Biểu hiện lâm sàng: Đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ) các cơ...; Đau cột sống, đau lan theo khoanh liên sườn, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế; Có thể đau mạn tính hoặc cấp tính sau chấn thương (gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi...; Đầy bụng chậm tiêu, nặng ngực khó thở; Gù lưng, giảm chiều cao.
Loãng xương là bệnh có thể phòng ngừa nhưng nhiều nam giới không phát hiện kịp thời để điều trị có hiệu quả. Ngay cả khi đã bị loãng xương thì những biện pháp sau đây cũng giúp ngăn ngừa xương không bị yếu đi: Cần có đủ can-xi và vitamin D. Hai chất này là thiết yếu để tạo khối lượng xương khi còn trẻ và ngăn ngừa mất xương khi đã có tuổi. Thành phần cấu tạo xương có đến 99% can-xi, nếu cơ thể không được cung cấp đủ can-xi thì sẽ lấy can-xi từ xương. Do đó cần bổ sung can-xi và vitamin D để giảm nguy cơ gãy xương hông và cột sống. Nam cần 400 - 800 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày.
Vận động giúp tạo dự trữ can-xi, tăng sự khéo léo, sức mạnh, sự cân bằng nên ít bị ngã và gãy xương. Ngoài ra, vận động còn bảo vệ xương không bị mất thêm ở nam giới đã bị bệnh loãng xương. Mỗi tuần nên tập nâng tạ ít nhất 3 lần. Chạy hay đi bộ, khiêu vũ hay chơi quần vợt đều tốt, chỉ tránh môn thể thao dễ gây gãy xương. Không uống rượu quá nhiều vì làm giảm tạo xương và giảm hấp thụ can-xi. Hạn chế cà phê, uống không quá 3 ly mỗi ngày. Đặc biệt không hút thuốc lá, vì sẽ tác động đẩy nhanh tiến trình tiêu xương.
Chủ động đi khám bệnh khi có các yếu tố nguy cơ để phát hiện bệnh sớm và điều trị thích hợp.
PGS.TS.BS LÊ ANH THƯ