Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXH DN) hay còn gọi là Chương trình CSR được xem là khái niệm khá mới mẻ với nhiều cơ quan quản lý Nhà nước và DN. Thực tế, qua khảo sát ở Bình Dương, vấn đề TNXH đã được các DN, nhà máy thực hiện từ lâu, có chăng là cách thực hiện hiện vẫn chưa chuyên nghiệp và đồng bộ bởi chính họ vẫn chưa nhận thức nhiều về cái gọi là TNXH DN. Đầu xuân, cùng nhìn lại chặng đường thực hiện CSR của các DN FDI Bình Dương trong năm qua…
CSR theo tiêu chuẩn ISO 26000
Theo một định nghĩa mới nhất, TNXH DN là một quá trình mà theo đó các Công ty tích hợp các vấn đề về xã hội, môi trường và đạo đức vào các hoạt động và chiến lược kinh doanh, với sự tương tác chặt chẽ cùng các bên liên quan; thực hiện trên cả các quy định pháp luật và các thỏa ước tập thể.
Công nhân Công ty King Maker vui chơi, giải trí với các gian hàng trò chơi trong một hoạt động thuộc chương trình CSR 2013
Các chương trình CSR gắn liền với các bên liên quan. Các bên liên quan được hiểu là các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ) trong và ngoài DN; các tổ chức, cộng đồng, cá nhân có tác động đến việc thực hiện TNXH DN như: các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, cộng đồng dân cư, báo chí truyền thông, gia đình của NLĐ hay chuỗi các giá trị như nhà cung cấp, đối tác kinh doanh, khách hàng, đối thủ cạnh tranh...
Chất lượng các chương trình CSR được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn ISO 26000. ISO 26000 sẽ là cơ sở giúp các DN và tổ chức chuyển hóa nguyên tắc thành hoạt động hữu hiệu và chia sẻ tập quán tốt nhất liên quan tới TNXH mà xã hội đang yêu cầu tăng dần.
Khái niệm TNXH DN đã khó hiểu nhưng cách thực hiện, vai trò tiếp cận cũng như cách thực hiện TNXH tại DN mình như thế nào lại là một vấn đề. Theo ông Nguyễn Tuấn Kiệt, một chuyên gia đến từ Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), cách tiếp cận TNXH DN ngày càng quan trọng tới khả năng cạnh tranh của DN, giúp tạo ra giá trị cho cả chủ sở hữu và các cổ đông, đồng thời chiếm được lòng tin và sự tôn trọng của các công dân.
Và việc thực hiện CSR ở DN FDI
Năm 2013, chúng tôi có dịp đồng hành cùng nhiều DN FDI thực hiện một số hoạt động chăm sóc đời sống NLĐ. Thực tế, khái niệm CSR nghe có vẻ lạ lẫm nhưng việc thực hiện TNXH đã được các DN FDI Bình Dương áp dụng từ lâu. Bà Đặng Lê Ngọc Hân, Trưởng phòng TNXH Công ty Esprita VN chia sẻ: “Trong năm 2013, công ty đã tổ chức nhiều chương trình CSR như: Nâng cao vị thế kinh tế - xã hội cho lao động nữ nhập cư, Ngày hội sức khỏe công nhân, dự án “Ruy Băng xanh” - Phát ruy băng xanh cho công nhân mới nhằm nâng cao nhận thức về việc không xả rác bừa bãi, Dự án “Hội đồng Dải băng xanh”- để tiếp nhận những người khuyết tật làm việc tại Esprinta... Ngoài ra, công ty còn tổ chức các hoạt động văn nghệ - thể thao nhằm phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân viên công ty”.
Đề cập về các hoạt động TNXH ở công ty mình, nhân viên y tế Công ty Foster, KCN VSIP II Nguyễn Thị Nguyệt cho biết “Công nhân công ty cảm nhận được sự quan tâm mà Công đoàn và Ban Giám đốc nhà máy dành cho mình. Đó là các chương trình vui chơi, giải trí vào dịp cuối tuần, những bữa ăn sáng được hỗ trợ giá 50% cùng hàng loạt những chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí cho NLĐ, đặc biệt là nữ công nhân”.
Bình Dương hiện có dân số trên 1.700.000 người, trong đó có trên 800.000 lao động nhập cư, trên 225.900 phụ nữ tuổi sinh sản. Với số lao động nữ chiếm tỷ lệ cao như vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho chị em ngày càng phải được quan tâm hơn. Chính vì điều này, Tổ chức Marie Stopes Internatinon (MSI) Việt Nam đã phối hợp với các ban, ngành Bình Dương cho ra đời Dự án 1796 nhằm hướng đến đối tượng công nhân nữ tại các nhà máy. Cuối tháng 12 vừa qua, Tổ chức MSI Việt Nam đã phối hợp với Nhà máy King Maker, KCN VSIP II tổ chức Ngày hội sức khỏe công nhân với các gian hàng lồng ghép các chủ đề tuyên truyền về sức khỏe sinh sản đã đem niềm vui và lợi ích thiết thực cho NLĐ. Bên cạnh đó, Phòng khám nhượng quyền xã hội Blue Star tổ chức tư vấn, khám và điều trị miễn phí cho nữ công nhân tại đây với số lượng trên 1.000 lượt.
Bà Trần Hà Mộng Ngọc, Giám đốc chương trình CSR thuộc tổ chức MSI tại Việt Nam:
1796 là tên gọi tắt của Dự án “Trao quyền và nâng cao vị thế kinh tế - xã hội cho nữ công nhân nhập cư thông qua gia tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng và phù hợp đặc điểm về giới” của tỉnh Bình Dương được thành lập vào tháng 7-2013 được Liên minh châu Âu hỗ trợ tài chính, tổ chức MSI Việt Nam, Trung tâm Sức khỏe cộng đồng và Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Đồng Nai phối hợp thực hiện trong vòng 3 năm, từ 2013 đến 2015. Với dự án này, đối tượng thụ hưởng cuối cùng sẽ là tối thiểu 160.000 công nhân của 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
TÂM TRANG