Nhiều công nhân thích nghi trước cơn “bão giá”

Cập nhật: 27-08-2011 | 00:00:00

Trong những tháng qua, giá cả tăng cao, một số chủ nhà trọ cũng đã tuyên bố tăng theo: tiền phòng trọ, giá tiền nước... Tuy gặp nhiều khó khăn, nhiều công nhân (CN) đã cố gắng vượt qua, tìm nhiều cách tiết kiệm để dần thích nghi với cơn bão giá.

   Công nhân phấn khởi khi điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1-10

Giá cả leo thang... công nhân choáng mặt

Buổi đi chợ sau giờ tan tầm của CN lao động: Toàn rau với rau! Chị Tám bán hàng rau tại chợ An Bình (TX.Dĩ An) nói với chúng tôi. Chính xác như vậy, vào những buổi tan tầm, chúng tôi cũng đã có mặt để đi chợ cùng CN và thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Khi vào chợ, khẩu phần ăn của họ đã được định sẵn: rau, trứng hoặc rau, vài con cá bạc má mua về chiên ăn cả phòng. Không cần suy nghĩ nhiều, tại các chợ này chúng tôi cũng đã gặp và chứng kiến một số CN đi vào chợ rồi trở ra chỉ cần 5 phút là mua xong cho một bữa ăn của cả phòng. Trong thời gian qua, cơn “bão giá” lại tiếp tục tăng đã khiến cho đời sống CN thêm khó khăn. Con cá và đĩa rau trong bữa ăn của mỗi CN đã dần teo tóp. Chống chọi với cơn bão giá, CN phải “nát óc” suy nghĩ để chi tiêu cho đúng mức lương từ 1,7 -2,5 triệu đồng/tháng. CN vào chợ mua bó rau, một vài cái trứng, chanh, ớt, mắm, muối và những thứ lặt vặt khác. Tất cả những thứ ấy đều cho vào một bịch ni-lông, cầm gọn trên tay bước ra về. Tôi nhẩm tính, vị chi toàn bộ trong túi ni-lông của một số CN cho mỗi lần đi chợ cho cả phòng ăn không quá 40.000 ngàn đồng. Chị Tám, quê ở miền Bắc, CN KCN Sóng Thần, than rằng: “Giá cả mỗi ngày một leo thang, trong khi tiền lương thì cứ “giậm chân tại chỗ hoặc tăng không đáng kể”. Trước kia còn dư chút đỉnh, còn bây giờ nhận lương mang về bao nhiêu là hết sạch, cứ như gió vào nhà trống. Làm ăn khó quá!”. Chị than rằng: “Nghe thông tin từ ngày 1-10, mức lương cơ bản được điều chỉnh nâng lên. CN chúng tôi phấn khởi lắm”. Trong thời gian qua, không ít doanh nghiệp luôn thực hiện chế độ tăng lương cho CN của mình, tuy nhiên với thời giá như hiện nay thì đồng lương không theo kịp. Mọi thứ đều tăng giá: điện tăng giá, phòng trọ tăng giá, thức ăn tăng giá... làm cho đời sống của người lao động ngày càng thêm khó khăn hơn.

Công nhân tìm cách “vượt khó”

Sống trong cơn bão giá như hiện nay, có một số CN biết cách tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày để bảo đảm cuộc sống của mình. Đây là những cách nghĩ, cách làm hay mà các bạn CN đã và đang thực hiện. Hai cô bạn Trang và Thu quê ở miền Trung cùng làm CN ở KCN VSIP. Do hoàn cảnh Trang và Thu có em gái là sinh viên học ở Bình Dương nên họ cùng nhau mướn phòng ở TX.TDM để sinh sống. Trong lúc xăng chưa tăng giá, Trang và Thu mỗi người đi xe gắn máy riêng của mình đến công ty làm việc mỗi ngày. Bước sang năm 2011, khi xăng tăng lên 19.000 - 21.000 đồng/lít thì họ nghĩ ra cách tiết kiệm ghép xe lại để thay phiên chở nhau đi làm. Cách làm của họ như sau: Mỗi sáng, hai bạn dậy sớm hơn một chút để vệ sinh cá nhân, ăn sáng tại nhà rồi í ới gọi nhau chở đi. Trong tháng, Trang và Thu cũng phân chia lịch chở đi làm. Cứ tuần 1, Trang dùng xe máy của mình để chở Thu đi làm. Đến tuần thứ 2, Thu dùng xe máy của mình để chở Trang đi làm. Cứ thế, họ luân phiên nhau chở đi. Trang nói: “Lương tháng của CN chẳng đáng là bao. Mình phải mướn phòng trọ ở xa công ty để về chăm sóc em để học hành. Đi xa tiền xăng tốn kém lắm! Mình hy vọng đến đầu tháng 10 khi tăng mức lương tối thiểu và vật giá ổn định thì chắc CN “dễ thở” hơn chút đỉnh”.

Chúng tôi đến một số phòng trọ CN thuê, các bạn nữ cùng nhau đi chợ về nấu ăn nhưng trong những tháng gần đây thì lại khác hẳn. Không chỉ CN nữ mà nhiều nam CN trong phòng trọ cũng tổ chức đi chợ để nấu ăn. Tại một phòng trọ ở xã An Bình (TX.Dĩ An), anh Thắng tâm sự: “Lúc trước giá cả chưa tăng cao, sau một ngày làm việc ở công ty, các bạn trong phòng cùng rủ nhau ra quán ăn tối. Nhưng nay giá quá đắt đỏ nên nhóm bạn nam cùng phòng rủ nhau đi chợ để cùng nấu ăn. Trong tuần, nhóm bạn Thắng cũng đã phân công lịch đi chợ, nấu ăn cụ thể cho từng người. Khi trong phòng tổ chức nấu ăn vừa ngon, vừa rẻ đã tiết kiệm được một khoản chi tiêu trong cuộc sống”. Họ là những người xa quê hương, sống trọ lâu ngày nên trở thành những người bạn thân thiết bên nhau. Tại một số khu nhà trọ có đông CN, cứ sau giờ tan ca chúng tôi thường bắt gặp hình ảnh của một phụ nữ trên tay ôm xấp báo cũ len lỏi vào các khu nhà trọ. Chỉ trong chốc lát, chị quay trở ra thì chồng báo trên tay đã hết sạch. Tìm hiểu, chúng tôi được biết mỗi ngày người phụ nữ này thu gom vài ba kg báo đủ loại: Bình Dương, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công An, Tạp chí Thời Trang, Phụ Nữ... rồi mang đi cân kg bán cho các vựa ve chai giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Thấy tiếc quá, chị đã nghĩ ra cách: Khi mua được những tờ báo, tạp chí, chị liền xếp ngay ngắn. Sau mỗi buổi chiều tối, chị tranh thủ đến một số phòng trọ để bán lại giá rẻ cho CN với mức từ 500 - 1.000 đồng tùy theo từng loại báo, tạp chí. “Ban đầu, một số CN chưa “mặn mà” với báo, tạp chí  cũ nhưng giờ đây họ đã quen và xem tôi như mối ruột. Mỗi khi trời mưa tôi chưa đến kịp thì họ trông chờ”, chị bộc bạch. Còn đối với CN ở những phòng trọ, họ xem đọc báo cũ cũng là một cách tiết kiệm trong chi tiêu của mình. Sáng, đến công ty làm việc suốt ngày, tối về mới có thời gian rảnh để xem báo, tạp chí. Dù báo cũ nhưng với CN thì không cũ. Vả lại giá rẻ chỉ bằng 1/4 giá bìa nên vừa sức CN. Đây cũng là cách vừa tiết kiệm, vừa tìm hiểu được thông tin.

Tường Vy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên