Nhật thừa nhận phóng xạ rò rỉ gây chết người

Cập nhật: 19-03-2011 | 00:00:00

Ông chủ của Công ty Điện lực Tokyo – cơ quan chủ quản phụ trách nhà máy hạt nhân đang gặp trục trặc Fukushima, hôm qua (18-3) đã bật khóc khi cuối cùng phải thừa nhận chất phóng xạ phun ra từ các lò phản ứng quá nóng đủ giết chết một số công dân Nhật Bản.

 

 Sau khi Giám đốc điều hành Công ty Điện lực Tokyo – ông Akio Komiri rời cuộc họp báo trong nước mắt thì một bộ trưởng cấp cao khác của Nhật Bản cũng lên tiếng thừa nhận chính phủ đã bị “ngợp” và choáng váng trước mức độ và quy mô của thảm họa động đất sóng thần cũng như cuộc khủng hoảng hạt nhân. Vị quan chức này cũng cho rằng, đáng ra các quan chức Nhật Bản cần phải thừa nhận tình hình rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng từ trước đó.

 

Tổng Thư ký Nội các Nhật Bản – ông Yukio Edano phát biểu: “Tôi phải nói thẳng nói thật rằng, mức độ và quy mô không thể tưởng tượng nổi của trận động đất kèm theo sóng thần vừa rồi ở Nhật Bản là một trong những điều mà chúng tôi không hề dự đoán được và cũng không hề dự phòng trong các kế hoạch khẩn cấp. Và sau khi nó xảy ra, đáng ra chúng tôi đã có thể đánh giá tình hình nhanh hơn và từ đó sẽ tập hợp và công bố thông tin sớm hơn”.

 

Các chuyên gia hạt nhân đã nói từ mấy ngày nay rằng, Nhật Bản đang xem nhẹ tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nước này.

 

Hôm qua, Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản đã nâng mức độ báo động về hạt nhân ở nước này từ cấp độ 4 lên cấp độ 5 trong 7 cấp độ mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra. Ở cấp độ 5 có nghĩa là cuộc khủng hoảng hạt nhân có thể “gây chết người”.

 

Các quan chức Nhật cho biết, họ đã phải tăng mức độ báo động sau khi biết được đầy đủ mức độ phát tán phóng xạ từ nhà máy Fukushima. Theo họ, 3% nhiên liệu ở 3 lòng phản ứng trong nhà máy này đã bị phá hỏng nghiêm trọng. Điều đó cho thấy, lõi của 3 lò này đã tan chảy một phần.

 

Khủng hoảng hạt nhân Nhật tồi tệ hơn “Chernoby của Mỹ” nhiều lần

 

Ở cấp độ 5, khủng hoảng hạt nhân hiện giờ ở Nhật được so sánh với tai nạn hạt nhân ở Đảo Ba Dặm của Mỹ năm 1979. Đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ và nó được ví là vụ “Chernobyl của Mỹ”.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Harold Denton - người phụ trách xử lý thảm họa ở Đảo Ba Dặm của Mỹ cách đây 32 năm, cuộc khủng hoảng hiện tại ở nhà máy Fukushima, Nhật Bản nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thảm họa ở Mỹ.

 

Ông Denton cho biết, thảm họa ở Đảo Ba Dặm có nguyên nhân từ sự cố hỏng van kết hợp với lỗi con người trong khi đó, thảm họa ở Fukushima là do một trận động đất kèm theo sóng thần khủng khiếp gây ra. Trong khi nhà máy hạt nhân ở Đảo Ba Dặm hoàn toàn không bị phá hủy gì thì ở Fukushima, hàng loạt vụ nổ và cháy đã phá hủynhiều phần ở đây.

 

Ông Denton, 75 tuổi, cũng đưa ra một loạt so sánh khác. Theo ông này, thảm họa ở Đảo Ba Dặm không gây ra thương vong gì và chỉ làm phát tán một lượng phóng xạ nhỏ. Tuy nhiên, ở Fukushima, ít nhất 2 công nhân đã mất tích và nhiều công nhân khác đang bị phơi nhiễm nặng chất phóng xạ độc hại.

 

Tai nạn ở nhà máy Đảo Ba Dặm chỉ do một lò phản ứng trục trặc gây ra nhưng ở Fukushima, có 6 lò phản ứng đang gặp trục trặc.

 

Ngoài ra, các công nhân ở Đảo Ba Dặm có thể làm việc gần với lò phản ứng còn các công nhân ở Nhật Bản thì không thể làm thế vì mức độ phóng xạ ở gần lò phản ứng đang ở mức quá nguy hiểm.

 

Chưa hết, điện ở nhà máy Đảo Ba Dặm vẫn hoạt động trong khi ở Fukushima, hệ thống điện đã bị phá hủy trong trận động đất kèm theo sóng thần. "Điện là nguồn máu không thể thiếu để nuôi sống các nhà máy điện hạt nhân. Nếu bạn có điện, bạn có thể làm được nhiều điều nhưng nếu không, nước trong lò phản ứng sẽ bay hơi và nhiên liệu bắt đầu nóng chảy, phát tán chất phóng xạ ra bên ngoài," ông Denton cho biết.

 

Bản thân Phó Tổng Giám đốc Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản – ông Hideohiko Nishiyama cũng thừa nhận họ không biết liệu có thể đưa các lò phản ứng ở Fukushima vào tầm kiểm soát hay không.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nhấn mạnh, đất nước mặt trời mọc sẽ vượt qua được thảm họa này. “Chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước Nhật Bản từ đầu. Trong lịch sử của chúng ta, quốc đảo nhỏ bé này đã tạo nên một sự tăng trưởng kinh tế kỳ diệu nhờ vào nỗ lực của tất cả các công dân Nhật Bản. Đó là cách mà Nhật Bản sẽ xây dựng lại đất nước”.

 

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên