triệu đồng. Cuộc sống gia đình anh đã khá giả, 2 con ăn học chu đáo.

Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN tỉnh NGUYỄN VĂN NAM: Hiện nay, hội được thành lập ở cấp tỉnh, huyện, thị và thành phố. Một số địa phương đã tổ chức chi hội cấp xã, phường hoặc theo đơn vị. Hoạt động của hội thông qua 6 chương trình trọng tâm: Chương trình phẫu thuật mắt; chương trình cấp xe đạp, tặng học bổng cho trẻ mồ côi; chương trình phẫu thuật phục hồi chức năng; chương trình tặng xe lăn, xe lắc; chương trình hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC...

 

TƯỜNG VY - THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên