Nhiều điểm mới về quản lý, sử dụng đất lúa

Cập nhật: 12-07-2012 | 00:00:00

Ngày 11-5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất lúa. Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Nghị định có 4 chương, 17 điều, trong đó nêu rõ về nguyên tắc lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất lúa khác sang sử dụng vào trồng cây hàng năm phải phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hay sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa khác...

Nghị định còn quy định trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt; sử dụng tiết kiệm, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất; canh tác đúng kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất; cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường sinh thái; người sử dụng đất trồng lúa thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, nghị định cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện đúng các quy định về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Khi chuyển đất lúa khác sang sử dụng vào trồng cây hàng năm phải thực hiện đúng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương; không làm biến dạng mặt bằng, không làm thay đổi tính chất vật lý, hóa học của đất để khi cần thiết vẫn gieo trồng lúa được; không làm hư hỏng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng đã được đầu tư trên đất đó.

Khi chuyển đất lúa khác sang sử dụng vào trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản cần áp dụng các biện pháp để bảo vệ độ phì đất; phòng, chống ô nhiễm, thoái hóa môi trường đất, nước; nếu di chuyển hoặc làm hư hỏng các kết cấu hạ tầng trên diện tích đất trồng lúa chuyển mục đích sử dụng, phải có trách nhiệm khắc phục kịp thời, không làm ảnh hưởng tới sản xuất lúa của khu vực liền kề; khi chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án, thực hiện dự án không đúng tiến độ để đất hoang hóa sẽ bị thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, nghị định nêu căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách Nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) thông qua định mức phân bổ ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương từ 2012-2015, ngoài hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành còn được ngân sách Trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để sản xuất lúa, cụ thể sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa. Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ căn cứ vào số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách. Và người sản xuất lúa cũng được hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70%; 50% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%; 70% chi phí khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước; mức chi phí do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định; 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất trồng lúa mới khai hoang; 70% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất lúa khác được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước...

Đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí; đối với các địa phương có khoản điều tiết từ các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương dưới 50% thì được hỗ trợ 50% kinh phí. Ngoài ra, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ sản xuất lúa theo quy định còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước theo quy định hiện hành.

M.H

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên