Người Việt dùng hàng Việt: Cần một chiến lược ổn định!

Cập nhật: 21-11-2009 | 00:00:00

Ông Lê Văn Chính: "Người tiêu dùng yêu nước khi cầm một sản phẩm trên tay nên xem chỉ số "hàm lượng Việt" để mà cân nhắc trước khi quyết định mua".

Ông Lê Văn Chính: "Người tiêu dùng yêu nước khi cầm một sản phẩm trên tay nên xem chỉ số "hàm lượng Việt" để mà cân nhắc trước khi quyết định mua".

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết bên cạnh các vấn đề như doanh nghiệp (DN) trong nước cần nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đưa hàng Việt về nông thôn... cần phải có thời gian. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp một số người trong cuộc để lắng nghe chúng ta cần phải làm gì và nên bắt đầu như thế nào để thực hiện thành công chương trình này...

Thế nào là hàng Việt?

Câu hỏi này không dễ có ngay câu trả lời. Ông Lê Văn Chính, nguyên Phó Giám đốc Liên doanh Viettronics Tân Bình, hiện là cố vấn kỹ thuật cho Công ty Điện tử Sơn Ca, đặt vấn đề: “Bia Tiger của nhà máy bia Việt Nam ở Hóc Môn, bột ngọt Vedan sản xuất tại Đồng Nai có phải là hàng Việt Nam không? Rồi máy tính thương hiệu Việt Elead, CMS có phải là hàng Việt Nam không? Gạo Nàng Hương từ Long An, kẹo dừa từ Bến Tre có phải là hàng thuần Việt không? Nước mắm nhãn hiệu “Phú Quốc” do Thái Lan sản xuất có phải là hàng Việt Nam không? Giày Nike từ nhà máy Samho ở Củ Chi có phải là hàng Việt Nam không?...

“Bia Tiger, bột ngọt Vedan là thương hiệu ngoại nhưng sản xuất tại Việt Nam phần lớn công đoạn, đóng thuế cho Việt Nam, sử dụng nhiều nhân lực, vật lực Việt Nam. Máy tính thương hiệu Việt lắp ráp đơn giản tại Việt Nam, nguyên vật liệu nhập khẩu hoàn toàn, hàm lượng Việt Nam rất thấp. Gạo Nàng Hương nói cho cùng không phải thuần Việt vì vẫn phải sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, bao bì... nhập khẩu. Thương hiệu Việt nước mắm Phú Quốc sản xuất tại Thái Lan chẳng có chút hàm lượng Việt nào. Giày Nike từ chủ đầu tư đến vật liệu, công nghệ từ nước ngoài nhưng đem lại việc làm cho 85.000 công nhân Việt Nam... Đã đến lúc chúng ta không thể dễ dãi khi gọi tên một sản phẩm là “hàng Việt Nam” mà bắt buộc phải tìm hiểu “hàm lượng Việt Nam” trong loại hàng hóa đó”, ông Lê Văn Chính biện giải.

Từ lập luận trên, ông Lê Văn Chính cho rằng ngay lúc này, cơ quan quản lý Nhà nước đến các hiệp hội cần nhanh chóng có cách để nêu được “chỉ số hàm lượng Việt” trong mỗi sản phẩm để người Việt thực thi lòng yêu nước của mình. “Trong những thí dụ nêu trên, chỉ số hàm lượng Việt của những sản phẩm gạo, nông sản, dầu thô là khá cao. Kế đến là nhóm sản phẩm có nhà máy quy mô, nhiều nhân vật lực Việt như thực phẩm chế biến... Kế tiếp là nhóm gia công như xe Honda, giày Nike. Nghèo hàm lượng Việt nhất là các sản phẩm mang thương hiệu Việt nhưng do nước ngoài sản xuất như nước mắm Phú Quốc sản xuất tại Thái Lan, máy tính thương hiệu Việt nhập khẩu 100% và các hàng điện máy “mua về dán nhãn”. Người tiêu dùng yêu nước khi cầm một sản phẩm trên tay nên xem chỉ số “hàm lượng Việt” để mà cân nhắc trước khi quyết định mua”, ông Lê Văn Chính nói.

Rõ ràng để tin cậy!

Cách đây 37 năm, tức vào năm 1972, một mẩu quảng cáo khá độc đáo xuất hiện nguyên trang trên các nhật báo thời đó: “Mua một chiếc xe La Dalat, bạn đã giúp cho bốn công nhân Việt Nam có việc làm...”. Vào thời điểm mà chiếc Toyota 800, Honda 360 chỉ mới ngấp nghé bước vào thị trường Việt Nam thì nhãn hiệu xe hơi nội hóa mang cái tên “La Dalat” đã có chỗ đứng khá vững trong lòng người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Người ta vẫn không quên dáng dấp chiếc xe vuông vức, góc cạnh (có lẽ do công nghệ dập uốn còn sơ khai) chạy máy Citroen gắn ở bánh trước. Không ai thắc mắc mức độ “thuần Việt” của chiếc La Dalat và người dân hoàn toàn tự tin về một nền tảng khởi đầu của công nghiệp chế tạo xe hơi Việt Nam. Và, chính sự tự tin này của công chúng mà từ 25% nội địa hóa năm 1970, xe La Dalat đã nâng dần tỷ lệ nội địa hóa đến 40% vào năm 1975.

Kết quả cuộc thăm dò bỏ túi 100 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM (70 người) và Hà Nội (30 người) về quan điểm tiêu dùng của họ đối với hàng Việt Nam, do báo Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện từ 15-10 đến 15-11, vừa công bố có nhiều điều cần suy ngẫm. Nói như Jon Dillingham, người Mỹ, 25 tuổi thì việc chọn mua hàng có hai tiêu chí rõ ràng: Một là, mua những thứ sản xuất tại địa phương đáng tin, mua hàng được sản xuất ở gần mình nhất thì giá cả hàng hóa sẽ rẻ hơn, vì không phải trả những chi phí đóng gói, vận chuyển, thuế và chi phí quảng bá. Điều này còn giúp bảo vệ môi trường. Hai là, không phải những gì các mẫu quảng cáo nói đều đúng. Người tiêu dùng nước ngoài tại Việt Nam thường mua những thứ đáp ứng nhu cầu và phù hợp sở thích, không vì thấy người khác dùng mà mình cũng mua dùng.

Jon Dillingham nêu thắc mắc, mỗi lần phải đi mua gạo, anh thường mua gạo sản xuất ở Long An hoặc miền Tây. Anh cho rằng thật vô lý khi Việt Nam trồng được gạo, lại thấy người Việt Nam mua gạo trồng từ Thái Lan hay Đài Loan. Một điều khác anh cũng lấy làm lạ khi thấy nhiều người thích “công nghiệp hóa sản phẩm nông nghiệp”. Theo anh, điều này chỉ khiến chất lượng sản phẩm hàng hóa giảm đi vì khi công nghiệp hóa sản phẩm nông nghiệp, người ta sẽ đưa nhiều hóa chất vào, sản phẩm sẽ không còn tự nhiên nữa. Ngoài ra, Jon Dillingham rất thích uống xá xị của Chương Dương. Tuy nhiên, anh chỉ mua được sản phẩm này ở một vài nơi bán ngoài đường hoặc tiệm tạp hóa, nhiều khi anh vào các quán nước lớn, gọi xá xị Chương Dương không có, người bán lại mang ra xá xị của... Pepsi!

Kết quả thăm dò của báo Sài Gòn Tiếp Thị, ghi nhận ý kiến rất đáng để các nhà sản xuất và bán lẻ Việt Nam tham khảo: Một trong những khó khăn mà cô Karen Amber, người Mỹ gặp phải là cô khó nhận biết nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa bán tại các cửa hàng. Khi hỏi chủ hàng hoặc người bán, một là họ không biết, hai là họ không nói thật. Cô từng mua nhiều món hàng không vừa ý, đành phải bỏ đi chứ không mang trả lại được. Cô cũng không hiểu vì sao nhiều món hàng của Việt Nam được gói quá nhiều lớp, khi dùng phải bỏ rác nhiều, không tốt cho môi trường.

Nên bắt đầu từ đâu?

Nhà sử học Dương Trung Quốc, kể: Cách đây dăm năm, cá ba sa của nước ta đang bị thị trường Hoa Kỳ gây sự, mà suy cho cùng là những người nuôi cá bên kia Thái Bình Dương tìm cách gây sức ép với chính phủ nước họ dùng hàng rào thuế quan và pháp lý để ngăn cản cá từ đồng bằng Nam bộ nước ta “lội” sang làm tổn hại lợi ích của họ, cho dù nó mang lại cho bàn ăn của người Mỹ một thức ăn ngon, rẻ hơn cá bản địa. Không lẽ chính phủ họ chỉ bảo vệ người sản xuất mà ít quan tâm đến người tiêu dùng! Vì thế mà hội tiêu dùng của họ lại trở thành đồng minh với ta trong cuộc tranh đấu cho con cá ba sa Việt Nam trở lại với bàn ăn của người Mỹ. Hỏi kỹ thì người ta giải thích rằng, những người nuôi cá bên Mỹ họ ép nghị sĩ rồi nghị sĩ ép chính phủ phải vào cuộc...“Hồi đó, nghĩ ngợi về chuyện này, mình cứ băn khoăn tự hỏi tại sao mình vẫn chưa bao giờ được ăn loại cá này cho dù nó được nuôi đại trà ngay trên đất nước mình. Đến một quán ăn, thấy trong thực đơn có món cá sa ba, nghĩ tưởng chỉ là lỗi chính tả. Gọi món thì té ra đây lại là loại cá nhập từ Nhật Bản, ăn cũng ngon nhưng giá không rẻ chút nào. Như thế có nghĩa là con cá ba sa ngay từ khi được nuôi nó đã được cấp visa để xuất ngoại rồi, cho dù nó cũng chẳng phải “sơn hào hải vị” mà cũng chỉ là một thức ăn bình dân. Khi đó tôi có viết một bài báo “chê” dân Mỹ dại không chịu ăn thì tại sao ta không để cho dân mình hay dân các nước khác ăn. Bây giờ thì những người nuôi cá ba sa đã tìm ra nhiều thị trường ngoài nước Mỹ, nhưng dường như vẫn chưa thật phổ biến trên mâm cơm nước mình!”. Ông Dương Trung Quốc nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng mặc dù đến nay câu khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã trở thành một định hướng đang được xã hội quan tâm, song một khi cá basa chưa thật phổ biến trên mâm cơm nước mình, có lẽ đông đảo dư luận đã vào cuộc nhưng có vẻ chưa biết bắt đầu từ đâu...

“Có lần, một cử tri khi bàn về chủ đề này đưa ra một ý nghĩ tựa như một lời chất vấn: Nếu các nhà lãnh đạo chấp nhận chỉ chữa bệnh trong nước và cho con em mình học trong nước thì chắc chắn nền y tế và giáo dục trong nước sẽ chấn hưng? Do vậy, nếu quý vị ấy mà sẵn sàng sử dụng hàng nội thì chắc chắn hàng nội sẽ lên ngôi”, ông Dương Trung Quốc đặt vấn đề cho một lý giải nên bắt đầu từ đâu?

“Nhiều sản phẩm Việt Nam tiêu thụ được ở châu Âu, Hoa Kỳ nhưng thị trường nội địa lại bị bỏ ngõ cho hàng Trung Quốc, Thái Lan... Thực tế này có phần do khiếm khuyết về chính sách thị trường và chưa có một chiến lược quốc gia cho hàng Việt. Nói một cách khác, thị trường trong nước và xuất khẩu gắn bó hữu cơ với nhau, nhưng chúng ta mới chỉ có chiến lược cho hàng xuất khẩu, chưa có chiến lược cho thị trường nội địa”, ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư TP.HCM (ITPC), nhận xét.

THẢO VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên