Nhà ở thu nhập thấp, giá điện ở “trên cao”!

Cập nhật: 15-07-2013 | 00:00:00

Nhiều hộ dân bức xúc

Nhận phiếu báo tiền điện tháng 6, tháng đầu tiên kể từ khi mới chuyển đến ở tại KCC Việt-Sing (phường An Phú, TX.Thuận An), hàng trăm hộ dân tại đây đã không khỏi giật mình vì tiền điện sinh hoạt cao gấp rưỡi so với mức thông thường. Điều này đã khiến cả chung cư xôn xao, thắc mắc. Anh Nguyễn Văn Hận, tổ trưởng khu Block A1C của KCC này tỏ vẻ ngạc nhiên và cho biết, trong tháng 6, gia đình anh chỉ sử dụng 142kWh điện nhưng giấy báo tiền điện của gia đình anh lên tới 301.000 đồng, cao gấp rưỡi so với số tiền xưa nay anh vẫn phải trả khi còn đi thuê nhà trọ. Theo tính toán của anh Hận, với mức sử dụng điện 142kWh, nếu tính theo định mức bậc thang giá điện thông thường, với 100kWh đầu tiên, giá tương ứng là 1.345 đồng/ kWh; 50kWh tiếp theo, giá sẽ ở mức 1.545 đồng/kWh. Với cách tính như vậy, gia đình anh chỉ phải trả 199.890 đồng chưa bao gồm thuế. Vậy mà với 142kWh điện năng sử dụng trong tháng 6, anh phải trả tới 301.000 đồng là một điều rất vô lý. “Không hiểu điện lực tính giá điện kiểu gì?”, anh Hận ngạc nhiên và cho biết, đã tập hợp các ý kiến, hóa đơn tiền điện của các chủ hộ tại Block A1C và bậc thang giá điện hiện hành để kiến nghị với Ban Quản lý chung cư.  

Người dân sống ở chung cư Việt-Sing bức xúc vì hóa đơn tiền điện nhà ở thu nhập thấp lại cao ngất ngưởng

Bức xúc hơn, chị Lâm Thị Ngọc Thanh, chủ căn hộ A1B2.16 cho rằng với cách tính tiền điện sinh hoạt mà ngành điệp áp dụng như vậy chẳng khác nào giá điện nhà trọ. Chỉ với 153kWh điện năng sử dụng trong tháng 6, gia đình chị Thanh phải trả tới 329.000 đồng. “Như vậy, tính bình quân nhà tôi phải trả hơn 2.000 đồng một số điện trong tháng”, chị Thanh nói. Còn anh Võ Tấn Cường, chủ căn hộ A1B201 thì phân trần, với 199kWh điện năng đã sử dụng, anh đã phải thanh toán cho điện lực 446.328 đồng! “…Chúng tôi cũng không thể hiểu được vì sao giá điện lại cao đến thế. Đây là chung cư an sinh xã hội mà giá điện lại tính trên trời. Mặc dù băn khoăn và bức xúc nhưng chúng tôi vẫn phải đóng vì nếu không, điện lực sẽ cắt điện thì khổ!”, anh Cường chia sẻ. Đây cũng là “nỗi niềm chung” của tất cả các hộ dân tại KCC Việt-Sing. Chủ căn hộ A1C2.05 cũng tỏ ra bức xúc không kém khi với 202kWh điện năng sử dụng, gia đình này phải trả tới 453.941 đồng tiền điện sinh hoạt trong tháng 6.

Bất thường bậc thang lũy tiến!

Nhìn vào các hóa đơn tiền điện của các hộ dân, chúng tôi nhận thấy có sự bất thường trong cách tính định mức bậc thang lũy tiến giá điện. Chính điều này đã khiến các hộ dân tại chung cư Việt-Sing phải trả tiền điện sinh hoạt với giá cao ngất ngưởng. Hiện dự thảo về điều chỉnh giá điện mới chưa có hiệu lực thi hành, giá bán lẻ điện năng sinh hoạt theo bậc thang mà ngành điện áp dụng hiện hành vẫn theo tinh thần của Thông tư số 38/2012/TT-BCT ngày 20-12- 2012 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, hóa đơn của gia đình anh Võ Tấn Cường, căn hộ A1B201 lại cho thấy định mức đầu tiên chỉ được áp ở mức 30kWh đầu tiên với giá 1.350 đồng thay vì 100kWh theo định mức hiện hành. Sau đó, lẽ ra phải áp với định mức 50kWh tiếp theo với giá 1.545 đồng/kWh thì Điện lực Thuận An lại chỉ áp định mức 15kWh; 50kWh kế tiếp phải áp với giá 1.947 đồng thì ngành điện lại chỉ áp 15kWh với mức giá này… Cứ thế, định mức bậc thang bị chẻ nhỏ, đẩy giá điện theo bậc thang của hộ anh Cường lên kịch khung ở mức thang thứ 7, với giá 2307 đồng/kWh. Trong khi đó, nếu áp theo định mức hiện hành, với 199kWh điện năng sử dụng, gia đình anh Cường chỉ phải trả tiền điện ở mức bậc thang thứ 4, thay vì thứ 7.

Điện lực Thuận An nói gì?

Đem những băn khoăn bức xúc của các hộ dân ở KCC Việt-Sing đến trao đổi với Điện lực Thuận An, chúng tôi nhận được phản hồi, cách tính tiền điện của đơn vị này tại chung cư Việt-Sing là đúng với quy định hiện hành! Đại diện Điện lực Thuận An lý giải, do trong tháng 6 các hộ dân tại chung cư Việt-Sing chưa được ghi số điện đúng theo định kỳ nên xảy ra tình hình như trên. Theo đó, với mỗi định mức bậc thang lũy tiến giá điện được tính trong cả tháng nên mới có chuyện chia nhỏ định mức các bậc thang áp giá lũy tiến như trên. Ví dụ, với định mức bậc thang ban đầu của 1 hộ dân thông thường là 100kWh nhưng do thời gian sử dụng điện của các hộ dân trong tháng tính đến thời điểm ghi số điện chỉ khoảng 10 ngày và định mức 100kWh này phải chia đều cho 30 ngày sử dụng nên mới áp định mức bậc thang ban đầu cho các hộ dân ở con số 30kWh. Tương tự, ở các định mức bậc thang lũy tiến về sau cũng vậy. Điện lực Thuận An cam kết trong tháng 7, khi các hộ dân tại chung cư đã có đủ thời gian sử dụng điện trong 1 tháng, định mức bậc thang lũy tiến giá điện sẽ được áp dụng tương ứng với biểu giá của quy định hiện hành theo Thông tư số 38/2012/TT-BCT ngày 20-12/-2012 của Bộ Công Thương trong trường hợp chưa điều chỉnh giá điện mới.

Đó là giải thích từ ngành điện nhưng trên thực tế, phần đông các hộ dân tại chung cư Việt- Sing đến ở ngay từ khi chủ đầu tư bàn giao nhà (10-5-2013), đã phải chịu thiệt thỏi bởi cách áp định mức của điện lực. Và, với mức sử dụng điện sinh khoảng từ 150 - 200kWh, những hộ dân chắc cũng đã phải có thời gian sử dụng điện kéo dài cả tháng. Mặt khác, với khách hàng sử dụng điện, họ sẽ không quan tâm đến việc khi nào điện lực ghi số điện và phương pháp áp định mức của ngành điện. Điều mà khách hàng, người dân cần phải được điện lực thỏa mãn là số kWh điện năng sử dụng trên thực tế phải được áp đúng định mức bậc thang lũy tiến với các mức giá bán lẻ điện tương ứng. Phải chăng vì “độc quyền”, ngành điện muốn áp thế nào cũng được, còn người dân thì phải chịu thiệt thòi?

• ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên