Nhập siêu hạ nhiệt

Cập nhật: 27-02-2010 | 00:00:00

Hai tháng đầu năm nay nhập siêu đã hạ nhiệt. Nếu tháng 11 năm trước nhập siêu 2.081 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu 23,4%, tương ứng tháng 12 là 1.928 triệu USD và 35,3%, thì tháng 1 năm nay là 945 triệu USD và 18,9%, tháng 2 là 700 triệu USD và 18,9%.

 

Sự hạ nhiệt của nhập siêu trong 2 tháng đầu năm nay so với 2 tháng cuối năm trước do nhiều yếu tố. Nhìn tổng quát, đầu năm nay so với cuối năm trước, xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu (tháng 1-2010 so với tháng 12-2009, xuất khẩu giảm 8,3% trong khi nhập khẩu giảm 19,4%, tính chung 2 tháng đầu năm nay so với 2 tháng đầu năm trước, xuất khẩu giảm 14,2% trong khi nhập khẩu giảm 26,9%).

 

So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tuy giảm 2,2% nhưng có một số điểm đáng lưu ý. Nếu không kể tái xuất vàng của cùng kỳ năm trước, thì xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay đã tăng 14,5%; một số mặt hàng có kim ngạch tăng khá, như dây điện và cáp điện, hóa chất và sản phẩm hóa chất, thiết bị dụng cụ cầm tay, máy tính và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ.

 

Đặc biệt, hàng dệt may - mặt hàng có kim ngạch lớn nhất - đã tăng 13%, trong đó đáng lưu ý có mặt hàng mới là vải đã xuất khẩu vào một số thị trường (Ấn Độ, Indonesia…) và có nhiều đơn hàng mới… Giá xuất khẩu một số mặt hàng đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước như dầu thô, cao su, than, gạo, hạt tiêu, hạt điều, chè…

 

Có một yếu tố rất quan trọng là để kiềm chế nhập siêu, đã có nhiều biện pháp. Bên cạnh các biện pháp về sản xuất, về thị trường… có một biện pháp đã sớm được thực hiện - người viết thường dùng cụm từ “vượt trước ngăn chặn”- đó là hai lần điều chỉnh tỷ giá VND/USD. Lần thứ nhất vào cuối tháng 11-2009, lần thứ hai vào ngày 12-2-2010. Những động thái này đã có tác động khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu.

 

Nhập siêu giảm có tác động cải thiện cán cân thương mại, cải thiện cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hối, giảm sức ép tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối - vấn đề đã được một số chuyên gia coi là lớn nhất, không kém vấn đề tái lạm phát cao.

 

Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn bị sụt giảm so với cuối năm trước do còn gặp khó khăn về thị trường; quan trọng hơn là sản xuất trong nước còn những hạn chế, bất cập về hiệu quả, sức cạnh tranh, về cơ cấu sản xuất và xuất khẩu, về tính gia công…

 

Tăng tỷ giá VND/USD là cần thiết, nhưng chỉ có tính hỗ trợ, những điểm nói trên mới là quan trọng; hơn nữa tăng tỷ giá cũng sẽ có những hiệu ứng phụ như nhập khẩu lạm phát, khuếch đại lạm phát, tăng nợ nần…

 

(Theo Thanh Niên)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên