Nguyện vọng CNLĐ gửi đến các ngành chức năng

Cập nhật: 20-06-2012 | 00:00:00
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành chức năng có liên quan vừa tổ chức gặp gỡ, tọa đàm với công nhân lao động (CNLĐ) và cán bộ công đoàn các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn huyện Bến Cát. Tại đây những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của CNLĐ đã được đặt ra để các ngành chức năng xem xét giải quyết. Qua đó, cũng thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền, các sở, ngành tỉnh Bình Dương đối với CNLĐ, hoạt động công đoàn và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

  Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Kim Vân thăm nơi ở NLĐ tại KTX công nhân Công ty TNHH Tatung Việt Nam ở Bến Cát

Nỗi khổ của CNLĐ

Tham gia buổi gặp gỡ, tọa đàm có  đại diện 49 DN với tổng số CNLĐ và cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) là 147 người. Từ những thực tế khó khăn mà trong thời gian qua CNLĐ đang phải gánh chịu, tại đây đã có 11 ý kiến phát biểu tập trung vào các vấn đề tình hình an ninh trật tự, nhà trẻ, mẫu giáo, khu vui chơi giải trí, bảo hiểm thất nghiệp, giá nhà trọ, giá điện, thuế thu nhập cá nhân... Chủ tịch Công đoàn Công ty Quận Thạnh (xã Hòa Lợi) Bùi Kim Tiến là người phát biểu mở đầu cho buổi đối thoại: “Những vấn đề bức xúc hiện nay mà người lao động (NLĐ) nhập cư đang phải gánh chịu đó là: Lương tối thiểu

tính theo vùng khoảng 2,1 triệu đồng/người/tháng, cộng thêm phụ cấp gần 3 triệu đồng/tháng. Chủ tịch Công đoàn Công ty Quận Thạnh nhẩm tính chi phí của một người công nhân: tiền ăn sáng, tiền điện, nhà ở và tiền ăn tối cũng mất đứt 1,6 triệu đồng. Như vậy, NLĐ chỉ còn vỏn vẹn chưa được 1,4 triệu đồng/tháng chưa kể mỗi khi họ phải chi phí đi đám cưới, ma chay, sinh nhật... Trước những khó khăn như vậy hiện nay đã có một số NLĐ vừa sản xuất vừa bán thêm vé số để mong đủ sống”. Chủ tịch Công đoàn Công ty Quận Thạnh cũng trình bày thêm những bức xúc mà NLĐ đang phải gánh chịu, đó là giá thuê nhà trọ, điện sinh hoạt và các vấn đề an sinh xã hội đang là nỗi lo lắng của NLĐ. Cụ thể, lao động đi tha phương phải thuê mướn nhà trọ nhưng chất lượng nhà trọ không bảo đảm yêu cầu, giá nhà trọ luôn tăng nhưng chất lượng phòng trọ thì ẩm thấp, xuống cấp. Thậm chí những cam kết trong hợp đồng đã nêu nhưng chủ nhà trọ không thực hiện đúng theo hợp đồng mà còn “ép” người ở trọ. Chủ tịch Công đoàn Công ty Quận Thạnh dẫn chứng: Một số nhà trọ ở xã Hòa Lợi chưa áp dụng giá điện theo quy định, chủ nhà trọ thu tiền điện, nước sinh hoạt với giá cao hơn quy định từ 50 - 55% (giá quy định từ 1.500 - 2.000 đồng/kW) và tiền nước thu với mức giá 7.000 đồng/số. “Trong khi đó theo quy định cứ 4 người ở một phòng trọ thì được gắn một đồng hồ điện nhưng chủ nhà trọ lại “phớt lờ” không đăng ký định mức sử dụng điện sinh hoạt dẫn đến NLĐ không được hưởng ưu đãi về giá điện”, anh Nam, công nhân Công ty Sungsing bức xúc. Cũng cùng ý kiến như anh Nam, chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Công ty Nutifood tiếp tục đặt câu hỏi: Hiện nay, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ giá điện cho người ở trọ nhưng chủ nhà trọ thu tiền điện của những người ở trọ với giá “cắt cổ” cao gấp nhiều lần so với mức giá quy định của ngành điện mà không có cơ quan nào kiểm soát được. Vậy làm sao để người ở trọ được hưởng quyền lợi ưu đãi về giá điện của Nhà nước?   NLĐ trình bày những tâm tư, nguyện vọng

Các vấn đề khác như nhà trẻ cho con công nhân, các chế độ về bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự, khám chữa bệnh BHYT và sân chơi cho CNLĐ cũng là những vấn đề bức xúc mà NLĐ quan tâm. Chị Nguyễn Thị Chính, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Mỹ Phước I, bức xúc: “Việc xây nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho NLĐ gửi con và các điểm vui chơi giải trí thuộc khu vực Mỹ Phước và một số địa bàn lân cận còn quá ít. NLĐ phải gửi con ở rất xa nơi làm việc và không có nơi vui chơi, giải trí sau giờ làm việc. Một số nhà trẻ, mẫu giáo hiện nay chưa thấy có cơ quan, đơn vị nào kiểm tra về chất lượng bữa ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm”. Một số vấn đề khác cũng được nhiều CNLĐ phản ánh như: Giá cả sinh hoạt hiện nay tăng cao, đời sống NLĐ gặp nhiều khó khăn nên Nhà nước cần có chủ trương giãn đóng thuế thu nhập cá nhân của NLĐ. Song đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao đã tác động và gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống NLĐ, mặc dù hàng năm Nhà nước đều điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng nhưng NLĐ vẫn không đủ sống buộc họ phải luôn tăng ca quá quy định.

Tháo gỡ khó khăn cho NLĐ

Xuất phát từ đặc điểm là một tỉnh phát triển công nghiệp rất nhanh, đã thu hút rất đông DN và lực lượng CNLĐ đến Bình Dương đầu tư và làm ăn sinh sống. Trong đó, lực lượng CNLĐ đã và đang có nhiều đóng góp vào những thành tựu phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng DN và CNLĐ ngày càng phát sinh nhiều yêu cầu, nhu cầu cần được kịp thời nắm bắt để chia sẻ thông tin và phối hợp giải quyết. Phải làm gì để NLĐ nhập cư được hưởng các quyền lợi góp phần xây dựng Bình Dương ngày càng phát triển? Đó là câu hỏi của nhiều Chủ tịch công đoàn và NLĐ đặt ra tại buổi tọa đàm. Sau khi những câu hỏi được đặt ra, những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của CNLĐ, cán bộ công đoàn ở các DN đã được lãnh đạo một số sở, ngành trực tiếp trả lời thỏa đáng. Về ý kiến phát biểu của NLĐ về lĩnh vực an ninh trật tự ở địa bàn huyện Bến Cát. Công an huyện Bến Cát cho biết: Tình hình đăng ký tạm trú NLĐ đã được triển khai cụ thể đến các chủ nhà trọ nhưng vẫn còn một số chủ nhà trọ chưa thực hiện nghiêm túc, công an huyện hứa sẽ có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc việc đăng ký tạm trú. Về giá thu tiền điện của chủ nhà trọ trên 3.000 đồng/kW là cao so với quy định thực tế mức thu chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/kW. Lãnh đạo ngành điện lực Bình Dương hứa sẽ phối hợp với Sở Công Thương tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng điện và thu tiền điện cao hơn quy định để có biện pháp xử lý. Ngay tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Điện lực Bình Dương cũng đã giải thích đăng ký sử dụng điện chỉ cần có xác nhận của địa phương về số lượng người thuê nhà trọ thì ngành điện lực vẫn giải quyết. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Bến Cát có văn bản chỉ đạo các chủ nhà trọ phải đăng ký kinh doanh nhà trọ và đăng ký định mức sử dụng điện. Đại diện UBND huyện Bến Cát, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Khắc Tri cũng cho biết thêm: UBND huyện Bến Cát cũng rất quan tâm và đã có kế hoạch xây dựng 2 khu nhà trẻ, mẫu giáo ở khu vực Mỹ Phước 1 và 2. Qua những phản ánh của NLĐ về chủ nhà trọ thu tiền nhà trọ, tiền điện và nước cao hơn quy định, Phó Chủ tịch hứa sẽ thành lập đoàn kiểm tra để có biện pháp xử lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: Sở, ngành tham mưu đề xuất hướng giải quyết

Qua tổng hợp những ý kiến phản ánh của NLĐ và cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu tập trung vào các vấn đề về tình hình an ninh trật tự, giá cả, chính sách an sinh xã hội... tôi đề nghị các ngành căn cứ theo chức năng, thẩm quyền để có hướng giải quyết những vấn đề có liên quan đến cấp tỉnh đề nghị các sở, ngành có văn bản tham mưu đề xuất hướng giải quyết cụ thể gửi UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bùi Thanh Nhân: Tạo sự am hiểu, tin tưởng và đồng thuận

Mục đích của buổi gặp gỡ, tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh và anh chị em CNLĐ, cán bộ CĐCS là cùng trao đổi thông tin, trao đổi ý kiến, với mong muốn qua buổi gặp gỡ, tọa đàm này lãnh đạo tỉnh sẽ được nghe trực tiếp những phản về tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của CNLĐ và cán bộ CĐCS. Đồng thời lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn thông tin đến các anh chị CNLĐ và cán bộ CĐCS về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, chính sách của tỉnh, những chính sách quan tâm đầu tư, chăm lo CNLĐ của tỉnh. Qua đó nhằm tạo sự am hiểu, tin tưởng và đồng thuận, sự đoàn kết và nỗ lực trong lao động, trong cuộc sống, vì sự phát triển ổn định của địa phương, của doanh nghiệp và sự cải thiện ngày càng tốt hơn trong cuộc sống của CNLĐ.

VĂN SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên