Cơn sóng thần ở Nhật Bản diễn ra chỉ vài ngày sau khi các thông tin lan truyền trên Internet cảnh báo rằng chuyển động của mặt trăng sẽ gây ra thủy triều cao, núi lửa phun và động đất, theo tờ Daily Mail.
Những chiếc tàu lật vì sóng thần tại một cảng ở thành phố Hachinohe, quận Aomori hôm 11-3. Sóng thần ập tới Nhật Bản sau khi trận động đất mạnh nhất trong vòng 140 năm qua xảy ra tại đảo quốc này. Ngay sau khi địa chấn xảy ra, giới chức Nhật Bản đã ban bố cảnh báo sóng thần.
Livescience cho hay, sóng thần có thể hình thành khi các mảng địa tầng dưới đáy biển va chạm vào nhau vào gây nên động đất.
Nếu chấn mạnh xảy ra dưới đáy đại dương, một hoặc nhiều mảng địa tầng có thể được nâng lên hoặc sụt xuống khiến nước ở phía trên trồi lên hoặc sụt xuống theo. Sóng lớn hình thành ngay sau đó trong cả hai trường hợp. Như vậy, khi một hoặc nhiều khu vực dưới đáy đại dương nâng lên hoặc hạ xuống mạnh, sóng thần có thể hình thành.
Vì nhiều lý do mà người ta không thể dự đoán được sự xuất hiện của sóng thần sau những trận động đất ngoài đại dương. Thông thường, nếu động đất xảy ra, các nhà khoa học không thể biết ngay tác động của nó đối với đáy đại dương, mà phải chờ vài giờ sau đó. Ngoài ra con người không thể phát hiện sóng thần nếu chúng ta ở giữa đại dương, bởi chúng chỉ thể hiện sức mạnh khi tới gần bờ.
Không phải mọi cơn địa chấn dưới đáy biển đều gây nên sóng thần. Giới chuyên gia nhận định sóng thần chỉ xảy ra sau động đất nhờ sự kết hợp của ba yếu tố sau: cường độ địa chấn, hướng dịch chuyển của mảng địa tầng và địa hình đáy biển. Khả năng hình thành của sóng thần sẽ rất thấp nếu sự va chạm giữa các mảng địa tầng xảy ra rất sâu so với đáy đại dương, mảng địa tầng chỉ dịch chuyển nhẹ theo phương thẳng đứng, mảng địa tầng dịch chuyển theo phương ngang.
Cũng có một vài dự báo nói rằng vào ngày 19-3, mặt trăng sẽ ở vào vị trí gần trái đất hơn bao giờ hết kể từ năm 1992, chỉ cách 356.577km, và lực hấp dẫn của nó sẽ gây ra hỗn loạn trên trái đất.
Các nhà thiên văn học đã bác bỏ những “lời tiên tri”, vốn tập trung vào một hiện tượng gọi là “cận điểm của mặt trăng” và cho rằng nó hoàn toàn vô lý.
Quỹ đạo của mặt trăng xung quanh trái đất không phải hình tròn mà là hình elip. Khi đến vị trí cận điểm, mặt trăng sẽ sáng và to hơn. Khi vào vị trí viễn điểm, nó sẽ nhỏ và mờ hơn.
Hiện tượng cận điểm của mặt trăng xảy ra một tháng một lần. Tuy nhiên, vào tuần tới hiện tượng này sẽ xảy ra trùng với trăng tròn. Sự kết hợp này chỉ xảy ra 2 hoặc 3 năm một lần và người ta gọi nó là “siêu trăng”.
Mặc dù đây là một thời điểm tốt cho các nhà thiên văn chụp ảnh, các nhà khoa học khẳng định nó không hề tác động gì đến trái đất.
Dẫu vậy, những người ủng hộ lý thuyết “siêu trăng” lập luận rằng những lần hiện tượng “siêu trăng” xuất hiện ở các năm 1955, 1974, 1992 và 2005 đều đi kèm cùng các thảm họa tự nhiên.
Cơn sóng thần giết hại hàng trăm nghìn người ở Indonesia xảy ra chỉ 2 tuần trước đợt “siêu trăng” vào tháng 1-2005. Vào ngày lễ Giáng sinh năm 1974, cơn lốc xoáy Tracy cũng tàn phá thành phố Darwin của Úc.
Chiêm tinh gia người Mỹ Richard Nolle, người nghĩ ra từ “siêu trăng” vào năm 1979, tin rằng hiện tượng cận điểm của mặt trăng có quan hệ với các thảm họa tự nhiên trên trái đất. Ông nói hiện tượng cận điểm xảy ra vào ngày 18-2 đã báo hiệu trận động đất ở New Zealand vào ngày 22-2.
“Siêu trăng có lịch sử đi kèm cùng với các cơn bão mạnh, thủy triều cao và cả động đất”, Nolle nói với đài ABC trong tuần này.
Theo VnMedia