Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Mẫu mã + giá cả + chất lượng = ưu tiên

Cập nhật: 22-10-2010 | 00:00:00

Thử làm một cuộc thăm dò ý kiến dưới dạng điều tra xã hội học trong phạm vi nhỏ nhưng vẫn phong phú với đầy đủ các thành phần là sinh viên, học sinh, công nhân, công chức, người nội trợ... với nội dung về yêu cầu đối với hàng Việt, điểm chung rõ nhất vẫn là: mẫu mã + giá cả + chất lượng. Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, đòi hỏi này là một yêu cầu thiết thực đối với người tiêu dùng (NTD) và cũng là điều lưu ý cho các doanh nghiệp (DN) nội địa.

Tiến hành câu hỏi đối với 10 NTD với nội dung: theo bạn, hàng Việt cần làm gì để thu hút khách hàng và cạnh tranh với hàng ngoại? Có một số câu gợi ý trả lời như: mẫu mã đẹp hơn, chất lượng bảo đảm hơn, chế độ hậu mãi, quảng cáo tiếp thị nhiều hơn, giá cả hợp lý hơn, phát triển kênh phân phối... Thống kê từ sổ ghi chép phóng viên cho thấy có 8 người đặt vấn đề về mẫu mã, giá cả và chất lượng; 1 người đặt vấn đề cần quảng cáo tiếp thị nhiều hơn, giá rẻ hơn và một người đề nghị cần phải có tất cả các yếu tố nói trên. Một cuộc thăm dò ý kiến độc lập, ngẫu nhiên, không có mục đích để phục vụ cho một báo cáo nào bởi chưa đủ điều kiện, khả năng. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề khá lý thú và có thể tích cóp một vài ý kiến phục vụ cho bài viết mang tính tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị đã phát động.

 

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn thu hút đông người tiêu dùng mua sắm

Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân (CN) Công ty Yazaki Eds (Dĩ An) cho biết, CN như tụi em thì thường ưu tiên số một cho tiêu chí giá rẻ, sau đó mới đến mẫu mã và chất lượng. Thủy phân tích, hiện nay thu nhập bình quân của một CN khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng và phải chi phí thường xuyên cho các khoản cố định là nhà trọ, ăn uống, rồi tiếp đến mới là nhu cầu mặc và các sinh hoạt đời thường khác. Vì thế, số tiền dư hàng tháng là không lớn nên khi đi mua sắm luôn phải chú ý đến các mặt hàng giá rẻ, có khuyến mãi mà chưa chú trọng đến sản phẩm đó là của nội địa hay nước ngoài. Ví dụ như khi đi mua mặt hàng nước rửa chén, Thủy thường mua nguyên cả một can nhựa từ 1 hoặc 2 lít để dùng với giá rất rẻ, khi xài lại được lâu nên tính ra giá chỉ bằng 2/3 các loại nước rửa chén có thương hiệu khác. Trong khi đó, NTD như Thủy lại ít quan tâm đến tính độc hại trong chất tẩy được pha thành can như vậy, nếu dùng lâu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Còn sinh viên Hoàng Thị Yến, trường Đại học Bình Dương thì chia sẻ: Em có nghe, đọc khá nhiều về chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thông qua báo, đài và cũng đã nhận thức được ý nghĩa của cuộc vận động này. Tuy nhiên, khi tự mình trang trải cuộc sống xa nhà với một số tiền không nhiều của gia đình cung cấp thì khi mua sắm vẫn phải đắn đo trước sau. Có hôm Yến tìm đến siêu thị mua một chiếc máy cassette mini để học tiếng Anh và nghe nhạc cho đỡ buồn. Tham quan hết tất cả các hãng cuối cùng đành phải chấp nhận mua một chiếc máy có xuất xứ “Made in China” vì nó phù hợp với túi tiền và có đầy đủ chức năng, mẫu mã lại đẹp mặc dù nghe nói chất lượng không được bảo đảm. Mặt hàng điện tử thường có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, của Việt Nam hầu như rất ít, còn của các hãng như Sony, Toshiba... thì giá cả lại khá cao đành chấp nhận, Yến tâm sự.

Không được biết nhiều về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như sinh viên Yến, anh CN Nguyễn Văn Hùng, Công ty Nhựa Tiền Phong lại tự mình đi mua sắm một chiếc tivi có thương hiệu Việt - SAM để phục vụ nhu cầu giải trí khi rảnh rỗi. Khi được hỏi vì sao lại chọn SAM, Hùng trả lời rất thực tế: rẻ + đẹp + chất lượng khá và có chế độ bảo hành tốt. Sau khi thăm dò giá cả, mẫu mã các loại tivi tại một số cửa tiệm, Hùng đã quyết định “dùng hàng Việt” mà vô tình không hề biết rằng, nếu người Việt nào cũng có tinh thần dùng hàng Việt thì sẽ góp phần đưa DN trong nước từng bước mạnh lên, cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài trước hết là trong thị trường nội địa.

Một số NTD khác cho rằng, để người Việt sử dụng hàng nội địa nhiều hơn thì trước hết phải là ý thức của DN, sau đó mới đến ý thức của NTD. DN cho ra sản phẩm thì phải tính đến phân khúc thị trường cao cấp, trung cấp hay cấp thấp, trong nước hay ngoài nước để nghiên cứu thị hiếu và phục vụ nhu cầu mua sắm. Với thị trường Việt Nam, NTD có thu nhập trung bình và thấp chiếm đa phần, vì thế những sản phẩm cho ra thị trường này trước hết phải tính đến giá cả, sau đó là mẫu mã và chất lượng đi kèm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, công tác quảng bá sản phẩm và tiếp thị tận nơi, đúng cách sẽ là một giải pháp quan trọng để người Việt tin dùng hàng Việt nhiều hơn. Minh chứng cho điều này là trong thời gian gần đây, nhiều chương trình như hội chợ thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn... đã thu hút rất đông NTD nội địa tiêu thụ hàng trong nước. Việc phân bổ các đại lý phân phối và chế độ hậu mãi, khuyến mãi cũng là một mắt xích không thể thiếu trong guồng quay đưa hàng Việt đến tay người Việt.

KỲ TÂN

Một thống kê thăm dò ý kiến của NTD đối với hàng Việt trên trang “dunghangviet” của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), tính đến thời điểm 15 giờ 30 ngày 20-10 cho thấy như sau: trong tổng số 993 ý kiến thì yêu cầu cần nhiều mẫu mã, bao bì chiếm hơn 14,6% (145 phiếu); Cải thiện chất lượng hơn 26,79% (266 phiếu); Phát triển kênh phân phối hiệu quả hơn 15,11% (150 phiếu); Quảng cáo, tiếp thị rộng rãi hơn 16,82% (167 phiếu); Cần được Nhà nước hỗ trợ, bảo hộ 8,16% (81 phiếu); Giá thành hợp lý hơn 16,72% (166 phiếu); thứ khác chiếm 1, 81% (18 phiếu). 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên