Nhập siêu khó giảm

Cập nhật: 28-01-2010 | 00:00:00

Bước sang năm 2010, theo nhận định từ giới chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi suy thoái và bắt đầu trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, một số yếu kém cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện, trong đó nhập siêu vẫn là một quan ngại không thể giải quyết ngày một ngày hai. Gia tăng kim ngạch xuất khẩu và giảm nhập siêu không chỉ trong năm 2010 mà cả trong những năm tới, là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

 Tăng xuất để giảm nhập siêu?

Biện pháp này đã được thực hiện từ xưa đến nay và rõ ràng có những tác dụng tích cực đến việc kéo cán cân xuất nhập khẩu về vị trí cân bằng hòng giảm nhập siêu. Tuy nhiên khi mà nền kinh tế thế giới vẫn chưa khỏe lại, nhu cầu thị trường và các rào cản thương mại vẫn còn là một thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thì rõ ràng trong tình hình hiện nay khó có thể lạc quan. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu chủ lực vẫn là từ việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên khai thác thô nhưng thời gian qua lợi thế về xuất khẩu tài nguyên cũng đang mất dần.

Năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có kế hoạch khai thác 15 triệu tấn dầu thô, cả ở trong và ngoài nước. So với 16 triệu tấn dầu thô khai thác và xuất khẩu được trong năm 2009, năm 2010 này, ngân sách sẽ hụt thu một khoản không nhỏ. Đối với than, dự báo năm 2010 sản lượng than xuất khẩu cũng sẽ giảm khi nguồn cung không tăng nhiều, trong khi có thêm một số nhà máy nhiệt điện than mới đi vào hoạt động. Nếu như trong vòng 4 năm trở lại đây, xuất khẩu than đều ở mức bình quân 20 triệu tấn/năm thì năm 2010 dự kiến lượng than xuất khẩu có thể giảm từ 3 đến 5 triệu tấn. Về lâu dài, lượng than xuất khẩu của Việt Nam còn tiếp tục giảm xuống khi nhu cầu than trong nước ngày một gia tăng và tiến tới Việt Nam phải nhập khẩu than cho sản xuất điện từ năm 2012, với dự kiến 6 triệu tấn/năm và sẽ tăng mạnh trong những năm tiếp theo.

Không những thế, việc giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô và than đá khai thác trong nước, tiến tới phải nhập khẩu số lượng lớn tài nguyên để phục vụ cho sản xuất trong nước chắc chắn sẽ khiến cho cán cân thương mại có những biến động bất lợi nhất định. Như vậy, đâu sẽ là lời giải cho bài toán tăng nhập khẩu để giảm nhập siêu?

Không chỉ là do giá thành

Giá thành các mặt hàng xuất khẩu giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm góp phần làm cho nhập siêu gia tăng là một nguyên nhân được Bộ Công Thương chỉ ra nhưng theo các ý kiến phản biện từ chuyên gia, đây chưa phải là nguồn cơn của vấn đề.

Trước tiên phải khẳng định rằng, giá thành các mặt hàng xuất khẩu giảm đã làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu và đẩy cán cân thương mại về phí nhập siêu. Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nhiên liệu và năng lượng đã tăng 13,0% về lượng và giảm 11,3% về trị giá so với cùng kỳ. Trong khi giá xuất khẩu của các mặt hàng này giảm so với cùng kỳ như giá bình quân của dầu thô giảm 43,5%, xăng dầu giảm 42,1%, quặng và các khoáng sản khác giảm 33,9%, than đá giảm 25,9% thì có vẻ như việc tăng sản lượng xuất khẩu đã được áp dụng để tìm kiếm thêm nguồn thu.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khi giá xuất khẩu thấp thì giá nhập khẩu cũng không thể cao. Cho nên, cốt lõi của nhập siêu vẫn là buộc phải nhập khẩu nhiều vì không nhập thì không có xuất. Các chuyên gia cho rằng, nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn đang dừng lại ở công đoạn làm gia công với rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động theo phương thức này. Vì vậy, sản xuất hàng hóa Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu để phục vụ xuất khẩu và cung cấp cho chính thị trường nội địa. Khi nào nền sản xuất còn dừng lại ở gia công thì áp lực nhập siêu sẽ chưa thể giảm. Dệt may, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD trong năm 2009, phần giá trị mà Việt Nam thu được chỉ chiếm khoảng 40%... nhưng không thể dừng nhập khẩu và tình hình này cũng tương tự với ngành giày da... Còn đối với thép xây dựng, dù nguồn cung trong nước được xem là đã đáp ứng nhu cầu, với năng lực sản xuất lên tới 7 triệu tấn/năm, nhưng có khoảng 70% nguyên liệu cho cán thép đang phải nhập khẩu.

  

Trong năm 2009, nhập siêu của nền kinh tế ở mức 12 tỷ USD. Với những diễn biến khách quan và nội tại của nền kinh tế, năm 2010 áp lực nhập siêu vẫn còn nguyên vẹn. Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán giảm nhập siêu phải nhìn nhận tận gốc rễ bản chất vấn đề và cần có một chiến lược dài hơi với những tư duy và biện pháp cải cách nền kinh tế thật quyết liệt.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên