Người “làm mới” tranh sơn mài

Cập nhật: 18-12-2012 | 00:00:00

   Nghệ nhân Bùi Văn Thanh kết hợp vẽ với việc cẩn vỏ cây để tạo hồn cho tranh sơn mài

Thăng trầm với nghề sơn mài

Sinh ra đúng vào thời kỳ nghề sơn mài đang thịnh, nên vừa học xong cấp 1, anh Thanh đã theo học nghề làm sơn mài. 11 tuổi, anh Thanh đã là tay vẽ cừ khôi của làng sơn mài. Những năm 70 - 80, tên tuổi anh nổi như cồn với tranh sơn mài vẽ rồng. Nghệ danh Thanh Long ra đời từ đó. Những năm 77 - 78, anh Thanh tiếp tục nổi tiếng với tranh sơn mài vẽ cá chép vàng. Từ xưa, Việt Nam đã có nhiều họa sĩ vẽ cá chép, với ý nghĩa biểu trưng của sự phú quý. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, rồi làng sơn mài Tân An, Thủ Dầu Một quê anh, cũng có rất nhiều họa sĩ vẽ cá. Song cá chép vàng, với chất liệu sơn ta của anh Thanh sống động như thật và được người tiêu dùng lựa chọn.

“Sản phẩm mới đã có, tên tuổi cũng sẵn, lại được thị trường chấp nhận, nhưng chúng tôi vẫn đang gặp nhiều khó khăn về vốn. Từ trước đến nay chúng tôi chưa bao giờ tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng. Cha mẹ có cho miếng đất, nhưng chưa làm xong sổ đỏ nên không thể thế chấp. Hiện công ty đang tự xoay vốn trong anh em và bạn bè trong hiệp hội để làm, nên không thể nhận làm các đơn hàng lớn, cũng không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất”!

(Nghệ nhân Bùi Văn Thanh)

18 tuổi, anh Thanh rời làng về Sài Gòn thành lập Công ty Sơn mài Thanh Liêm. Sản phẩm của Công ty Thanh Liêm lúc bấy giờ có thế mạnh là tranh rồng và cá chép vàng. Đặc biệt, tranh cá chép vàng của công ty anh tung hoành không đối thủ cả trong và ngoài nước. Nhiều khách hàng nước ngoài sợ mua phải “hàng nhái” nên cứ đòi phải có chữ ký Thanh Long mới mua tranh. Vào thời ăn nên làm ra, Công ty Thanh Liêm có số vốn lên tới vài trăm cây vàng, mấy trăm thợ lành nghề đầu quân và sản phẩm làm ra được xuất đi nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, đến cuối những năm 80, đầu những năm 90, khi khối Đông Âu sụp đổ, sản phẩm của công ty xuất đi bị thất lạc, mất tài sản công ty rơi vào tình trạng đình đốn, rồi “tan đàn xẻ nghé”!

“Mất công ty, tôi buồn đến mức có thể nhảy lầu tự tử, nhưng nhờ lăn lóc cực khổ từ nhỏ nên tôi rèn luyện được ý chí không quá vui khi thành công và biết kiềm chế khi thất bại”, anh Thanh nói. Đem theo vài người anh em tâm phúc, anh Thanh trở về quê, chọn Tương Bình Hiệp - làng sơn mài một thời vang bóng mà từ nhỏ anh đã xem là quê hương thứ hai, để làm lại từ đầu. Lúc này, làng sơn mài Tương Bình Hiệp cũng đang gặp khó khăn do một số người cẩu thả làm tai tiếng uy tín làng nghề, thêm vào đó hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn vào cạnh tranh. Khó khăn chồng chất nhưng để vươn lên, anh Thanh quyết chí tìm hướng đi riêng nhằm tạo sự khác biệt cho sản phẩm sơn mài của cơ sở Thanh Long. Hướng đi riêng mà anh Thanh chọn lựa là thay đổi nguyên liệu truyền thống là cẩn ốc, vỏ trứng… bằng những thứ cây nhà lá vườn sẵn có ở quê hương như tre, vỏ cây bạch đàn, gáo dừa... để tạo hồn cho tranh. Và năm 2005, anh đã sản xuất thành công sản phẩm sơn mài cẩn vỏ cây, tre…

Quyết lấy lại những gì đã mất

Rút kinh nghiệm một thời làng sơn mài Tương Bình Hiệp gặp khó khăn do mất uy tín, kéo theo mất khách hàng, nên trong quá trình gầy dựng lại thương hiệu Thanh Long, anh Thanh thận trọng từng chút một, ở từng khâu, từ tiện xác đến sơn, vẽ, cẩn… Nếu để sản phẩm mới ra đời đã bị bong tróc do va chạm hay thay đổi khí hậu khi xuất sang thị trường các nước trên thế giới, thì chẳng khác nào “tự giết mình”! Ngoài việc trực tiếp vẽ, anh Thanh còn trực tiếp xử lý, chăm chút từng sản phẩm, ở tất cả các khâu thật kỹ lưỡng. Sản phẩm mới do cơ sở Thanh Long làm ra được bạn bè trong giới, hiệp hội ngành hàng đón chào nồng nhiệt. Anh tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia để tạo thêm các sản phẩm hoàn thiện hơn.    Sản phẩm của cơ sở Thanh Long được cấp Bằng chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”

Tiếng lành đồn xa, sản phẩm mới của anh Thanh làm ra được thị trường trong và ngoài nước nồng nhiệt tiếp nhận. Nếu ngày nào sản phẩm cá chép vàng, tranh vẽ rồng của anh sống động bằng sơn, cẩn ốc xà cừ vàng bóng lấp lánh, thì giờ đây các sản phẩm tranh, bàn ghế, bình hoa… của Thanh Long lại có sự sáng tạo độc đáo, vừa lạ vừa quen với các nguyên liệu thô mộc từ tre, mây, vỏ cây, gáo dừa… Thành công với sản phẩm mới, ngoài việc trưng bày hàng tại shooroom ở làng sơn mài Tương Bình Hiệp, anh còn tham gia bán hàng ở các hội chợ trong nước. Đặc biệt, sản phẩm sơn mài cẩn vỏ cây của cơ sở Thanh Long còn được xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Mỹ, với doanh số hàng tháng lên đến vài trăm triệu đồng.

Đánh giá về sản phẩm mới của doanh nhân, nghệ nhân Bùi Văn Thanh, ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc và Sơn mài Bình Dương, cho biết sản phẩm cẩn vỏ cây, tre… của Thanh Long là sự sáng tạo độc đáo. Đây là sự kết hợp giữa truyền thống của ngành sơn mài với vỏ cây, tre và nghệ thuật vẽ để tạo hình, tạo nên vẻ đẹp mới mẻ cho sản phẩm. Sản phẩm mới này là một bước đột phá trong nghề sơn mài, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm sơn mài trong thời kinh tế thị trường.

Mới đây, được Cục Công nghiệp địa phương cấp Bằng chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” cấp khu vực, anh Thanh đã nâng cơ sở Thanh Long lên thành Công ty Bùi Thanh Long. Nhớ lại những ngày thăng trầm đã qua, anh Thanh bùi ngùi: “Đã đến lúc chúng tôi cần cố gắng hết sức để khuếch trương, quảng bá thương hiệu làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Cùng với sự sống lại của làng nghề, sự thăng hoa của các sản phẩm khác của nhiều anh em đồng nghiệp, chúng tôi sẽ làm hết sức để thương hiệu tập thể sơn mài Tương Bình Hiệp ngày càng nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Chúng tôi đang cố hết sức để lấy lại những gì đã mất, cả tiếng tăm và tiền bạc…”.

 BẢO ANH

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên