Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển hơn 1 thế kỷ,
Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An vừa là mái trường vừa là gia đình
chung của bao lớp học sinh khiếm thính. Từ đây, bằng tình yêu thương và công việc
thầm lặng đầy kiên nhẫn của đội ngũ những thầy cô giáo, các em đã được trang bị
kiến thức, kỹ năng để hòa nhập cuộc sống. Để truyền đạt kiến thức
cho các em khiếm thính đòi hỏi ở người giáo viên rất nhiều sự kiên nhẫn
Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An hiện có 69 giáo viên, nhân viên nuôi dạy và chăm sóc 350 học sinh khiếm thính, gồm khối mầm non và trung học cơ sở. Nội dung giảng dạy cũng là nội dung theo chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục - Đào tạo nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với các em. Riêng khối mầm non do chưa có giáo trình nên trung tâm phải tự biên soạn để dạy cho các em. Cô Trịnh Thị Đào, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, vài năm trở lại đây trung tâm đã triển khai thêm chương trình Can thiệp sớm. Kết quả đã có nhiều em đi học hòa nhập tốt. Can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật là phát hiện và chẩn đoán càng sớm càng tốt khuyết tật của trẻ để sớm có những chỉ dẫn ban đầu và các dịch vụ dành cho trẻ và gia đình trẻ khuyết tật, nhằm kích thích và huy động sự phát triển tối đa ở trẻ, tạo điều kiện và chuẩn bị tốt cho trẻ tham gia vào hệ thống giáo dục bình thường và cuộc sống sau này.
Mặc dù công việc nơi đây có nhiều khó khăn nhưng bằng tình thương và lòng yêu nghề nên phần lớn đội ngũ giáo viên, nhân viên ở đây đã có hàng chục năm gắn bó với nghề. Các giáo viên ở đây cho biết, giáo dục các em khiếm thính, thầy cô gặp rất nhiều khó khăn, nếu như dạy một học sinh bình thường khó một thì để các em khiếm thính tiếp thu được khó gấp trăm lần, vì ở mỗi em có mức độ tiếp thu chênh lệch nhau rất xa, mà khó khăn nhất là vấn đề hiểu nghĩa từ. Dạy các em học từ cụ thể thì dễ nhưng những từ trừu tượng thì rất khó, nên thời lượng một tiết dạy cho
các em cũng nhiều hơn trẻ bình thường. Trong quá trình giảng dạy cứ 3 tháng các cô phải làm báo cáo nhận xét đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm biện pháp khắc phục những khó khăn để công tác nuôi dạy các em ngày càng được tốt hơn. Ngoài ra, trung tâm còn có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc các em. Việc chăm sóc cho các em cũng gặp không ít khó khăn vì phải thường xuyên theo dõi sát sao các em để nắm bắt phát hiện kịp thời tình trạng sức khỏe, bệnh tật của các em.
Cô Trần Thị Vàng, giáo viên đã có gần 30 năm gắn bó với nghề tâm sự, mặc dù chịu nhiều áp lực trong công việc như thế nhưng các cô càng thương các em nhiều hơn vì các em đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Và cũng như bao nhiêu người làm nghề giáo, niềm vui lớn nhất của các cô là khi thấy các em tiến bộ, chăm ngoan và nhất là trang bị được cho các em những kỹ năng sống hòa nhập, mà khi ra trường các em có thể tổ chức được một cuộc sống tự lập. Thực tế, từ đây nhiều trẻ em khuyết tật đã hòa nhập với cộng đồng, không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn thành đạt trong cuộc sống. Có nhiều em được báo chí nêu gương là điển hình vượt khó vươn lên thành đạt trong cuộc sống. Đó chính là niềm tự hào của các thầy cô ở đây vì khi đó mọi người biết rằng các em được nuôi dạy từ trung tâm này. Cô Đào tâm sự, các cô ở đây vẫn dõi theo khi các em đã ra trường, khi gặp vấn đề gì ngoài đời, các em và phụ huynh cũng về đây để cùng chia sẻ. Vào cuối mỗi năm học, trung tâm có một ngày truyền thống để các em học trò cũ trở về cùng ăn bữa cơm, trò chuyện, thăm hỏi về cuộc sống của các em ngoài đời. Niềm vui lớn nhất của các cô là thấy các em trưởng thành, lập gia đình, có cuộc sống ổn định. Mỗi một em sống hòa nhập tốt, sống có ích cho xã hội là một niềm tự hào của trung tâm.
Bằng tình thương, lòng yêu nghề các thầy cô ở đây vẫn đang từng ngày, từng giờ kiên trì làm công việc thầm lặng nhưng cao quý của mình để mang lại cho các em, những người không may bị khuyết tật có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
ĐỨC LÊ