Người thổi sáo bằng mũi duy nhất Việt Nam

Cập nhật: 11-04-2010 | 00:00:00

Trong những đêm khuya thanh vắng, điệu "khùi xì mờ" (hay còn gọi là "mời trăng") lại réo rắt vang lên bên bờ suối Nhầy (Châu Quế Thượng, Văn Yên, Yên Bái).

Bài hát của dân tộc Xá Phó (người Phù Lá) hòa với âm điệu độc đáo của cây sáo Cúc Kẹ cứ trong veo như nước suối, mát lành như cơn gió đại ngàn…

 

Bà Đặng Thị Thanh (ở Châu Quế Thượng) tự hào là người cuối cùng của dân tộc Xá Phó biết thổi loại sáo mũi này. Hơn 30 mùa nương đã qua, cũng chừng ấy năm tháng bà Thanh gắn bó với cây sáo thiêng của dân tộc. Tiếng sáo giờ đây đã bay xa, không chỉ đem lại niềm vui cho hơn 30 nóc nhà sàn ở Châu Quế Thượng, mà lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc Xá Phó-dân tộc duy nhất có loại sáo mũi độc đáo này.

 

Bà Thanh thường ra bờ suối Nhầy gần nhà để thổi sáo.

 

Rong ruổi mãi trên những cung đường khó, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản làng của những người Xá Phó nằm chênh vênh bên sườn núi. Mới đến đầu bản, âm điệu réo rắt của tiếng sáo đã nghe như mời gọi. Bà Đặng Thị Thanh đang dạy cho những cô học trò trong bản cách thổi loại sáo mũi độc đáo của dân tộc. Mời khách chén nước lá nghi ngút khói, bà nhìn ra con suối Nhầy trước nhà, ánh mắt xa xăm: "Lửa cháy rồi sẽ tắt, nhưng nhất định không thể để tiếng sáo Cúc Kẹ mai một đi. Không còn sáo, người Xá Phó cũng mất đi một mảnh hồn, một báu vật thiêng liêng".

 

Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Vào một đêm giông tố cách nay hàng thế kỉ, cụ tổ của cây sáo Cúc Kẹ vào rừng kiếm cái rau, săn con thú. Bỗng dưng, sấm nổ rền vang, mưa lớn trút xuống ào ào như thác lũ, bầu trời đang sáng trăng bỗng vần vũ mây đen. Sợ quá, cụ tổ liền trú chân dưới một khóm nứa. Bỗng từ đâu phát ra một âm thanh rất lạ. Ngước nhìn lên rặng nứa trước mặt, cụ tổ thấy âm thanh đó phát ra từ lỗ thủng duy nhất trên thân một cây nứa. Cùng lúc đó, giông tố cũng biến mất, mưa không còn nặng hạt, mây đen cũng tan dần nhường chỗ cho đêm trăng sáng. Thấy sự lạ, cụ tổ liền chặt đoạn nứa mang về, dạy cho dân bản biết thổi sáo. Cụ tổ nói với lũ làng: "Cây sáo này Thần Nứa ban cho dân làng, mang nó sẽ tránh được mọi điềm xấu, mọi rủi ro".

 

Cũng từ đó, đời nọ truyền đời kia, cây sáo Cúc Kẹ gắn bó với người Xá Phó như một báu vật linh thiêng. Trong những mùa nương, những ngày lễ... đều không thể thiếu được tiếng sáo vi vu. Do loại nhạc cụ này được thổi bằng mũi, lại có yêu cầu cao, phức tạp về cách thổi nên rất ít người của dân tộc Xá Phó biết thổi, thổi thành thạo lại càng hiếm. Thông thường, mỗi đời hoặc khuyết một đời mới có một người biết thổi. Dân làng cho rằng, những người thổi được loại sáo này đã được Thần Nứa tuyển chọn, ngài ưng cái bụng nên mới cho năng khiếu thổi hay, thổi giỏi.

 

Đưa tay lấy cây sáo vẫn đặt nghiêm trang trên bàn thờ tổ tiên, bà Thanh giới thiệu: "Mỗi cây sáo có độ dài chừng 60cm, được chọn từ đoạn kẹ cây nứa. Cây nứa thẳng, chắc, một đầu kín, một đầu thủng và hoàn toàn không có một lỗ chỉnh âm nào. Khi thổi đưa đầu sáo lên mũi, hơi mũi của người thổi sẽ quy định nên âm điệu của tiếng sáo. Người thổi sáo cũng phải kiêng 3 tháng: 10, 11, 12. Đó là những tháng mùa đông giá rét. Vì theo truyền thuyết, trong 3 tháng đó Thần Nứa không cho phép, nếu làm sáo hoặc thổi sáo sẽ gặp nhiều ốm đau, bệnh tật. Cũng vì lẽ đó mà 3 tháng dài mùa đông, tiếng sáo tắt lịm trên nương".

 

Cây sáo mũi đã gắn bó với người Xá Phó hàng thế kỉ, trở thành báu vật linh thiêng của dân tộc. Biết bao mùa nương đã qua, bao đêm trăng đã sáng, điệu sáo mũi lại réo rắt vang lên thấm vào đồi núi, vào nếp sống, nếp nghĩ của tộc người ít ỏi sinh sống trên mảnh đất này.

 

Cho đến nay, trên cả nước, những nghệ nhân dân gian như bà Thanh có thể thổi điệu nghệ sáo Cúc Kẹ rất hiếm hoi. Dẫn chúng tôi thăm nhà, bà Thanh cười lớn: "Hơn 30 năm gắn bó với sáo, con người mình cũng mang một phần hồn của sáo, cây sáo cũng mang một phần hồn người. Báu vật này đã cùng tôi đi khắp mọi miền đất nước, sang cả những đất nước xa xôi".

 

Hàng chục giải thưởng, bằng khen được treo trang trọng trên bức tường đất đã thủng lỗ chỗ vì thời gian. Căn nhà mái lá xiêu vẹo bên bờ suối như được thổi thêm sinh khí. Bà Thanh hồi tưởng kí ức, đôi mắt long lanh những niềm vui: "Ngày ấy, trong một đêm đi trông nương, ngủ lại trên rừng, tôi bỗng nghe thấy âm thanh vi vu, da diết vang lên trong đêm khuya tĩnh lặng. Tiếng sáo ấy như có ma lực, cứ kéo tôi đi. Tôi bước qua những con đường mòn trong đêm tối, tay phát cây rừng mà đi, đến một căn chòi nhỏ thấy cụ Bơ Thị Bà đang ngồi thổi sáo. Thấy tò mò, tôi xin cụ dạy thổi sáo".

 

Được sự đồng ý của cụ Bà, ngày nào cô gái trẻ Đặng Thị Thanh cũng ngồi trên nương, quên công việc đồng áng, say mê cây sáo. Cô học thổi hết những bài hát của dân tộc mình, học thêm cả cách thổi kèn ma nhí.

 

Đến năm 16 tuổi, lần đầu tiên cô gái trẻ xa nhà lên khu gang thép Thái Nguyên biểu diễn một làn điệu của dân tộc mình. Cũng từ đó, tiếng sáo bay xa, cây sáo Cúc Kẹ đã giúp bà Thanh giành được giải A trong liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam, đi biểu diễn tại Pháp, Liên Xô (cũ) và được công nhận là nghệ nhân dân gian. Bà nói: "Giải thưởng với tôi đã quý, vì cố gắng, nỗ lực của bản thân đã được công nhận. Nhưng quý hơn tất cả, đấy là việc tiếng sáo đã đi xa, không chỉ có dân tộc Xá Phó biết đến, mà những người Tày, Dao, Mông cũng biết đến... Cả nước đã biết đến vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc mình. Đấy là giải thưởng to lớn nhất mà tôi hằng mong đợi hơn 30 năm qua".

 

Giờ đây, cô gái trẻ say mê điệu sáo Cúc Kẹ đã có tuổi, mái đầu đã bạc, tâm tư  đau đáu một nỗi niềm: "Người mất đi thì sáo cũng mất. Làm sao để truyền dạy cho thế hệ sau được biết, để tiếng sáo vẫn đêm đêm vang lên trên đỉnh Châu Quế Thượng này". Nghĩ là làm, bà Thanh đang hướng dẫn 3 người học trò thổi sáo. Bà lấy đó làm niềm vui của tuổi già. "Được nhìn lũ trẻ say mê những điệu nhạc, tuy thổi âm điệu chưa thật hay, cái tay cầm sáo vẫn còn ngượng, nhưng tôi thấy mình như sống lại một thời tuổi trẻ. Nghĩ đến tương lai không xa, tiếng sáo còn được nhiều người biết đến, nhiều người biết thổi là vui lắm rồi", bà Thanh hồ hởi.

 

Giờ đây, bà Thanh vẫn đêm đêm thổi sáo. Dù bà bận bịu với công việc gia đình, những mối lo toan vụn vặt của đời sống hàng ngày nhưng chưa đêm nào, bản làng Xá Phó mất đi tiếng sáo. Những đêm sáng trăng, tiếng suối Nhầy vẫn chảy róc rách, hòa cùng tiếng sáo Cúc Kẹ như một âm điệu đầy say mê, lôi cuốn "đêm khuya trăng tàn, tiếng gió vi vu đã lặng im, chỉ còn tiếng sáo cất lên như mạch suối rừng. Những con chim, và thú rừng hãy lặng im..". Điệu "khùi xì mờ" của người Xá Phó lại vang lên...

 

Theo Gia Đình

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên