Nhếch nhác kéo dài tại một khu tái định cư ở Dĩ An

Cập nhật: 10-05-2010 | 00:00:00

Mùa khô nhưng trong KTĐC vẫn có những ao tù đọng nước do không có hệ thống thoát nướcNhững người dân chấp hành tốt chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chính quyền địa phương, sẵn sàng di dời vào các khu dân cư tập trung để nhường đất cho doanh nghiệp xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Tân Đông Hiệp B, tại xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An hiện đang gặp rất nhiều khó khăn! Trong khi các nhà máy trong KCN này đã đi vào hoạt động ổn định từ lâu...

Bài 1: Sống “lậu” trong không gian “trại tập trung”!

Theo quy định, đời sống của người dân chấp hành chủ trương vào khu tái định cư (KTĐC) phải bằng hoặc cao hơn mức sống cũ. Nhưng đến nay, sau hơn 5 năm vào KTĐC, những người dân tốt bụng kia vẫn đang gánh chịu cảnh ở “lậu” vì nhà đất không có giấy tờ hợp lệ, còn không gian sống thì như một “trại tập trung”!...

5 năm rồi... ở “lậu”!

Đó là câu nói thảng thốt của những cụ ông, cụ bà lớn tuổi đang sống tại KTĐC Tân Đông Hiệp B, xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An. Từ ở “lậu” được các cụ nhắc đi, nhắc lại nhiều lần và giải thích: “Trước đây, chúng tôi có nhà, có đất, có ruộng vườn với giấy tờ hẳn hoi. Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước và địa phương, chúng tôi đã chấp hành nhường đất để doanh nghiệp xây dựng KCN nhằm thu hút đầu tư, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương. Lúc đó, giá đền bù chỉ 70.000 đồng/m2, nhưng chúng tôi đều chấp nhận vì cái lợi chung của địa phương và về sống trong KTĐC này vì tin vào lời hứa của đại diện chủ đầu tư nào là hạ tầng đầy đủ, khang trang, có đèn đường, cống thoát nước, có công viên cây xanh, khu dịch vụ, khu vui chơi và quan trọng là sẽ có “sổ đỏ” chỉ sau 1 tuần... Nhưng đến nay đã 5, 6 năm rồi mà nhà đất của chúng tôi không có một tờ giấy để chứng minh chủ quyền hợp pháp. Nếu có ai đó kiểm tra tính pháp lý của KTĐC này, kể cả nhà cửa của chúng tôi hiện nay thì tất cả đều... “lậu” hết!”

Đưa chúng tôi đi một vòng quanh KTĐC, cụ Lê Văn Năm, 80 tuổi, buồn bã than: “KTĐC nằm trên gò cao mà không có một cây xanh che mát. Ban ngày thì nóng không chịu nổi, trong khi ở nhà ban ngày chỉ toàn người già và trẻ nhỏ. Mùa khô thì vừa nóng vừa bụi, rác không ai xử lý. Mùa mưa thì nước đọng vũng, lầy lội do không có đường thoát nước. Đêm xuống cả KTĐC chỉ có 3 ngọn đèn đường, con em trong xóm đi làm đêm về té lên té xuống vì sụp ổ gà, ổ trâu”. Cụ Nguyễn Thị Chắc, 81 tuổi, nói thêm: “Hồi đó khi vận động chúng tôi nhường đất để xây dựng KCN, nhà đầu tư hứa là môi trường sống của bà con trong KTĐC sẽ bằng hoặc cao hơn lúc trước, nhưng bây giờ thì mới biết mình bị chủ đầu tư lừa! Vì vậy, chúng tôi rất mong lãnh đạo các cấp sớm nhìn xuống để chúng tôi có một không gian sống có thể chấp nhận được chứ cái kiểu sống như “trại tập trung” thế này, thì oan ức cho chúng tôi quá!”.

Đem cái nghèo cũ đổi cái nghèo mới!

Cụ Mai Thị Hải, 72 tuổi, bức xúc: “Rõ ràng chúng tôi phải sống trong cảnh bế tắc cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bây giờ là mùa khô mà nước thải sinh hoạt tràn ra đường, đọng thành vũng, huống chi mùa mưa đến người dân KTĐC này phải chịu cảnh đi lại khốn khó thể nào, vì hiện tại cả KTĐC không có lấy một đường thoát nước. Trong khi đó KTĐC của Công ty Biconsi nằm cạnh đây người ta làm rất khang trang, có đầy đủ hạ tầng, người dân có giấy tờ nhà đất hẳn hoi để làm ăn, vay vốn buôn bán, còn chúng tôi phải bó tay mà chịu cảnh khó khăn, bế tắc thế này”.

Số hộ dân nhường đất để xây dựng KCN Tân Đông Hiệp B tuy nhiều, nhưng số hộ vào sống trong KTĐC Tân Đông Hiệp B thì chỉ trên 80 hộ. Mỗi hộ ít nhất có từ 5 - 7 nhân khẩu. Toàn KTĐC hiện có trên 500 người, chưa kể số hộ thuộc diện tạm trú, KT3...

Có quá nhiều ý kiến oán thán của bà con đang sống tại KTĐC này, hầu hết các ý kiến có cùng một nội dung là đã lớn tuổi, không biết sống nay chết mai lúc nào, trong khi con cái thì đông, phải chia nhà, chia đất cho chúng trước khi nhắm mắt, chứ không thì rối lắm!

Một số ý kiến cho rằng họ bế tắc cả trong việc làm ăn vì thiếu vốn, vì không thể thế chấp nhà đất vay vốn làm ăn do không có chủ quyền nhà đất. Nói như một cụ ông, trước đây làm nông có ít mình đầu tư ít, bây giờ đất không còn, nơi ở đã thành đô thị hết rồi, muốn làm ăn thì phải có vốn, có nghề. Mình có nhà đất hẳn hoi nhưng không có sổ đỏ thì ai dám cho vay vốn để làm ăn. “Chẳng lẽ chúng tôi đem cái nghèo cũ đi đổi cái nghèo mới và phải chịu thêm cảnh bế tắc thế này?”, cụ ông than thở.

DUY CHÍ

Kỳ tới: Lời hứa từ trên cao!

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên