Nguồn cung hàng hóa đầy đủ, thị trường ổn định

Cập nhật: 31-03-2020 | 09:08:55

Cùng với cả nước, trong khoảng 2 tuần tới, người dân Bình Dương phải sống khác hơn, đơn giản, tiết kiệm và hạn chế tối đa ra đường khi không cần thiết… Vì vậy, trong 2 ngày cuối tuần qua có rất nhiều người dân đến siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống để mua đồ tích trữ. Sức mua tăng 40% so với bình thường.

Nhân viên siêu thị Co.opmart Bình Dương bổ sung hàng vào các quầy kệ để phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng

Sức mua tăng

Sau yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ từ ngày 28-3 đến hết 15-4 cho giai đoạn quan trọng chống dịch bệnh, hiện tượng người dân Bình Dương cấp tập đi mua đồ tích trữ lại diễn ra. Tuy không ùn ùn mua sắm như các đợt đầu mùa dịch song lượng người đến tại các chợ, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh cũng tăng cao.

Tại chợ Dĩ An, trong 2 ngày cuối tuần qua có rất nhiều bà nội trợ hối hả đi mua sắm. Không ai bảo ai, trên mỗi chiếc xe máy đều treo lỉnh kỉnh túi to, túi nhỏ là hàng thiết yếu. Bà Trần Thị Cúc, ở phường Dĩ An cho hay do sợ hàng quán đóng cửa, nên mua đồ về nhà tích trữ. “Lo xa vào thời điểm này là không thừa cô ạ”, bà Cúc nói.

Đến siêu thị Co.opmart Bình Dương, chúng tôi ghi nhận số lượng hàng hóa ở siêu thị bày đến đâu hết đến đấy vì khách đến mua sắm khá nhộn nhịp, nhất là khu vực hàng thực phẩm. Trung bình, trong khoảng 3 người chờ tính tiền thì có 1 người đẩy xe hàng hoặc xách giỏ đồ bên trong có nhiều hộp khăn giấy, giấy vệ sinh, mì gói, bánh, kẹo, đồ uống… Bên ngoài, tại khu vực hàng chờ đóng gói chuyển tới cho khách mua hàng online hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng về tận nhà cũng chất đầy nhu yếu phẩm lên xe tải. Chị Huỳnh Thanh Trúc, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một cho biết chị đến siêu thị tìm mua cánh gà dự trữ ăn dần nhưng siêu thị đã bán hết, trong khi ngày thường loại thực phẩm này được bày bán rất nhiều.

Tại siêu thị Big C Bình Dương, quầy thanh toán cũng chật kín người xếp hàng chờ đợi đến lượt. Những mặt hàng được số đông người mua chọn lựa là nhu yếu phẩm như bột giặt, sữa tắm, nước mắm, dầu ăn, hủ tíu, thực phẩm đóng hộp, đóng gói, đặc biệt là nước rửa tay… Ông Thái Thành Nhân, Trưởng bộ phận thực phẩm tươi sống siêu thị Big C Bình Dương, cho biết nhận thấy tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, hạn chế ra đường, từ tuần trước và kéo dài đến cuối tuần qua, nhiều người dân chọn mua thêm thực phẩm như mì gói, sữa, bánh ngọt, thực phẩm khô, gạo, đường, dầu ăn, trong đó mì gói vẫn được nhiều người lựa chọn vì sự tiện lợi, nhanh và rẻ. Mặt khác, thực phẩm tươi sống cũng được tích trữ nhiều trong đợt mua sắm này. Theo ông Nhân, sức mua trong 2 ngày cuối tuần qua đã tăng lên 25% so với ngày thường. Trong đó, doanh số khách mua nhóm hàng thực phẩm tăng lên đến 40% so với 2 tuần trước. Điều đáng mừng là khách hàng mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân, không có tình trạng mua gom, đầu cơ nên lượng hàng nhập vào - bán ra khá đều, khách đến mua sắm rất trật tự.

Nguồn cung đầy đủ

Ghi nhận tình hình cung ứng lượng hàng hóa cho người tiêu dùng tại các chợ truyền thống, hệ thống bán lẻ cho thấy dù số lượng hàng hóa bán ra nhanh song không có tình trạng thiếu hàng. Tại siêu thị Co.opmart Bình Dương, nhân viên liên tục thêm hàng vào các quầy kệ, nhất là mì gói, phở gói. Còn tại siêu thị Big C, khu hàng hóa phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như nước rửa tay, cồn, khẩu trang, gạo, dầu ăn… đã được siêu thị bày trí hẳn ngay tại sảnh ra vào rất dồi dào. Đẩy xe hàng chất thực phẩm tươi, khô, chế biến, cô Lại Thanh Khuyên, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ mua hàng nhiều để dự trữ, tránh việc phải ra khỏi nhà nhiều. Nhân viên siêu thị giúp cô Khuyên xếp hàng vào xe đẩy trấn an: “Cô yên tâm đi, siêu thị vẫn kinh doanh như bình thường. Ngày nào siêu thị Big C cũng có hàng cho khách mua thoải mái”.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sau chỉ đạo tạm dừng các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu của Chính phủ, ngành công thương cũng đồng loạt triển khai đến các đơn vị chức năng thực hiện tuyên truyền để người dân biết các cửa hàng kinh doanh thiết yếu vẫn hoạt động bình thường và không tăng giá. Những ngày qua có tâm lý người dân mua tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh để tránh ra đường, hạn chế lây nhiễm nhưng chưa xuất hiện tình trạng mua gom với số lượng lớn. Sở đang tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, không để phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Mặt khác, sở cũng đã làm việc với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh xây dựng các giải pháp cung ứng hàng hóa cho người dân trong trường hợp mãi lực mua tăng lên cao. “Theo đó, với sự quản lý nhà nước tại hệ thống 106 chợ truyền thống, 11 siêu thị, 5 trung tâm thương mại, trên 200 cửa hàng tiện lợi và hàng chục ngàn cửa hàng tạp hóa lớn, nhỏ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, các đơn vị đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, có khả năng cung ứng vượt 100% nhu cầu, bảo đảm không gián đoạn lực cầu chung của tỉnh trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”, ông Bình khẳng định.

THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên