Với lợi thế của “người đi sau”, Bình Dương có điều kiện đúc kết kinh nghiệm, rút ra bài học từ việc thu gom và xử lý nước thải tại các thành phố lớn và các nước phát triển. Bên cạnh đó phải kể đến vai trò quan trọng của chủ đầu tư trong việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh. Sau thời gian chạy thử nghiệm, Nhà máy Xử lý nước thải TP.Thủ Dầu Một được đánh giá là hiện đại bậc nhất cả nước hiện nay, góp phần to lớn vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của một thành phố văn minh, hiện đại.
Nhà máy nằm giữa lòng đô thị
Nhà máy xử lý nước thải TP.Thủ Dầu Một có tổng diện tích 11 ha, đặt tại khu phố 6, phường Phú Thọ, TP.TDM, cạnh bên là khu biệt thự Phú Thịnh sang trọng nhìn ra sông Sài Gòn trong xanh, thơ mộng, xung quanh được bao bọc bởi các làng nghề truyền thống như làm guốc mộc, gốm sứ và khu dân cư sầm uất, đã ổn định từ nhiều đời nay. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) Nguyễn Văn Thiền, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Đây là dự án sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản, thông qua Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (Jica), nên công tác tư vấn, lập dự án, thiết kế, đánh giá hiệu quả được đặt lên hàng đầu và tiến hành rất nghiêm túc, qua nhiều khâu thẩm định chặt chẽ mới đi đến quyết định đầu tư. Vị trí đặt nhà máy là vùng trũng, nên rất thuận lợi và tiết kiệm trong việc thu gom, xử lý. Nhưng điều quan trọng nhất là nhà máy nằm ngay giữa khu dân cư ở tại trung tâm đô thị như thế này vừa thể hiện sự thân thiện môi trường, vì ít phát tán mùi hôi, vừa cho thấy ít có nơi nào trên cả nước đạt được, nếu không có giải pháp công nghệ và năng lực xử lý phù hợp”! Phòng thí nghiệm thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước trước và sau khi xử lý
Đưa chúng tôi tham quan nhà máy, thạc sĩ Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc nhà máy giới thiệu: “Để bảo đảm nước thải đã qua xử lý đạt loại A theo quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT thì yêu cầu quan trắc, xác định chất lượng tại từng khâu được diễn ra liên tục với hệ thống số liệu cụ thể. Công tác này hoàn toàn tự động bởi công nghệ điều hành Scada rất hiện đại, linh hoạt và dễ vận hành. Nước thải thu gom từ các nơi sẽ được đưa về bể xử lý sinh học bùn hoạt tính bằng công nghệ cải tiến dòng liên tục ASBR, sau đó chuyển sang nhà khử trùng. Lượng bùn dư thải ra được chuyển đến bể cô đặc bùn để tách nước ra khỏi bùn và chuyển bùn ra ngoài làm nguyên liệu sản xuất phân Compose hoặc đốt cháy. Phần còn lại là quy trình xử lý mùi và khử trùng lần cuối bằng công nghệ Chemical Scrubber, kết hợp khử trùng bằng tia UV để nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cột A. Tất cả các quy trình này đều diễn ra một cách tự động và gần như khép kín nên rất bảo đảm an toàn về mùi, tiếng ồn và các yếu tố kỹ thuật khác”.
Hiện đại, an toàn và tiết kiệm
Phó Tổng Giám đốc Biwase Lê Văn Gòn nhấn mạnh: “Điểm khác biệt cơ bản thể hiện tính hiện đại trong công nghệ thu gom và xử lý nước thải của Bình Dương là chỉ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trong một hệ thống đường ống, còn nước mưa sẽ được thoát theo hệ thống riêng và không có mùi hôi từ các hố ga. Như vậy sẽ vừa tiết kiệm cho người dân, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế trong quản lý, xử lý. Cụ thể như: Việc thu gom nước thải bằng hệ thống đường ống riêng sẽ bảo đảm không phát sinh mùi cả trong quá trình thu gom và xử lý vì được bảo đảm bằng hệ thống chuyên biệt với công nghệ khép kín; người dân sẽ tiết kiệm được tiền xử lý hầm cầu, bể phốt; không phải mất công hút cặn vào mùa khô và tràn nước vào mùa mưa như trước đây, mà các nơi khác thường làm vì đã có hệ thống thu gom, xử lý của hệ thống. Phương thức này đã được các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu áp dụng và chúng ta là người đi sau nên khả năng hoàn thiện sẽ cao hơn”.
Chủ đầu tư dự án đã triển khai hệ thống đường ống dài 169.859m trên diện tích 752 ha nội ô TP.TDM. Hệ thống thoát nước gồm có tuyến ống cấp I (tuyến ống chính D200 - D300, có tổng chiều dài 54.825m) tiếp nhận nước thải từ hệ thống ống cấp II, cấp III (D100 - D150, có tổng chiều dài 104.161m) rồi trực tiếp dẫn về nhà máy. Do địa hình của TP.TDM có một số nơi bằng phằng, nên được bố trí thêm 12 trạm bơm nâng, để thu gom nước thải và bơm chuyển tiếp phục vụ công tác chuyển tải từ hệ thống thu gom về nhà máy xử lý.
Vì sự phát triển của thành phố văn minh, hiện đại
Nhà máy có tổng công suất thiết kế 70.000m3/ngày đêm. Giai đoạn I của dự án là 17.650m3/ ngày đêm theo dự kiến. Nhờ làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền vận động, giúp người dân thấy được lợi ích, ý nghĩa của việc thu gom, xử lý nước thải trong việc bảo vệ sức khỏe công đồng, vì sự phát triển bền vững của một thành phố văn minh, hiện đại. Đến nay đã có trên 300 đơn vị lớn tham gia đấu nối, đạt gần 20% công suất ban đầu. Bên cạnh đó số hộ cá thể đăng ký đấu nối có xu hướng tăng nhanh. Nhà máy đã có kế hoạch tăng thêm tổ thiết kế, đấu nối để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hai địa bàn dẫn đầu công tác này là Phú Hòa và Phú Lợi với số hộ đăng ký đấu nối đạt rất cao. Đạt được kết quả trên là nhờ: “UBND tỉnh có chính sách ưu đãi bằng cách miễn giảm 100% phí xử lý trong 2 năm đầu cho tất cả các hộ dân, khách hàng đấu nối sớm sẽ được hưởng lợi nhiều, nhằm tạo điều kiện để bà con làm quen với chi phí sinh hoạt mới. Biwase đang tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh có chính sách ưu đãi cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và công nhân ở nhà trọ, nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, vì sự phát triển của thành phố văn minh, sạch đẹp”, Phó Tổng Giám đốc Lê Văn Gòn cho biết.
Còn Tổng Giám đốc Biwase Nguyễn Văn Thiền thì nhấn mạnh: “Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng rất quan tâm đến nhiệm vụ giải quyết ô nhiễm môi trường”. Từ đó tại Bình Dương đã có nhiều dự án thuộc nhiều nguồn vốn khác nhau được triển khai, trong đó dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương là một trong những dự án lớn được phép đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản nhằm cải thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước trên địa bàn TP.TDM. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.984 tỷ đồng, tương đương 107 triệu USD, trong đó vốn đối ứng của tỉnh chiếm 20%”. Ông Thiền đúc kết: “Bình Dương được bao bọc bởi hai con sông lớn là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai đã tạo ra nhiều tiềm năng và lợi thế kinh tế. Bên cạnh đó sự phát triển đô thị của Bình Dương cũng cần hết sức chú ý đến việc bảo vệ nguồn nước! Sự ra đời của nhà máy xử lý nước thải TP.TDM vừa góp phần phục vụ sự phát triển bền vững của một thành phố văn minh, hiện đại vừa bảo đảm sức khỏe cộng đồng nhờ làm tốt công tác bảo vệ môi trường”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN THANH LIÊM: Trân trọng cảm ơn Chính Phủ, các bộ ngành và các nhà tài trợ…
Đến nay các dự án ODA được triển khai tại Bình Dương đều đã vượt tiến độ và được giải ngân tốt. Kết quả này là nhờ năng lực quản lý và quyết tâm đầu tư của tỉnh. Dù có chỉ số phát triển cao, nhưng Bình Dương đang đứng trước khó khăn về tăng dân số trên 9%/năm đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, giáo dục, giao thông và môi trường. Để giải quyết các yêu cầu này cần có nguồn vốn lớn, dài hạn và vượt ngoài khả năng ngân sách của địa phương. Bình Dương rất cần được tiếp tục hổ trợ vốn vay từ các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, xin trân trọng cảm ơn Chính phủ, các bộ ngành và các nhà tài trợ, đặc biệt là Chính phủ Nhật Bản và Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (Jica) đã giúp Bình Dương tiếp cận nguồn vốn để phát triển thành phố văn minh, hiện đại.
Tổng Giám đốc Công ty Biwase NGUYỄN VĂN THIỀN: Chịu khó tìm kiếm công nghệ để phát huy hiệu quả đồng vốn
Các dự án sử dụng vốn vay mà Biwase làm chủ đầu tư đều có quy mô lớn, tầm vóc hiện đại như nhà máy cấp nước khu liên hợp, nhà máy cấp nước Dĩ An, nhà máy xử lý nước thải TP.TDM đã triển khai bảo đảm tiến độ, tiết kiệm… và được quản lý, vận hành bằng công nghệ tiên tiến, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, phát huy hiệu quả đồng vốn và phòng tránh có hiệu quả những rủi ro có thể xảy ra.
DUY CHÍ