Nguyễn Trọng Vinh: Xứng đáng là lao động giỏi

Cập nhật: 05-12-2011 | 00:00:00

Anh Nguyễn Trọng Vinh, nhân viên Phòng Đào tạo Công ty TNHH Scancom Việt Nam khởi điểm chỉ là một công nhân (CN) trực tiếp sản xuất với trình độ văn hóa 7/12. Sau 3 năm làm việc, anh trở thành nhân viên đào tạo kỹ thuật “để người sử dụng lao động đánh giá cao chất lượng lao động Việt Nam”, anh tâm sự.

Anh Vinh sinh ra ở dải đất dài miền Trung. Nghệ An quê anh giàu truyền thống cách mạng nhưng thiếu điều kiện phát triển kinh tế. Vì thế, năm 1998, anh quyết định Nam tiến và chọn Bình Dương làm điểm dừng chân lập nghiệp.

Sau 4 năm bôn ba làm CN ở nhiều công ty, năm 2002, anh vào làm CN công đoạn hàn mài ở Công ty TNHH Scancom Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần 1, TX.Dĩ An). Khởi điểm chỉ là một CN trực tiếp sản xuất với trình độ văn hóa 7/12 nhưng anh ý thức được rằng, mình phải làm việc thật tốt để được công ty trọng dụng. Trước hết là có thu nhập cao phụ giúp gia đình vốn điều kiện kinh tế khó khăn và lo cho tương lai của mình. Hơn thế nữa, công ty nơi anh làm việc là một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, vì vậy anh phải làm hết sức mình để nâng cao vị trí, vai trò của người lao động, để người sử dụng lao động đánh giá cao chất lượng lao động Việt Nam. Từ suy nghĩ đó, anh Vinh luôn cố gắng làm việc chăm chỉ, không ngừng học hỏi để tiến bộ.

Với những nỗ lực của bản thân, năm 2004, anh Vinh được bổ nhiệm làm tổ trưởng chuyền hàn mài, quản lý khoảng 40 CN. Với nhiệm vụ mới, anh không chỉ gương mẫu, có trách nhiệm cao trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn thường xuyên “ngó mắt” đến các bộ phận khác. Anh Vinh nói: “Để làm tốt công việc, mình không nên chăm chăm biết công việc của mình mà những lúc rảnh rỗi phải biết quan sát, học hỏi các bộ phận khác, có như vậy mới hoàn thiện tay nghề”. Từ chỗ ham học hỏi, trong quá trình công tác, anh có nhiều đề xuất và thực hiện nhiều cải tiến kỹ thuật giúp tiết kiệm, giảm chi phí cho công ty.

Một lần nữa sau đó, anh được Ban giám đốc tin tưởng chuyển anh sang công tác tại bộ phận đào tạo kỹ thuật, phụ trách huấn luyện kỹ thuật, tái đào tạo và đánh giá tay nghề của CN. Với công việc mới này, anh lại tìm tòi để nâng cao hiệu quả công việc. Anh đã thực hiện cải tiến nhiều phương pháp và phương tiện dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo trong tình hình mới. Điển hình như các mô hình giảng dạy “Vận hành và gia công trên máy lọng”, “Phương pháp khắc phục lỗi trên mối hàn TIG”, “Kỹ thuật đan”... Những mô hình này có ưu điểm là trực quan sinh động, dễ hiểu nên CN có thể thực hành, luyện tập ngay trên lớp, an toàn và tăng hiệu quả đào tạo; đồng thời giảm thời gian đào tạo, CN tham gia sản xuất sớm hơn.

 Cải tiến nhiều phương pháp, phương tiện dạy học giúp CN dễ hiểu, giảm thời gian đào tạo Với những gì có được ngày hôm nay, anh Vinh thật sự phấn khởi. Anh vui mừng nói: Từ một lao động có trình độ văn hóa tương đối thấp, tôi đã trở thành nhân viên đào tạo kỹ thuật của công ty với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đặc biệt là quan hệ giữa tôi và lãnh đạo công ty, đồng nghiệp rất tốt. Tôi hiểu không có việc gì khó chỉ cần bản thân cố gắng, có niềm tin thì sẽ vượt qua. Và tôi nghiệm ra rằng, chủ doanh nghiệp dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, nếu người lao động thật sự cố gắng, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, xem công ty là nhà thì sẽ được tin yêu và trọng dụng.

Từ những cố gắng của mình, anh Nguyễn Trọng Vinh vinh dự được công ty chọn là CN tiêu biểu tham dự Hội nghị tuyên dương lao động giỏi, sáng tạo tỉnh Bình Dương lần thứ I-2011.

                        TIỂU LIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên