Nhà tù Phú Lợi - Biểu tượng của lòng dũng cảm

Cập nhật: 01-12-2017 | 08:09:05

Cách đây tròn 59 năm, ngày 1-12-1958, tại Nhà tù Phú Lợi (còn được gọi với cái tên mỹ miều là “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, “An Trí viện”), đế quốc xâm lược đã đầu độc hàng ngàn tù nhân chính trị. Sự kiện này gây chấn động khắp năm châu, làm lay động hàng triệu trái tim yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

 Dù chế độ ở Nhà tù Phú Lợi vô cùng khắc nghiệt với chuồng cọp, gạo mục, cá ươn... và những đòn tra tấn dã man, nhưng những chiến sĩ cách mạng kiên trung không hề chùn bước; họ đã biến nơi này thành trường học chính trị

 Nhà tù Phú Lợi tồn tại 8 năm (1957-1964) với cái tên mỹ miều là “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, “An Trí viện” nhằm giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước Việt Nam. Nơi đây từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” với đủ loại cực hình tra tấn dã man.

Theo tài liệu còn lưu lại, xưa kia Phú Lợi là 1 trong 4 Trung tâm huấn chính lớn ở miền Nam Việt Nam gồm: Phú Lợi (có 3.340 người), Côn Sơn (có 2.843 người), Tân Hiệp, tỉnh Biên Hòa (có 1.031 người) và Thủ Đức (có 934 người). Còn theo tài liệu của ta thì đây là 1 trong 6 nhà tù lớn nhất, gồm Thủ Đức, Chí Hòa, Phú Lợi, Tân Hiệp (Biên Hòa), Côn Đảo và Phú Quốc.

Hôm nay đây, chiến tranh đã lùi xa, Nhà tù Phú Lợi khắc nghiệt năm xưa giờ đã trở thành di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia (được xếp hạng ngày 10-7-1980). Hàng năm, khu di tích đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nhưng nhắc đến Nhà tù Phú Lợi, những người đã từng bị giam giữ nơi này thì hình như họ không bao giờ quên. Trong đó, sự kiện đầu độc hàng ngàn tù nhân chính trị vào ngày 1-12-1958 gây chấn động khắp năm châu, làm lay động hàng triệu trái tim yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Theo tài liệu còn ghi lại, đến cuối năm 1958, số tù nhân ở Nhà tù Phú Lợi lên đến gần 6.000 người, trong đó có 1.000 tù nhân là nữ. Anh chị em tù nhân quê quán ở khắp mọi miền đất nước chẳng may rơi vào tay giặc và bị chúng tập trung về đây. Đối với những người tù chính trị chống lại chế độ của chúng thì sự khắc nghiệt của Nhà tù Phú Lợi cũng không khác ở nhiều nhà tù khác lúc bấy giờ, ăn gạo mục cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi… Sống bẩn thiểu, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai bệnh tật không thuốc chữa trị, những đòn điều tra đánh đập dã man… và chúng đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để lấy cớ đánh đập tù nhân.

Những người chống chào cờ, chống học tập sẽ được đưa về phòng kỷ luật. Chế độ ở phòng kỷ luật vô cùng khắc nghiệt. Tùy theo mức độ chống đối mà hình thức xử lý càng khác nhau. Trong đó bị ở xà lim là khổ nhất, chân bị cùm, lưng không ngồi thẳng vì trên đầu có kẽm gai, ăn uống kham khổ…

“…Trong một ngày - mồng một tháng mười hai

Nào ai ngờ không có nữa ngày mai!

Chúng tôi chết, trong đêm dài tàn khốc

Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc

Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn

Trái tim hồng chết uất máu bầm đen…”

6 câu thơ được trích trong bài thơ: “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”, được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1959 đã trở nên bất hủ, và bất cứ ai đọc qua đều dâng trào niềm căm phẫn về tội ác của Mỹ - Ngụy đối với dân tộc ta chính là diễn tả vụ thảm sát tại nhà tù Phú Lợi vào ngày 1-12-1958.

Trước tội ác dã man đó, để chạy tội, Mỹ - Diệm tìm cách phi tang nhân chứng, gây nên làn sóng căm phẫn trong và ngoài nước. Chỉ sau 1 tháng vụ đầu độc ta nhận được liên tiếp nhiều bức điện của các tổ chức quốc tế: Liên hiệp Công đoàn thế giới, Hội Liên hiệp Học sinh thế giới, Hội Luật gia thế giới...

Biến đau thương thành hành động, khắp nơi trong cả nước dấy lên phong trào hướng về Phú Lợi, từ tiếng gọi căm thù, tiếng gọi đau thương... Đặc biệt “Tuần lễ thi đua vì Phú Lợi và miền Nam ruột thịt!” của Ủy ban đấu tranh Trung ương chống vụ đầu độc ra đời đã làm bừng lên một phong trào thi đua trên công xưởng, nông trường, hợp tác xã, thao trường, thông tin đại chúng và sáng tác văn nghệ. ..

Dù chế độ ở Nhà tù Phú Lợi vô cùng khắc nghiệt với chuồng cọp, gạo mục, cá ươn... và những đòn tra tấn dã man, nhưng những chiến sĩ cách mạng kiên trung không hề chùn bước. Họ đã biến nơi này thành trường học chính trị. Đặc biệt, họ đã lập ra Đảng ủy Trung tâm Phú Lợi để tập hợp quần chúng đấu tranh với kẻ thù.

Những cái tên như Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Thị Hoa, Đào Văn Tiên… là những nhân chứng sống hùng hồn cho tội ác dã man của Nhà tù Phú Lợi.

“Đừng hỏi tên ai còn ai mất

Sáu nghìn người chỉ một tên chung

Chỉ một tên: Hòa bình thống nhất

Tên những người bất khuất trung kiên

Những câu thơ của Hoàng Trung Thông đã phần nào cho thấy ý chí kiên cường của những người tù chính trị tại nơi này. Với niềm tin chiến thắng, họ đã lên tiếng đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống đàn áp, chống tra tấn tù nhân…

Trong điều kiện mới của chiến tranh diễn ra, đến năm 1964, Nhà tù Phú Lợi không còn nữa. Từ đó hệ thống trại giam chuyển thành tiểu khu quân sự Mỹ - Ngụy cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên