Nhiên liệu sạch cho các khu công nghiệp Bình Dương: Xu thế phát triển phù hợp

Cập nhật: 29-06-2011 | 00:00:00

Sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các hoạt động trong sản xuất, kinh doanh đang là một xu thế, bởi LNG là một nguồn nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Xu thế này đã được lãnh đạo tỉnh nhiệt tình ủng hộ khi Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas) đưa ra tại hội thảo mới đây nhằm cung cấp nguồn khí này cho các khu công nghiệp (KCN) Bình Dương. Đây cũng là một xu hướng phát triển phù hợp với định hướng của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Ưu thế của LNG

Ông Nguyễn Trung Dân, Ủy viên HĐQT PV Gas cho biết, LNG hiện nay được giao dịch rất phổ biến trên thị trường quốc tế, các quốc gia nhập khẩu LNG với khối lượng lớn gồm có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Italia... Các nước xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới thuộc khu vực Trung Đông, Australia, Nga... LNG được hóa lỏng nhờ làm lạnh sâu đến -162oC sau khi đã loại bỏ các tạp chất. LNG có thành phần chủ yếu là Methane. LNG có ứng dụng tương tự khí đốt tự nhiên, là một nguồn nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, có nguồn cung ổn định, lâu dài nên đã trở thành nguồn năng lượng chính trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới. So với dầu và than đá thì khi cháy khí tự nhiên ít thải ra các chất thải độc hại như CO2, SOx và NOx hơn, các hợp chất này là các nhân tố chính gây ra sự nóng lên toàn cầu và mưa axit.

  Đại diện lãnh đạo tỉnh chứng kiến ký kết ghi nhớ việc cung cấp LNG của PV Gas cho các doanh nghiệp ở Bình Dương

Khi hóa lỏng thành LNG, thể tích của khí tự nhiên giảm đi 600 lần, nhờ vậy LNG có thể được vận chuyển khối lượng lớn bằng tàu vượt đại dương có sức chứa từ 120.000 - 260.000m3 từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. LNG là một nguồn nhiên liệu sạch, có giá cạnh tranh với các nhiên liệu truyền thống như LPG, DO, FO nên việc sử dụng LNG sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội. Đối với doanh nghiệp (DN) sẽ tiết kiệm được chi phí nhiên liệu cho sản xuất, tăng tuổi thọ thiết bị, giảm chi phí bảo trì hàng năm, dễ dàng kiểm soát, ổn định nhiệt lượng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được chi phí đầu tư cho kho chứa nhiên liệu. Đối với KCN sẽ có hệ thống cung cấp nhiên liệu khí làm tăng tính hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Còn đối với địa phương thì giảm được lượng khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng khí của các nhà máy điện, đạm và các KCN của Việt Nam ngày càng gia tăng, trong khi nguồn cung khí trong nước lại có hạn, không đáp ứng được sự phát triển của thị trường. Nhằm bảo đảm nguồn cung khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, PV Gas đang triển khai dự án nhập khẩu LNG nhằm cân đối cung cầu khí. Dự kiến từ năm 2014 PV Gas sẽ bắt đầu nhập khẩu 1 triệu tấn LNG/năm về Việt Nam, sau đó sẽ tăng lên 3 - 5 triệu tấn/năm. Thời gian đầu, PV Gas sẽ cung cấp, phân phối LNG cho khu vực Đông Nam bộ, nơi đã phát triển hệ thống tiêu thụ khí tương đối hoàn chỉnh, trong đó Bình Dương là địa phương đầu tiên được triển khai cho chiến lược phát triển này.

Phương án cung cấp LNG cho KCN Bình Dương

Theo kế hoạch của PV Gas, phương án cung cấp LNG cho các KCN ở Bình Dương được bắt đầu từ năm 2014. PV Gas sẽ nghiên cứu, lựa chọn các KCN, cụm khách hàng tại Bình Dương có nhu cầu sử dụng 10.000 - 30.000 tấn LNG/năm để đầu tư ngay từ 2 - 4 kho chứa để phân phối khí. Phương án vận chuyển LNG từ Tổng kho Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ sử dụng bằng xe bồn chuyên dụng trọng tải 10 - 15 tấn. LNG sẽ được nạp vào các bồn giữ trữ, sau đó được tái hóa khí đưa vào đường ống dẫn tới khách hàng.

Trong chiến lược phát triển thị trường LNG tại Việt Nam, PV Gas đánh giá cao tiềm năng sử dụng LNG cho công nghiệp tại Bình Dương. Bởi, Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Bên cạnh đó, Bình Dương là cửa ngõ giao thương với TP.HCM, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như QL.13, QL.14, đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 - 15km nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Ông Trần Văn Rạng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay, Bình Dương có 28 KCN và cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 8.700 ha, có hơn 1.200 DN trong và ngoài nước đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ USD. Đây là một tiềm năng rất lớn trong việc ứng dụng khí tự nhiên, thân thiện với môi trường nhằm góp phần đưa Bình Dương phát triển một cách bền vững, văn minh, hiện đại. Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp để hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp hiểu được về sản xuất sạch hơn, khuyến khích DN sử dụng khí đốt, giai đoạn trước mắt sẽ phấn đấu khoảng 50% DN ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn vào hoạt động của mình.

Ủng hộ với việc phát triển LNG trong công nghiệp góp phần thân thiện với môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm nhận xét, LNG sẽ phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương trong tương lai. Vì thế, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để PV Gas triển khai thực hiện thành công dự án cung cấp khí LNG cho các KCN và DN ở Bình Dương.

Ông Trần Hưng Hiển, Phó Tổng Giám đốc PV Gas: Sử dụng LNG bảo đảm về môi trường

Ông có thể cho biết một số ứng dụng của LNG?

- Nguồn gốc của LNG là khí tự nhiên, LNG có thể cung cấp cho nhà máy điện, đạm, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng như thép, gốm sứ, gạch men, thủy tinh và các nhà máy sản xuất về hóa dầu...

Khả năng cung ứng LNG trong tương lai như thế  nào?

- Hiện nay chúng ta thiếu khoảng 1 tỷ m3 khí, đến 2015 ta thiếu khoảng 3 - 4 tỷ m3 khí, đến 2025 thiếu khoảng 12 tỷ m3 khí. Như vậy, nhu cầu tăng nhanh hơn khả năng cung cấp. PV Gas đã có kế hoạch để nhập khẩu LNG đưa về Việt Nam để cung cấp cho khách hàng.

Giá thành và tính cạnh tranh của LNG như thế nào?

- Trong thời điểm hiện tại, giá khí trong nước đang là giá ưu tiên cho một số khách hàng như điện, đạm, công nghiệp... Trong tương lai, giá khí nhập khẩu sẽ tương đương giá khí trong nước. Hiện tại chúng tôi tính giá khí cho đến 2014 thì bảo đảm giá khí LNG nhập khẩu cung cấp cho khách hàng rẻ hơn so với LPG, xăng khoảng từ 25 -30%, so với dầu FO và DO rẻ hơn từ 10 - 15%.

Ngoài giá thành, LNG còn lợi thế nào?

- Đó là khí sạch nên bảo đảm về môi trường, chất lượng ổn định, không có tạp chất nên khi ứng dụng sẽ cho sản phẩm chất lượng hơn và đi kèm với đó là hệ thống tự động hóa, chi phí bảo trì thấp. Đối với Bình Dương càng có lợi thế hơn khi có các KCN tập trung, dễ cung cấp và cự ly từ tổng kho về cũng rất gần...

- Xin cám ơn ông!

 

 

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên