Người neo giữ “hồn măng” nơi miệt vườn

Cập nhật: 15-05-2020 | 09:02:49

Tôi biết anh Liễu Văn Tài Phú, nông dân xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng tại buổi công bố “Nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Là một trong những nông dân nuôi ý tưởng giữ gìn, phát triển vườn cây ăn quả đặc sản của tỉnh, Tài Phú sẵn sàng đương đầu với khó khăn để neo giữ những cây măng phát triển vững chãi nơi miệt vườn.


Anh Liễu Văn Tài Phú đang chăm sóc vườn măng của gia đình

Sống chết với măng

Nhận lời mời của nông dân Liễu Văn Tài Phú về tham quan vùng cây đặc sản măng cụt Thanh Tuyền nổi tiếng nhất nhì Bình Dương, tôi bán tín bán nghi vì xưa nay Bình Dương nổi tiếng với măng cụt Lái Thiêu, ít ai biết măng cụt Thanh Tuyền. Mặc cho tôi hoài nghi, anh Phú đạp cần khởi động ngọt xớt, chiếc chaly nổ xình xịch xen lẫn giọng nói oang oang của anh: “Lên xe tui đèo, mấy khi từ thành phố về, phải xuống bưng thăm vườn chớ”.

Suốt chặng đường từ UBND xã ra ven sông Sài Gòn, anh Phú rỉ rả bên tai tôi đủ chuyện. Cô em đã nghe chuyện lão nông Nguyễn Văn Tỵ ở Suối Cát tay trắng mà làm nên cơ nghiệp chưa? Mỗi bữa ông lão chỉ dám ăn 3 chén cơm trắng đâm muối ớt, để dành tiền hì hục đào đất, đắp bờ khai phá biền hoang trồng 200 gốc măng cụt. Chăm bón từ ngày măng còn le te sát đất, đến nay lưng đã còng nhưng ông lão vẫn nuôi ước mơ gầy dựng Thanh Tuyền trở thành vùng cây măng đặc sản. Còn ông Cang ở xóm Bưng, con gái ở Sài Gòn cho tiền chữa bệnh ông giấu tiệt để đầu tư vào vườn măng đương mùa thay lá. Nhiều phen chết lên chết xuống, có vụ trắng tay, vợ chồng lục đục mà vườn măng vẫn xanh lá, múi măng nõn nà...

Đương lúc chuyện trò, anh Phú đạp thắng xe cái két dừng lại trên bờ ruộng bé tí chỉ vừa đủ để chiếc xe máy chạy qua, tôi loạng choạng chực té xuống mương nước phủ đầy màu tím hoa lục bình. Chưa kịp định thần, anh Phú đưa cánh tay rám nắng chỉ cho tôi miệt vườn xinh đẹp của xã Thanh Tuyền chạy dọc bờ tây sông Sài Sòn. Xen kẽ trong màu xanh thẫm của vườn măng là màu xanh của hệ thống mương rạch chằng chịt. Anh Phú cất giọng ồm ồm: “Ở Thanh Tuyền có đến 200 hộ trồng măng, trong đó có những vườn măng đã nhiều tuổi mà cuộc sống của người và cây gắn chặt. Nhà tui cũng vậy, người và cây, cây và người quyện vào nhau như câu chuyện cổ tích”.

Theo lời kể của anh, lúc 10 tuổi Tài Phú thích nhất là cây vũ nữ - tên cây măng 15 năm tuổi, thân có 2 nhánh hình lưỡi hái đan vào nhau tựa cái võng. Anh chơi trên cây nhiều hơn chơi trong nhà, lúc đu, lúc vịn, lúc lại vắt vẻo trên cây như người rừng. Có lần thiu thiu ngủ quên trên cây, rớt cái bịch xuống đất gãy chân, cha tức giận vác rựa bửa tới tấp vào cây. Anh chỉ kịp thét lên: “Ba, đừng!!!” rồi lịm dần đi. “Năm ấy vũ nữ bị thương, vết thương ăn sâu vào phần lỏi làm cây mục dần, còn tôi mỗi ngày lê cái chân què theo cha ra vườn, trét mỡ bò cứu chữa vết thương đang làm cây suy yếu”, anh Tài Phú cho biết.

Đang ngẩn ngơ theo câu chuyện, tôi bị anh Phú đập mạnh vào vai, đưa quả măng đã được bẻ đôi, phần ruột măng lồ lộ, trắng tinh khiết tựa như trứng gà bóc. “Người sành ăn, thưởng thức măng Thanh Tuyền sẽ cảm nhận trọn vẹn sự tinh khiết của thiên nhiên và con người đang giao hòa. Măng Thanh Tuyền được coi là đặc sản miệt vườn bởi cái vị ngọt thanh từ phù sa sông Sài Gòn bồi đắp cùng mồ hôi, nước mắt của con người tưới tắm cho cây để trái chín đúng vào lúc nắng tháng 5 gõ cửa. Cái vị ngọt thanh chỉ mới khẽ chạm vào đầu lưỡi mà khắp cơ thể đã rần rật đến tận gót chân cái sự cặm cụi, một nắng hai sương của người nông dân”, anh Phú phân tích về vị măng như một nhà hiền triết.

Tôi ngây ngất cái vị ngọt thanh ấy như ngây ngất câu chuyện của anh Phú chặt bỏ cao su để giữ lấy hơn 100 gốc măng trồng xen đang chết dần vì suy kiệt. Năm 2012, cao su đương thời hoàng kim, nhà trên xóm dưới đua nhau trồng “vàng trắng”. Ấy vậy mà anh Phú tay cầm dao, mắt ráo hoảnh, miệng lẩm bẩm: “Cao su này, cao su này…”. Chỉ trong chốc lát, hàng trăm cây cao su phủ bóng xuống vườn măng còi cọc gãy đổ nằm sóng soài trên mặt đất, mủ tứa ra trắng cả đất. Đồng tiền đi liền khúc ruột, ai mà không xót của, anh bị gia đình, bà con phản ứng. Vụ đầu tiên không thu được trái măng nào, anh đơn độc ôm những thân măng còi cọc khóc như một đứa trẻ bị bắt nạt.

Có bận trời mưa xối xả, nước mương dâng cao ngập vườn, Tài Phú cởi áo ở trần hì hục đào mương, hốt máng để cứu vườn măng. Cũng năm đó, anh Phú phải cầm sổ đất vay tiền ngân hàng mua 100 bao phân bò trộn vi sinh, cải tạo đất. Nhớ lại, Tài Phú không khỏi xót xa: “Rát nhất là mùa thu hoạch cao su, nhiều gia đình cưa măng ung dung mua sắm xe hơi chạy bon bon trong làng, còn tôi thì ôm những thúng măng sường sượng đắng ngắt và một cục nợ gối đầu!”.

Neo giữ “hồn măng”

Ước mơ gầy dựng vườn măng, biến quê hương thành vùng cây ăn quả đặc sản, trong những năm 2010-2012 nhiều gia đình trồng măng ở Thanh Tuyền đã rơi vào cảnh lao đao. Xưa nay việc sản xuất, gieo trồng chỉ dựa trên kinh nghiệm, khiến những người nông dân tôn sùng măng rơi vào thảm cảnh. Vườn của anh Tài Phú cũng nằm trong số đó. Năm 2013 bệnh dịch sâu vẽ bùa, nấm hồng, nấm xanh càn quét tất cả những vườn măng trong thôn. Dù đã làm mọi cách để cứu vườn măng nhưng anh Phú vẫn bất lực đứng nhìn vườn cây dần héo rũ.

Đem chuyện vườn măng bị bệnh kể cho cha là ông Liễu Văn Điển, Tài Phú rưng rưng nước mắt: “Vụ này con trắng tay nữa rồi cha ơi!”. Tài Phú chưa kịp dứt lời, ông Điển đã gằn giọng: “Ai biểu, tao kêu mày chặt măng giữ cao su, mày một mực không nghe chặt cao su giữ măng, giờ thì hái lá mà ăn”. Tài Phú ấp úng: “Cha cho con đi tập huấn VietGAP trên huyện, mấy anh ở trển sẽ có cách trị”. Tài Phú chưa dứt lời ông Điển đã quát: “Mày nói chuyện gàn bậy, xưa nay làm nông cần kíp là học kinh nghiệm, mấy cha kỹ sư nông nghiệp chưa biết chân lấm tay bùn là gì lại bày chuyện tập huấn, vào tổ này nhóm kia chỉ cực thân họp hành. Tao kêu chục tấn vôi về rải trắng vườn cho tiệt sâu xoăn lá. Mày đi đi, tao chặt ráo vườn măng”. Đêm hôm ấy, Tài Phú trằn trọc đến tận canh 3 để lại cho ông Điển mẫu giấy với dòng chữ: “Xin cha đợi con về”.

Sáng hôm sau, Tài Phú bắt xe lên huyện học tập kinh nghiệm VietGAP cũng là lúc hàng trăm gốc măng trong vườn phủ trắng vôi bột. Năm ấy, ông Điển bỏ ra cả trăm triệu đồng nhưng mùa thu hoạch mất cả chì lẫn chài, măng ra hoa nhưng không chịu đậu trái, cây suy kiệt, héo rũ nhiều hơn. Một lần nữa ông lại hận cây măng, vác rựa chặt măng rồi ngửa mặt lên trời mà rằng: “Măng này, cả đời này tao hận mi”. Vườn măng tang hoang sau cơn giận “nổi trận lôi đình” của ông Điển, những vết thương ngang dọc trên thân cây xù xì ứa ra những giọt nước đỏ sền sệt như máu!

6 tháng sau, Tài Phú trở về, áp dụng kiến thức đã học, vay vốn ngân hàng chính sách, bỏ ra 3 năm cải tạo vườn măng dựa trên quy trình sản xuất VietGAP. Mỗi ngày, Tài Phú đều ra vườn lấy sổ ghi ghi, chép chép rồi cất cẩn thận trước ánh mắt dò xét của ông Điển. Sau vài vụ thu hoạch theo quy trình VietGAP đạt năng suất, ông Điển và Tài Phú lại thủ thỉ bên tách trà, tâm đầu ý hợp như đôi bạn tri kỷ. “Cây bị nấm hồng, nấm xanh thì trị bằng vôi bột trộn sunphát, sau khai rãnh thoát nước, giảm độ ẩm vườn cây. Nếu bị sâu vẽ bùa tấn công thì đợi ra đọt non phun nhẹ dầu khoáng khí hay dùng chiêu thả kiến vàng “điệu hổ ly sơn” là OK”, ông Điển ra vẻ rành rẻ sau khi học được kiến thức về cây măng từ Tài Phú.

Năm ngoái, UBND huyện Dầu Tiếng tổ chức lễ công bố “Nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp, ông Điển cầm tờ giấy chứng nhận có tên anh Liễu Văn Tài Phú và 12 nhà vườn khác đi khoe khắp xã. Vụ thu hoạch vừa rồi, vườn măng của Tài Phú đạt năng suất, anh động viên ông Điển đăng ký đi du lịch nước ngoài, ông cười khà khà, nói: “Nông dân mắt toét mà đi du lịch bây. Sớm mai hai cha con cùng xuống xóm dưới động viên ông Bảy, bà Nghía tham gia VietGAP”.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên