Nguồn vốn khuyến công: Hỗ trợ phát triển thương hiệu Việt

Cập nhật: 16-12-2019 | 09:41:14

Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia. Việc nguồn vốn khuyến công đã tăng cường hỗ trợ việc phát triển máy móc nhằm tăng hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm công nghệ, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt là một hướng đi đúng đắn.


Thiết bị làm ống gió xoắn dạng tròn tại chi nhánh Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng (TX.Thuận An)

Phát triển thương hiệu

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Đây vừa là cơ hội để Việt Nam bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển vừa là thách thức và nếu không bắt kịp thì nguy cơ tụt hậu là hiện hữu. Bối cảnh tình hình quốc tế đặt ra yêu cầu phải tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó việc đẩy mạnh đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp hội nhập kinh tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn. Qua đó, máy móc hiện đại trở thành phương tiện hữu hiệu nắm bắt cơ hội phát triển thương hiệu Việt.

Tiền thân của Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng là một cơ sở gia công cơ khí được thành lập vào năm 1994 tại TP.Hồ Chí Minh, đến năm 2002 trong bối cảnh của quá trình xây dựng công nghiệp hóa diễn ra với tốc độ nhanh, hàng loạt các khu công nghiệp được hình thành, nhà máy, xí nghiệp cũng từ đó được các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng thì nhu cầu sử dụng quạt công nghiệp trong sản xuất ngày càng lớn, Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng chính thức được thành lập và ngày càng đứng vững trên thị trường. Trong năm 2002, Hội đồng thành viên công ty đã quyết định đầu tư xây dựng Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng vào năm 2002, trụ sở của Công ty được đặt tại phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương với công suất 2.000 quạt các loại/năm. Theo ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng, trước đây đa số các sản phẩm của công ty được sản xuất thủ công trên máy móc thiết bị lạc hậu. Với quan điểm chú trọng vào chất lượng, giá thành và mẫu mã sản phẩm nhằm cải tiến chất lượng, nâng cao thương hiệu của công ty, giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước nên công ty mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới. Đến nay các sản phẩm quạt công nghiệp của công ty đều được sản xuất trên máy móc thiết bị công nghệ hiện đại. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường cả về chất lượng, mẫu mã và tăng doanh thu của đơn vị công ty chú trọng đến việc đổi mới công nghệ trong sản xuất. Với nỗ lực cải tiến máy móc thiết bị mới nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất cho đến thi công lắp đặt tại các công trình mà đơn vị trúng thầu, năm 2019 công ty được sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công từ Trung tâm Xúc tiến đầu Tư, thương mại và phát triển công nghiệp đầu tư máy móc thiết bị làm ống gió xoắn dạng tròn.

Ông Trí cho biết bên cạnh những thuận lợi, bối cảnh quốc tế đặt ra nhiều thách thức đối với chiến lược của doanh nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt, kể cả với thị trường trong và ngoài nước. Việc đầu tư máy làm ống gió xoắn dạng tròn nhằm tạo ra sản phẩm mới trong khâu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho quạt công nghiệp, bảo đảm quy trình khép kín từ sản xuất đến lắp đặt tại công trình sử dụng quạt công nghiệp một cách thống nhất. Đồng thời để sản phẩm của công ty ngày càng đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là giá cả có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài khi tham gia đấu thầu thi công công trình quạt công nghiệp thì việc đầu tư cụm máy làm ống gió xoắn dạng tròn là nhu cầu cấp thiết của công ty hiện nay, phát triển thương hiệu Việt. Vì thế có thể thấy đây là hoạt động đầu tư hệ thống mang tính hiện đại, giảm thiểu các vấn đề (lỗi sản phẩm, chi phí sản xuất…) ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Nâng cao sức cạnh tranh

Ngành chế biến gỗ là một trong những ngành nghề xuất khẩu chủ lực của tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.215 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó 905 doanh nghiệp trong nước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thời gian gần đây, ngành chế biến gỗ của tỉnh còn phát triển các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Bắc Mỹ… Những năm qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gỗ phát triển theo hướng bền vững. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn tỉnh khu công nghiệp tập trung của ngành gỗ đang được xây dựng tại Cụm công nghiệp Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên); sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp trong tỉnh có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Trong những năm qua, ngành chế biến gỗ luôn là một trong những ngành chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh và có tốc độ phát triển cao.

Đối với các doanh nghiệp gỗ hiện nay giải pháp công nghệ là một yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, định vị thương hiệu gỗ Việt. Trong bối cảnh đó, nếu doanh nghiệp không chủ động thích ứng sẽ không thể tồn tại. Vì vậy xu hướng hiện nay, mỗi doanh nghiệp nỗ lực vận động, đổi mới công nghệ để bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định; đồng thời, nâng cao trình độ, nhận thức của người lao động trong hợp tác kinh tế quốc tế.

Theo ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất đồ gỗ nội thất” cho Công ty TNHH MTV nội thất Tiến Phúc là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, việc hỗ trợ giúp công ty có thêm điều kiện ứng dụng máy móc tiên tiến vào khâu sản xuất, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, sử dụng nguyên nhiên liệu hiệu quả, giảm thiểu phát thải cũng như bảo đảm sức khỏe người lao động. Đồng thời việc đầu tư máy CNC 5 đầu, mới 100%, hiệu Yow Cherng, Model: YOM - 5D, do Đài Loan sản xuất sẽ giúp công ty gia tăng năng suất lên gấp nhiều lần, vì công đoạn làm mộng bằng các phương pháp truyền thống trước đây tốn nhiều thời gian, nhân lực, sản phẩm bị lỗi cao, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. Sự thành công của đề án sẽ góp phần xây dựng thương hiệu gỗ của tỉnh Bình Dương trên thị trường trong nước và quốc tế. Kinh phí hỗ trợ từ chính sách khuyến công đối với ngành nghề sản xuất của công ty là hết sức cần thiết giúp công ty mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, giúp phát triển vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới máy móc, thiết bị có công nghệ tiên tiến, giúp cơ sở có thêm điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo bà Nguyễn Thị Nhất Khuyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV nội thất Tiến Phúc, sau khi đầu tư máy CNC 5 đầu, mới 100%, hiệu Yow Cherng, Model: YOM - 5D, do Đài Loan sản xuất mới 100%, công ty sẽ nâng cao được chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm, đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong sản xuất hàng xuất khẩu. Từ đó, công ty sẽ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khó tính đối với sản phẩm đồ gỗ về mặt mỹ thuật và kỹ thuật. Đồng thời, công ty sẽ nhận thêm các đơn hàng gia công mà trước đây khi chưa đầu tư công ty không thể nhận do không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng về thời gian giao hàng và độ đồng đều của sản phẩm. Dự kiến doanh thu tăng khoảng 20%, vì công ty có thể nhận các đơn hàng lớn mà trước đây không đáp ứng được.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên